Bảo tồn ga Hà Nội trong phát triển đô thị
Đẩy nhanh tiến độ
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa trả lời Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội về kiến nghị cử tri, với nội dung đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng tổ hợp ga Ngọc Hồi ở huyện Thanh Trì. Theo đó, Bộ GTVT cho rằng theo Luật Đường sắt, dự án đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi do UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư. Ngày 22/3, Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội họp để phân định rõ trách nhiệm làm cơ quan chủ quản đầu tư các hạng mục thuộc tổ hợp ga Ngọc Hồi. Cụ thể, Bộ GTVT sẽ đầu tư các hạng mục với chức năng lập tàu của đường sắt quốc gia và UBND TP Hà Nội đầu tư các hạng mục khu depot thuộc dự án này.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Bộ GTVT chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt bàn giao hồ sơ, tài liệu liên quan của dự án đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi để UBND TP Hà Nội chủ động hoàn thiện các thủ tục đầu tư khu depot và dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi theo thẩm quyền.
Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị liên quan di dời cơ sở hạ tầng đường sắt quốc gia như ga Hà Nội, ga Giáp Bát để bàn giao mặt bằng cho UBND Hà Nội triển khai thực hiện dự án.
Từ năm 2004, Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi, dài 28,7 km, là đường đôi khổ lồng 1.000 mm và 1.435 mm. Trên tuyến sẽ xây dựng hai cầu đường sắt mới qua sông Hồng và sông Đuống để thay thế cầu Long Biên và cầu Đuống hiện tại. Năm 2019, Bộ GTVT dự tính cần khoảng 81.530 tỷ đồng mới đảm bảo triển khai dự án này.
Như vậy khi hoàn thành dự án trên ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt đô thị. Tuyến đường sắt quốc gia Bắc - Nam dịch chuyển về ga Ngọc Hồi, cách ga Hà Nội hiện nay khoảng 13km về phía Nam.
Liên quan tới dự án trên, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết việc tiếp nhận và triển khai một số hạng mục của dự án, trong đó có tổ hợp depot Ngọc Hồi, được giao cho phía Hà Nội. Sở GTVT đang làm việc với đại diện Bộ GTVT để tiếp nhận hồ sơ. Tuy nhiên tại thời điểm này, Sở GTVT Hà Nội chưa tiếp nhận bất kỳ hồ sơ hoặc phần công việc nào từ dự án đường sắt Yên Viên - Ngọc Hồi, mọi việc đang chờ sự chỉ đạo của Chính phủ cũng như các buổi làm việc giữa đại diện Bộ GTVT và TP Hà Nội.
Chú trọng bảo vệ kiến trúc, di sản
Dù vậy, là một phần quan trọng của lịch sử, kiến trúc và văn hóa của Hà Nội nên sau khi chuyển thành ga đường sắt đô thị, người dân và giới chuyên gia kỳ vọng các hạng mục hạ tầng về kiến trúc sẽ vẫn được giữ nguyên.
Ga Hà Nội được Pháp xây dựng, đưa vào khai thác từ năm 1902 với tên gọi là ga Hàng Cỏ. Sau khi ga Hàng Cỏ được chính thức đổi tên thành ga Hà Nội năm 1976, Chính phủ đã quyết định tổ chức 2 đoàn tàu Thống Nhất khai thông tuyến đường sắt Bắc - Nam. Địa danh này khánh thành cùng năm với cầu Long Biên (1902), thế nhưng lại ít được biết đến như một chứng nhân lịch sử của Thủ đô Hà Nội.
Đề cập tới di sản kiến trúc ga Hà Nội, GS sử học Nguyễn Văn Khánh bày tỏ: Ở một số nước vẫn có những nhà ga gần trung tâm thành phố, vẫn có giá trị sử dụng. Thế nhưng vấn đề là phải cải tạo thế nào. Việc bảo tồn là cũng để giữ lại một ký ức cho thế hệ hiện nay và mai sau hiểu về một phần lịch sử của Hà Nội và Việt Nam. Nếu bây giờ giữ lại, thậm chí tôn tạo, phục hồi những dấu tích xưa của nhà ga cũ cũng rất hay. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải có cái nhìn nghệ thuật, mỹ thuật phù hợp kiến trúc lịch sử. Bên cạnh đó, việc bảo tồn cũng trong hướng hiện đại hoá, phù hợp với sự phát triển của kinh tế, xã hội đất nước.
Ủng hộ việc cải tạo nhà ga là cần thiết để có thể đáp ứng được các yêu cầu phát triển, PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học lưu ý: Cần đặc biệt chú ý đến các yếu tố như bảo vệ kiến trúc, di sản; hài hòa trong quy hoạch tổng thể. Hiện ga Hà Nội còn giữ được khá nhiều đường nét kiến trúc của Pháp, do đó, việc cải tạo ga cần làm theo hướng giữ lại toàn bộ những kiến trúc này. Có thể xây dựng nhà ga mới to hơn, đẹp hơn, ôm lấy toàn bộ những đường nét của nhà ga chính để bảo vệ di sản.
Theo ông Huy, phá dỡ để xây mới thì rất dễ, nhưng xây mà giữ được di sản thì mới khó, mới là thách thức cần vượt qua. Phương án mới nên thiết kế thành các đường chạy tàu ngầm dưới lòng đất hoặc trên cao, tránh tình trạng đường sắt cắt ngang nhiều tuyến phố trong nội đô như hiện nay, vừa gây ách tắc, lại thiếu an toàn. “Đồng thời, việc quy hoạch cần phải cân nhắc đến toàn bộ cảnh quan xung quanh khu vực ga. Hà Nội nên tập trung phát triển theo hướng đô thị lõi gồm các khu phố cổ (gồm các quận nội thành) và khu vệ tinh. Trong đó, các công trình, dự án bất động sản cao tầng nên phát triển ở khu vệ tinh. Làm được vậy sẽ tránh được việc phá vỡ quy hoạch, làm tăng dân số nội đô và ách tắc giao thông”, ông Huy nói.