Bảo tồn không gian lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn gắn với phát triển du lịch
Chiều 28/12, tại tỉnh Hà Nam, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ VHTT&DL) phối hợp với Sở VHTT&DL Hà Nam tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy không gian lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn gắn với phát triển du lịch quốc gia”.
Báo cáo của UBND tỉnh Hà Nam cho biết, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn diễn ra từ ngày mùng 5 đến hết ngày mồng 7 tháng Giêng, trong một không gian rộng lớn, mà trung tâm là chùa Đọi đến làng Đọi Tam và bến sông Châu Giang.
Lễ hội ghi dấu thời điểm cách đây 1037 năm (mùa xuân năm 987), vủa Lê Đại Hành về chân núi Đọi, đích thân cày ruộng để khuyến khích nhân dân sản xuất nông nghiệp, mở ra điển lễ để các đời sau noi theo và là một trong những ngày hội chính của đất nước.
Năm 2009, tỉnh Hà Nam phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam khôi phục lại Lễ Tịch điền - Đọi Sơn. Đến năm 2017, Lễ hội đã được Bộ VHTT&DL ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Theo lãnh đạo tỉnh Hà Nam, trong giai đoạn hội nhập phát triển kinh tế và đô thị hoá mạnh mẽ hiện nay, việc bảo tồn, phát huy những giá trị di sản Lễ hội Tịch điền đang đối mặt với những thách thức. Đặc biệt là trong việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữ gìn và khai thác, mục tiêu kinh tế và mục tiêu văn hóa.
Do đó, hội thảo được kỳ vọng làm rõ những vấn đề khoa học và thực tiễn, đưa ra những giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị của Di sản Văn hóa phi vật thể Lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn; khai thác tài nguyên di sản văn hóa, kết nối không gian văn hóa vùng Đọi Sơn, tạo động lực phát triển du lịch cho tỉnh Hà Nam.
Hơn 30 tham luận gửi tới Hội thảo đã tập trung làm sáng tỏ những khía cạnh chủ yếu liên quan đến việc bảo tồn và phát huy không gian Lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn gắn với phát triển du lịch.
Theo quan điểm của các nhà khoa học, nguyên nhân khiến cho lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn có sức sống mạnh mẽ và thu hút sự quan tâm của nhân dân chính là do lễ hội này có sự gắn kết một cách hợp lý, hài hòa giữa các nghi lễ cung đình với truyền thống văn hóa và các phong tục tập quán, tín ngưỡng của nhân dân địa phương.
Đồng thời, việc phục hồi nghi lễ Tịch điền khẳng định, biểu dương những giá trị cốt lõi của nền kinh tế nông nghiệp mà cha ông ta sớm lựa chọn từ buổi lập nước, nhắc nhở mọi người thuộc các ngành, các giới, các giai tầng xã hội khác nhau phải luôn trân trọng những giá trị này.
GS.TS Đinh Khắc Thuân (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) cho rằng, Lễ hội Tịch điền ở Đọi Sơn ngày nay là một lễ hội mang ý nghĩa khuyến nông và là nét đẹp văn hóa trở về nguồn cội.
Theo ông Thuân, phần lễ trong lễ hội này rất quan trọng, vừa tái hiện nghi thức lễ Tịch điền cổ truyền, vừa phô diễn vẻ đẹp văn hóa trong Lễ hội. Tuy nhiên, trâu cày không nên vẽ quá nhiều màu sắc lên thân trâu mà chỉ nên vẽ lên tấm vải rồi treo lên lưng trâu, có tính tượng trưng, như vậy vừa gìn giữ môi trường vừa bảo vệ trâu cày.
Ông Thuân cũng đề xuất cần có đàn tế Tiên Nông, đồng thời, những nghi thức cụ thể cũng cần định lệ cho mỗi kỳ lễ hội, vừa trang trọng nhưng không nên thần thánh hóa.
PGS.TS Bùi Xuân Đính (Trường Đại học Mở Hà Nội) cũng đồng tình không nên vẽ trang trí lên trâu mà để mộc, chọn trâu to khỏe, da đẹp. Đồng thời, tỉnh Hà Nam cần nghiên cứu dựng lại khu thực hiện nghi lễ Tịch điền với đầy đủ các bộ phận như khu Tịch điền dưới triều Nguyễn, để trở thành nơi thực hiện nghi lễ thường xuyên, ổn định.
Ý kiến nhiều nhà khoa học và nhà quản lý tại hội thảo đều thống nhất rằng việc bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn gắn với phát triển văn hóa và du lịch hiện nay là vô cùng cần thiết. Qua đó, phát huy vai trò của cộng đồng - chủ nhân của di sản, đồng thời quảng bá sâu, rộng những giá trị văn hóa đặc sắc của Lễ hội và vùng văn hóa châu thổ sông Hồng; khai thác, kết nối tài nguyên du lịch quốc gia.