Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng từ góc nhìn văn hóa: Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn
Và đặc biệt, lần đầu tiên trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã đề cập toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược.
Văn hóa nói chung và hoạt động văn hóa nói riêng là phạm trù rất rộng mà trong khuôn khổ của một bài viết không thể đề cập hết được. Do đó, xin được nhìn từ một góc độ rất sinh động của hoạt động văn hóa đã và đang diễn ra sôi nổi trên toàn quốc, đó là hoạt động vẽ tranh cổ động.
Vai trò của tranh cổ động trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Trước hết, cần khẳng định rằng, tranh cổ động Việt Nam là một loại hình nghệ thuật đồ họa độc đáo, tuyên truyền thông tin, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến mọi người dân theo cách chính thống. Một chức năng quan trọng của tranh cổ động là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống lại những nguồn tin phản động, xấu độc, sai trái vẫn đang hàng ngày len lỏi, cố gắng tiếp cận người dân trên không gian mạng. Quan điểm này đã được họa sĩ Phạm Ngọc Mạnh nhấn mạnh trong bài viết “Vai trò của tranh cổ động trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” đăng tải trên Báo Phụ nữ Việt Nam ngày 11/5/2023.
Theo họa sĩ Phạm Ngọc Mạnh, “Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng cho nghệ thuật tranh cổ động Việt Nam. Từ những năm 1920 khi Người sáng lập ra tờ báo Người cùng khổ (Le Paria), những minh họa, biếm họa trên báo của Người chính là tiền đề của loại hình tranh cổ động chính trị… Tranh cổ động Việt Nam chính thức xuất hiện khi chính quyền cách mạng Việt Nam ra đời và trở thành thể loại xung kích của mỹ thuật Việt Nam, phục vụ công cuộc đấu tranh giành độc lập, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước…
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tranh cổ động bám sát các chiến dịch của quân đội ta, công tác binh vận, tình quân dân, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1966, Bộ Văn hóa thành lập Xưởng tranh cổ động trực thuộc Tổng cục Thông tin, tập hợp được nhiều họa sĩ chuyên sáng tác tranh cổ động. Trong kháng chiến chống Mỹ, tranh cổ động tập trung vào các chủ đề hậu phương lớn miền Bắc, tiền tuyến lớn miền Nam, chống chiến tranh phá hoại, các đề tài về giao thông, vận tải, về đường Trường Sơn, về công, nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất, học tập văn hóa, cổ vũ khí thế chiến đấu để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược…”.
Cũng theo họa sĩ Phạm Ngọc Mạnh, trong đời sống xã hội hôm nay, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - là cơ quan quản lý nhà nước có chức năng tổ chức thi sáng tác tranh cổ động, đã tổ chức rất nhiều cuộc thi vẽ tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và các sự kiện quan trọng của đất nước như: kỷ niệm Ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2/1930; Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975; Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954; Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/1890; Ngày Cách mạng tháng Tám 19/8/1945; Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2/9/1945; Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7/1947 và các sự kiện lịch sử quan trọng khác của đất nước…
“Cục Văn hóa cơ sở luôn xác định rõ công tác thông tin, tuyên truyền, cổ động bằng hình ảnh trực quan là một lĩnh vực hoạt động có vị trí hết sức quan trọng trong đời sống. Tranh cổ động là công cụ sắc bén để tuyên truyền những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân, có tác động trực tiếp đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống của mỗi người dân, cộng đồng dân cư ở địa bàn cơ sở, làm cho đời sống tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, góp phần vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. Thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển, giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, theo họa sĩ Phạm Ngọc Mạnh.
Thực tế cũng đã chứng minh nhận định này. Còn nhớ năm 2020, khi dịch bệnh COVID-19 bắt đầu bùng phát trên thế giới và ở Việt Nam, để tuyên truyền, kêu gọi toàn dân tích cực phòng, chống dịch bệnh, Cục Văn hóa cơ sở đã cấp tốc tổ chức Cuộc vận động sáng tác tranh cổ động phòng, chống dịch bệnh COVID-19 từ ngày 10 đến ngày 15/3/2020. Tuy phát động trong thời gian rất ngắn, nhưng sau 5 ngày, Ban Tổ chức đã nhận được 103 tranh tham gia của 23 họa sĩ trên toàn quốc và Hội đồng nghệ thuật đã lựa chọn 14 tác phẩm xuất sắc nhất để tổ chức trao giải.
Nội dung các bức tranh là những thông điệp rất ý nghĩa về phòng, chống, ngăn chặn và đẩy lùi dịch COVID-19 qua những hình ảnh mang tính đặc trưng của ngôn ngữ nghệ thuật tranh cổ động như: Hãy rửa tay thường xuyên, đúng cách với xà phòng và nước sạch (tranh của họa sĩ Nguyễn Tuấn Khởi); Chung tay phòng, chống dịch COVID-19 (của họa sĩ Lưu Yên Thế); Không tụ tập đông người để tránh nguy cơ lây nhiễm (của họa sĩ Lê Thuận Long)…
Những mẫu tranh này đã được Bộ Y tế đánh giá đã thể hiện những thông tin cơ bản nhất để phòng, chống dịch COVID-19. Trong suốt những năm tháng cả nước phòng, chống dịch bệnh, các mẫu tranh này đã được in và phát hành đến Trung tâm Văn hóa, Thể thao các quận, huyện, thị xã và địa bàn dân cư tại 10.732 UBND xã, phường, thị trấn trên toàn quốc nhằm tuyên truyền, hướng dẫn người dân biết cách chủ động phòng, chống dịch bệnh.
Và mới đây nhất, tranh cổ động lại có mặt trong sự kiện lớn của đất nước, đó là sự kiện kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Triển lãm tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc được Cục Văn hóa cơ sở phối hợp với Sở VHTT tỉnh Nghệ An tổ chức tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) vào tháng 6/2023, giới thiệu 74 tác phẩm tranh cổ động được tuyển chọn từ hơn 500 tác phẩm tranh cổ động của các họa sĩ chuyên và không chuyên trên toàn quốc tham dự Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc do Cục Văn hóa cơ sở tổ chức.
Thông qua ngôn ngữ hội họa, các tác phẩm tranh cổ động đã tuyên truyền về ý nghĩa của Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò, tác dụng to lớn của phong trào thi đua yêu nước; khẳng định giá trị và sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước qua từng giai đoạn cách mạng của Đảng và nhân dân ta; tuyên truyền các phong trào thi đua, điển hình tiên tiến trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội.
Lần đầu tiên Văn kiện Đại hội Đảng đề cập toàn diện, sâu sắc đến văn hóa
Từ một góc nhìn về vai trò của tranh cổ động, có thể thấy văn hóa đã, đang và sẽ đóng góp to lớn vào sự phát triển của đất nước, cũng như bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Tháng 11/2021, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII, nhắc đến câu nói của một tiền bối, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”.
Theo Tổng Bí thư, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền văn hóa đã có đóng góp to lớn vào sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc. Tuy nhiên, văn hóa chưa được quan tâm một cách đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí. Do đó, phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Lần đầu tiên trong Văn kiện Đại hội, Đảng đã đề cập toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược.
Để chấn hưng và phát triển nền văn hóa dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu 4 giải pháp lớn. Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cũng như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã đưa ra những giải pháp trọng tâm để phát triển giá trị văn hóa, sức mạnh người Việt, trong đó đặc biệt chú trọng tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam.
Có thể nói, nhìn nhận vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng từ góc nhìn văn hóa, thì văn hóa cần phải trở thành “lá chắn mềm” theo tinh thần “hoa thơm sẽ lấn át cỏ dại” để loại trừ sự phản cảm, loại trừ sự phản động, xấu độc, sai trái… vẫn đang hàng ngày len lỏi, cố gắng tiếp cận người dân, phá hoại xã hội.
Và từ cái gốc văn hóa đó, con người Việt Nam sẽ được xây dựng với những phẩm chất như yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Nền văn hóa Việt Nam sẽ tiếp tục được kế thừa, phát huy những tinh hoa, tài sản vô cùng quý báu do tổ tiên, cha ông mấy nghìn năm để lại, để từ đó phát triển có trọng tâm, trọng điểm, nhằm phát huy “sức mạnh mềm” bảo vệ sự trường tồn của đất nước, dân tộc.
Chúng ta có trách nhiệm giữ gìn, trân trọng, phát huy di sản văn hóa cha ông
Hiện nay, cả nước có 166 bảo tàng, trong đó có 4 bảo tàng quốc gia với hơn 3 triệu hiện vật; gần 3.500 di tích được xếp hạng quốc gia, trong đó hơn 1.600 di tích lịch sử; 105 di tích quốc gia đặc biệt; 288 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia; 27 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Theo lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là tài sản vô cùng quý báu do tổ tiên, cha ông mấy nghìn năm để lại, chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy; nếu không là chúng ta có tội với lịch sử.