Báu vật“rừng bác Năm Công” ở Quảng Nam
Bác Năm Công với Nghị quyết 15
Tháng 1/1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) đã đề raNghị quyết 15 về nhiệm vụ cho cách mạng Miền Nam và khẳng định: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân… Con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”.
Một trong những người xây dựng và thực hiện thắng lợi Nghị quyết 15 là ông Võ Toàn - Bí thư Liên khu ủy V (sau này đổi tên thành Võ Chí Công).
Sau Hiệp định Giơ- ne - vơ 1954, ông Võ Toàn ở lại lãnh đạo phong trào cách mạng ở Khu 5. Qua bốn năm thực hiện đấu tranh chính trị với địch, đòi thi hành Hiệp định, hàng vạn đồng chí đồng bào bị bắt giết và tù đày do bị địch khủng bố đàn áp. Cách mạng đi vào thoái trào và phương pháp đấu tranh cách mạng lúng túng.
Ngày đêm trăn trở với tình hình đó, ông Võ Toàn đã ra miền Bắc gặpTrung ương xin ý kiến chỉ đạo. Ông đề nghị thay đổi phương pháp đấu tranh cách mạng: “Địch dùng vũ lực đàn áp cách mạng, thì quần chúng phải dùng bạo lực cách mạng để bảo vệ phong trào cách mạng”.
Sau khi ở lại để tham gia xây dựng Nghị quyết 15, mùa hè năm 1959, ôngVõToàn về lạiLiên khu Vđể truyền đạt Nghị quyết.Từ đó, phong trào cách mạng của quần chúng trong toàn Khu trở nên sôi nổi, mạnh mẽ, tập trung diệt ác, phá kèm, phá bỏ ngụy quyền và lập nên chính quyền tự quản của nhân dân. Điển hình như cuộc khởi nghĩa Trà Bồng (Quảng Ngãi) cuối tháng 8/1959, quần chúng nhân dân đã dùng vũ lực để đánh chiếm nhiều đồn bốt, giải phóng trên 40 xã. Phong trào này sau đó lan rộng ở vùng tây các tỉnh từ Phú Yên đến Bình Thuận.
Đến năm 1960, xác định tình hình thực tiễn cách mạng và trước yêu cầu thực hiện thắng lợi Nghị quyết 15, ông Võ Toàn cùng với Thường vụ Liên khu ủy V quyết định chuyển căn cứ hoạt động vào Nước Là với mật danh là chiến khu Đỗ Xá, nay thuộc thôn 2 xã Trà Mai huyện Nam Trà My.
Tại căn cứ có chiến lược hết sức quan trọng này, tháng 4/1960, Hội nghị toàn khu đã họp kiểm điểm 1 năm thực hiện Nghị quyết 15 và đề ra nhiệm vụ: “Mạnh dạn phát động quần chúngmiền núi vũ trang chống địch càn quét, đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang tập trung, khẩn trương xây dựng căn cứ địa miền núi, khôi phục và phát triển phong trào đồng bằng, chú ý công tác thành phố”.
Cũng trong thời điểm này, Ban quân sự Khu V được thành lập. Ông Võ Toàn làm trưởng ban. Tháng 9/1960, ông Võ Toàn đã ra Chỉ thị đợt hoạt động vũ trang toàn khu theo tinh thần Nghị quyết 15, nhằm phát động quần chúng phá kiềm kẹp, mở rộng căn cứ miền núi, đẩy mạnh hoạt động xuống đồng bằng, tăng cường lực lượng, mở rộng hành lang. Qua gần 3 tháng triển khai đợt hoạt động, ta đã đánh 55 đồn bốt địch, diệt 40 trung đội địch, phá hàng chục khu đồn, giải phóng hơn 450 nghìn dân. Ở đồng bằng phát triển các đội vũ trang tuyên truyền, vũ trang diệt ác phá kiềm. Phong trào cách mạng ở đồng bằng từng bước được phục hồi. Nhờ có Nghị quyết 15 đã soi sáng con đường bạo lực cách mạng với phương châm chính trị có vũ trang hỗ trợ, đã chuyển phong trào cách mạng lên thế tấn công địch, giành những thắng lợi rất to lớn sau đó.
Đến tháng 5/1961, ông Võ Toàn được điều về làm Phó Bí thưTrung ương cục miền Nam để đảm đương những trọng trách cách mạng quan trọng.
Trong cuốn hồi ký của mình, ông Phan Đấu, nguyên là Phó văn phòng Liên khu ủy V giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, nhận xét: “… Anh Võ Toàn có trình độ và năng lực tổng kết, tổng hợp vấn đề một cách sâu sắc. Trong chỉ đạo chiến tranh, anh không chỉ tập trung các vấn đề quân sự, chính trị mà rất quan tâm đến công tác hậu cần, chăm lo đời sống cán bộ, chiến sỹ và nhân dân. Về phẩm chất đạo đức, anh là trung tâm đoàn kết trong Khu ủy. Đoàn kết trên cơ sở thống nhất nhận thức về đường lối chủ trương phương châm, phương pháp cách mạng. Anh là người có tình cảm chân thành và thân ái đối với cán bộ và chiến sỹ, công nhân viên và được anh em rất mến phục…”!
“Rừng bác Năm Công”- khu rừng lịch sử
Đến trung tâm Tăk Pỏ (huyện Nam Trà My), từ bên này sông, không khó để nhận ra cánh rừng già bên kia núi, nơi từng là khu căn cứ địa cách mạng với câu chuyện cảm động về cuộc đấu tranh chống giặc. Khu rừng này trong chiến tranh chính là mật khu Đỗ Xá, căn cứ Nước Là. Giai đoạn 1959 đến 1964, bác Công ở tại khu rừng này để lãnh đạo phong trào kháng chiến khu 5. Dân làng tưởng nhớ công ơn nhà lãnh đạo cách mạng, cố Chủ tịch Hội đồng Nhà nước VõChíCông và nhắc nhớ cháu con về sự tồn tại, ý nghĩa của khu rừng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của các chí sĩ cách mạng yêu nước và người dân địa phương nên đặt tên khu rừng của “bác Năm Công”.
Ông Hồ Văn Ny, nguyên Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cũng là 1 người lính, từng chiến đấu dưới sự chỉ huy của bác Võ Chí Công nên mỗi lần đặt chân đến khu rừng này, ông Ny vẫn vẹn nguyên cảm xúc, ánh mắt bừng sáng, đầy vẻ tự hào.
Đưa khách tới khu rừng, ông Ny bảo: “rừng bác Năm Công” không chỉ đơn thuần rừng tự nhiên, nơi đây cũng là chứng nhân của tình đoàn kết Kinh - Thượng, gắn chặt và bền bỉ suốt hàng trăm năm theo chiều dài lịch sử. Ngày nay, khu rừng như “tuyến đê” giúp địa phương phòng chống sạt lở đất, tạo niềm tin cho cộng đồng mỗi khi mưa lũ về. Chính vì vậy, từ lâu khu rừng già nguyên sinh này đã là báu vật chung của làng, được người dân bảo vệ nghiêm ngặt, không để bất kỳ ai phá hoại”.
Với diện tích hơn 30ha, cánh rừng nguyên sinh này như “lá phổi xanh” của miền rừng Tăk Pỏ. Nhiều năm qua, cánh rừng già này vẫn sừng sững một màu xanh, chứng kiến bao cuộc thiên di của tộc người Ca Dong, Xê Đăng tìm miền đất hứa. Khu rừng với hàng loạt cây cổ thụ quý hiếm với đủ loại, từ chò nâu, giẻ gai Ấn Độ, săng máu rạch, chò ổi… đường kính 40 - 50cm, phải 3, 4 người ôm mới xuể. Cây cao vút, bóng xòe rộng tạo không gian sinh cảnh độc đáo giữa cánh rừng già. Xung quanh dây leo chằng chịt quấn vào nhau, bên dưới là thảm cỏ, cây xanh bóng mát... tất cả như quyện vào không gian hùng vĩ, hiểm trở của núi rừng.
Sở dĩ, người dân địa phương không ai có ý định xâm hại khu rừng, bởi trong thâm tâm họ xem nơi đây như “báu vật”, từng che chở, làm lá chắn vững chắc bảo vệ cách mạng. Và hơn cả, đây cũng là di tích gắn liền với lịch sử đấu tranh của cộng đồng người Ca Dong, Xê Đăng.
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Trưởng banTuyên giáo Huyện ủy Nam Trà My nhấn mạnh, rừng “bác Năm Công” có vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống của người dân địa phương. Khu rừng là một “nhân chứng lịch sử”, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là bác Võ Chí Công đối với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.
“Đồng chí Võ Chí Công, tên khai sinh là Võ Toàn, sinh ngày 7/8/1912, tại làng Khương Mỹ, tổng Phú Quý, phủ Tam Kỳ, nay thuộc xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam; từ trần ngày 8/9/2011, hưởng thọ 100 tuổi. Với những công lao, đóng góp to lớn đối với sự nghiệp Cách mạng Việt Nam, đồng chí Võ Chí Công đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác. Tối 6/8, tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam diễn ra Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công. Tham dự buổi lễ có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng…cùng nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ cùng đại diện lãnh đạo tỉnh, thành phố các tỉnh miền Trung, đại diện gia đình đồng chí Võ Chí Công và đông đảo người dân.”
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 244 -248 ra ngày 1-5/9/2022)