Bên ánh đèn dầu
Mẹ tôi - một cô giáo trường làng, nghèo khó và nghiêm khắc. Tôi là con đầu, nên thời mẹ dạy học gian khó nhất tôi nhớ như in. Đó là thời ấu thơ tươi đẹp, khi tôi theo học tiểu học.
Hồi đó, mẹ tôi dạy học ở một xã vùng cao thuộc huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Ba tôi đi làm xa ở gần thành phố Vinh, cuối tuần ba mới về hay đôi khi cả tháng ba mới có mặt ở gia đình. Bốn mẹ con cư trú ở khu tập thể một trường học heo hút, chỉ có núi rừng và những lớp học tam bợ được dựng bằng tre. Tôi nhớ đó là vào những năm 1982 - 1983.
Và tôi nhớ mẹ tôi đã soạn giáo án bên ánh đèn dầu leo lét trong nhiều năm ròng, ngày mưa hay nắng, gió bão hay giá rét, mẹ ngồi nhỏ bé bên chiếc bàn gỗ mộc và chăm chỉ làm công việc của một nhà sư phạm.
Lúc đó, tôi vẫn còn nhỏ, trách nhiệm của tôi là trước mỗi buổi tối phải xem đèn đã hết dầu chưa thì đổ vào, nếu hết dầu thì chạy ra chợ mua dầu về. Một công việc của con trẻ, nhưng tôi không biết rằng dưới ánh sáng nhỏ nhoi đó, mẹ đang truyền thụ kiến thúc cho những học sinh vùng cao khốn khó và nhiều mất mát của thời hậu chiến.
Cũng có khi nhà hết tiền mua dầu, tôi phải đi vay dầu của thầy cô trong khu tập thể. Ở đây, ai cũng nghèo khó như nhau, nên chuyện vay dầu, vay gạo, xin ít mỡ, cho nhau mớ rau… là chuyện thường ngày.
Hồi đó trẻ con ở vùng núi mải chơi, đi bắt chim, kiếm tổ ong, rồi hái quả sim.., chúng tôi cứ sống hoang dã vậy, nhưng đêm về mẹ bắt tôi học chữ. Tôi cũng bắt đầu biết đọc, biết viết…từ ánh đèn dầu đó.
Gia đình tôi là một gia đinh thiên về việc dạy học, ông nội cho đến các bác đều làm công tác sư phạm, nên thành ra con dâu, con rể trong nhà đều là giáo viên. Cho đến bây giờ thế hệ cháu chắt cũng nhiều đứa chọn lựa con đường ông bà đã chọn, như một sự âm thầm tiếp nối một truyền thống.
Tôi vinh hạnh vì được sinh trưởng từ truyền thống đó, dù biết mình không có tài năng hay đam mê theo nghiệp giáo viên như mẹ và em gái.
Ba mẹ tôi luôn bảo anh em tôi rằng: “Ba mẹ không có của hồi môn gì để lại cho các con, của hồi môn đánh quý đó là kiến thức gia đình truyền lại. Đó là tài sản các con vào đời”
Anh em tôi đã mang của “hồi môn” đó đi theo cuộc đời chìm nổi. Và cuộc sống may mắn, để bây giờ tôi đã là phụ huynh, ngồi trong ngôi trường con theo học để nghĩ về nghề dạy học. Dù thời thế đổi thay, nhưng nghề giáo viên vẫn là một nghề được tôn trọng.
Tôi không nhớ vì sao có ngày 20/11, có lẽ tôi quên, nhưng với những người dạy học ngày nhà giáo là ngày những ngày thầy cô thấy học trò của mình trưởng thành. Đó là niềm hạnh phúc của những người thầy và chính đó là sự tri ân của chúng ta với người dẫn đường.
Tôi nhớ, mẹ tôi vẫn mặc chiếc áo dài xanh vào những ngày này để đón tiếp nhiều thế hệ học trò nhân ngày nhà giàu hay lễ tết. Họ là bác sỹ, nhà kinh tế hay nhà chính trị, người lính, cũng có người làm nghề giáo như mẹ, cũng có người vẫn là nông dân chất phác… Mẹ cất chiếc áo dài xanh lâu lắm rồi trong rương, nó đã có phần bạc màu, nhưng mỗi lần mẹ mặc vào tôi thấy mẹ vui lắm cho dù bây giờ mẹ nghỉ hưu rồi.
Trong ngôi trường mới, máy lạnh thật mát, điện được bật sáng. Tôi giờ là phụ huynh, ngồi nghe cô nói chuyện dạy học con trai tôi hơn. Tự dưng tôi tự hỏi: Sau này chúng sẽ nhớ gì về mình như tôi nhớ về mẹ tôi? Nhưng mà kệ đi, tất cả các dòng sông đều chảy.
Tôi chỉ thấy là bây giờ, mẹ tôi gọi điện cho tôi hay dặn tôi giống như tôi vẫn là con trẻ. Tôi cứ dạ, ầm ừ cho qua chuyện vì tôi biết đó là thói quen của mẹ.
Nỗi nhớ đôi khi là mộng mơ, hồi tưởng. Với tôi, bên ánh đèn dầu nhỏ nhoi nơi vùng núi đó, tôi đã học được nhiều tự sự giáo dưỡng của mẹ, và biết bao thế hệ học trò đã trưởng thành từ ánh sáng bé nhỏ, heo hút đó. Ánh đèn dầu đó chỉ còn là hồi niệm khi cuộc sống bây giờ đã đổi thay quá nhiều.
Bây giờ, chúng tôi không ở vùng đó nữa, cuộc sống của mẹ không phải lên lớp như ngày xưa, nhưng những trang giáo án thì mẹ vẫn giữ như một đồ vật quí giá. Với ai đó nó chỉ là cuốn giáo án, nhưng với mẹ là cuốn “sách thiêng” mà mẹ đã ấp ủ từng đêm.