Bệnh viện gặp khó trong công tác khám, chữa bệnh vì thiếu nước sạch
BS. Nguyễn Văn Thân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) cho biết, tình trạng cán bộ, nhân viên bệnh viện và người bệnh không có nguồn nước sạch để sử dụng diễn ra trong nhiều năm qua.
"Bệnh viện đóng cách trung tâm thị trấn khoảng 6 km. Từ lâu nay nước phục vụ trong bệnh viện được bơm từ giếng khoan. Tình trạng nhiễm phèn và hệ thống xử lý nước chưa hiện đại nên chất lượng nước phục vụ sinh hoạt cho cán bộ, nhân viên và bệnh nhân còn chưa đảm bảo", BS. Thân thông tin.
Mục sở thị tại bệnh viện này, phóng viên Báo sức khỏe và Đời sống nhận thấy nguồn nước chảy ra từ nhiều vòi có màu bất thường, mùi tanh nhẹ, kèm theo một ít cặn bẩn. Nhiều bình chứa, chậu và khu vực có nước chảy qua hoen ố, bám lớp cặn màu như nghệ.
"Nước nhiễm phèn nặng nên cũng gây ra khó khăn trong sinh hoạt của cán bộ y tế và bệnh nhân nội trú. Chúng tôi đã tự chế hệ thống lọc thủ công để sử dụng trong khoa. Các đồ vật tiếp xúc lâu với nước phèn bị rỉ sét, xỉn màu vì bám lớp váng dày", BS. Trần Thị Lệ Hồng, Trưởng Khoa Y học cổ truyền, BV Đa khoa huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) cho hay.
Dù nước giếng khoan tại bệnh viện đã qua bể lọc thủ công, nhưng người dân vẫn lo lắng chất lượng nước có đủ an toàn để sử dụng cho sinh hoạt. Để hạn chế sử dụng nguồn nước bị nhiễm phèn, nhiều người bệnh đã chọn phương án chỉ dùng nước tại bệnh viện để tắm giặt, mua nước bình hoặc đưa nước từ nhà và mang đến uống.
Bà Ngô Thị Thêm (SN 1962, trú xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) điều trị phục hồi chức năng sau tai biến đã gần 2 tuần tại viện. Trong quá trình điều trị nội trú, bà Thêm cùng nhiều bệnh nhân khác đã phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm phèn.
"Nước ở viện nhiễm phèn, khi để lâu thấy có váng nổi lên. Khi chúng tôi dùng nước này để tắm thì cảm giác rít, khó chịu. Chỉ dùng tắm giặt chứ nước để uống thì phải mua từng bình nước lọc mới an tâm. Biết bệnh viện cũng có nhiều khó khăn, nhưng cũng mong các cấp có thẩm quyền hỗ trợ viện để bác sĩ và bệnh nhân có nước sạch để dùng", bà Thêm chia sẻ.
Chất lượng nước chưa đảm bảo không chỉ gây bất tiện trong sinh hoạt của cán bộ y tế và bệnh nhân mà còn gây ra nhiều khó khăn trong quá trình khám, chữa bệnh. Nhiều máy móc, thiết bị sử dụng trong quá trình khám, chữa bệnh đòi hỏi rất cao về chất lượng nước. Nên Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh đã phải đầu tư thêm chi phí để lắp đặt hệ thống lọc nước. Vật tư tiêu hao theo hệ thống này cũng cần nguồn kinh phí không nhỏ.
"Để phục vụ một số máy móc trong quá trình điều trị cho người bệnh, chúng tôi phải đầu tư hệ thống lọc nước nano. Chủ yếu nước được lọc nano phục vụ công tác xét nghiệm, phòng mổ, lồng ấp... Kinh phí mua vật tư tiêu hao cho hệ thống lọc nước cũng không phải ít", Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Ninh cho biết.
Để sớm chấm dứt tình trạng thiếu nước sạch phục vụ công tác khám, chữa bệnh, Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Ninh đã có nhiều văn bản gửi các đơn vị chức năng liên quan để tìm phương án hỗ trợ, giải quyết.
"Chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ bệnh viện trong việc đảm bảo nguồn nước phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại đơn vị. Việc xử lý nước giếng khoan bị nhiễm phèn cần kinh phí lớn. Được biết sắp tới khu vực gần bệnh viện sẽ có hệ thống cấp nước sạch từ hồ Rào Đá, cũng mong là bệnh viện sẽ được đấu nối để sử dụng nguồn nước này", BS Thân kiến nghị.