Bí kíp mặc đồ khi leo núi
4 lớp áo khi leo núi.
Dưới đây là các loại lớp áo khác nhau có thể được sử dụng kết hợp để đạt được hiệu ứng lý tưởng phù hợp với leo núi, cường độ hoạt động và thể trạng của mỗi người. Bạn có thể chia làm 4 lớp: chống ẩm, giữ nhiệt, cách nhiệt và cản gió.
1. Lớp chống ẩm
Chất liệu tốt hơn cotton là sợi tổng hợp. Bạn có thể mặc đồ mặc lót dài bằng sợi polypropylene (PP), polyester hoặc capilene. Ưu điểm là không gây ngứa, thường rẻ hơn len, bền hơn và khô nhanh hơn. Nhược điểm của các lớp nền tổng hợp là có xu hướng bốc mùi khi thấm mồ hôi.
Một chất liệu tối ưu là len lông cừu merino, bởi khả năng cách nhiệt tốt hơn sợi tổng hợp khi trời lạnh và thoải mái hơn khi nhiệt độ thay đổi đột ngột. Chất liệu này thậm chí còn tiếp tục cách nhiệt tốt ngay cả khi bị ướt, đặc biệt không bốc mùi mồ hôi. Hãy tránh mặc lớp nền bằng áo sợi bông hay cotton, bởi chất liệu này sẽ giữ lại mồ hôi, nhanh chóng bị xẹp khi ướt.
2. Lớp giữ nhiệt
Lớp áo này giúp giữ lại nhiệt lượng tỏa ra từ cơ thể. Nhiều người thường dùng áo nỉ hoặc len, và mặc theo nguyên tắc càng dày càng ấm. Thời tiết tại Việt Nam chưa đến mức quá lạnh, nên chưa cần dùng áo nỉ. Nỉ không chỉ dễ thấm nước mà còn nóng và bí. Nỉ sẽ phát huy khả năng giữ nhiệt tốt nhất dưới trời âm độ. Len lông cừu vẫn là chất liệu lý tưởng cho lớp giữ nhiệt, nhưng lưu ý chọn loại dày hơn lớp chống ẩm.
3. Lớp cách nhiệt
Bạn thể dùng áo khoác gió; áo lông vũ hoặc áo cách nhiệt sợi tổng hợp. Chiếc áo khoác cách nhiệt sợi tổng hợp là lựa chọn sáng suốt nhất, bởi có thêm khả năng chống mưa, chống nước hiệu quả trong khi vẫn đảm bảo cách nhiệt tốt.
4. Lớp cản gió
Nhiệt độ ngoài trời không quá thấp, nhưng nếu có thêm gió mạnh thì bạn sẽ rét run. Lớp áo ngoài cùng cần phải có khả năng cản gió, chống mưa tốt. Nếu chọn áo chống mưa tốt, bạn chỉ mặc thêm quần chống nước khi trời đổ mưa.
Theo nguyên tắc chung, một chiếc áo khoác nhẹ là ưu tiên hàng đầu, có thêm nhiều khe thở để làm thoáng khí trong các trường hợp cần thiết. Đặc biệt, áo khoác phải có mũ kín để vừa che gió mưa, vừa chống côn trùng.
Leo núi với quần áo phù hợp, bạn có thể trải nghiệm những cuộc phiêu lưu tuyệt vời. Nhưng nếu không chuẩn bị kỹ, kỳ nghỉ trong mơ có thể biến thành một cơn ác mộng.
Khi leo núi ở Việt Nam, bạn chỉ nên mặc lớp 1 và lớp 4. Khi mưa lạnh, hãy thêm lớp 2 hoặc 3 (mang dự phòng trong ba lô). Nhiều bạn lần đầu leo núi mùa đông thường chuẩn bị các áo dày, nhưng dễ phải cởi ra vì nóng, lại phải mang theo nặng. Để quyết định mặc bao nhiêu lớp áo, bạn hãy cân nhắc những yếu tố sau:
Gió mạnh: Nhiệt độ không đổi, nhưng bạn thấy lạnh dù đang mặc áo khoác.
Độ ẩm: Độ ẩm cao hơn không chỉ làm bạn lạnh hơn mà cũng ảnh hưởng đến khả năng giữ ấm của lớp lót lông vũ bên trong áo. Hơi nước càng nhiều, lớp này giữ nhiệt càng kém.
Hoạt động: Các hoạt động leo núi thường rất liên tục nên cơ thể sẽ sinh nhiệt nhiều hơn hoạt động thường ngày. Do đó bạn chỉ cần mặc áo chống ẩm, kèm thêm áo khoác đề phòng đôi khi cũng đủ.
Thể trạng: Người có ít mỡ trên cơ thể hơn sẽ dễ nhiễm lạnh hơn, do đó cần trang bị cẩn thận hơn.