Biên niên sử bằng hình ảnh về Hà Nội thời chiến và câu chuyện cảm động phía sau
Tháng 10/2020, Viện Goethe tại Việt Nam tổ chức triển lãm ảnh “Hà Nội 1967 – 1975” của nhiếp ảnh gia Đức Thomas Billhardt. Ngay sau đó, cuốn sách cùng tên cũng đã được Nhà xuất bản Thế giới và Nhã Nam ấn hành.
Hai em bé đội mũ rơm ở Hà Nội năm 1968 qua góc máy của Thomas Billhardt.
Không sai khi nói, "Hà Nội 1967 - 1975" là cuốn sách mang nửa thế kỷ quá khứ trở về lại với hiện tại. Ở đó, những bức ảnh minh chứng cho sự kiên cường của người dân Việt Nam, vẫn sống và làm việc bình thường, vừa chịu đựng, vừa chống trả lại sự khốc liệt của chiến tranh.
Nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1967. Đối với ông, đây là một sự kiện lớn trong cuộc đời. Bởi, chỉ qua chuyến đi này, ông mới hiểu rõ vai trò của một nhà báo, một phóng viên nhiếp ảnh.
Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội do báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) và gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái thành lập từ năm 2008, nhằm trao cho các tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm có giá trị khoa học, nghệ thuật cao, thấm đượm tình yêu Hà Nội.Trải qua 13 mùa giải, Giải thưởng đã ghi nhận gần 150 đề cử và trao khoảng 50 giải thưởng trên 4 hạng mục: Giải thưởng Lớn, Giải Tác phẩm, Giải Ý tưởng và Giải Việc làm.
Liên quan đến những bức ảnh mà Thomas Billhardt đã chụp ở Việt Nam giai đoạn đó có câu chuyện rất cảm động.
Theo lời ông kể thì “bức ảnh để lại cho tôi ấn tượng mạnh nhất có lẽ là bức ảnh tôi chụp tháng 10/1972 trong nhà xác, mô tả một ngườibà đangkhóc bên đứa cháu mình. Em bé đã chết do bị bom rơi trúng. Bản thân tôi không muốn chụp ảnh người chết, cảnh tàn phá để sau này có thể được nổi tiếng hay để khoe khoang. Tôi không hề muốn. Nhưng tôi không thể nào làm khác được khi chứng kiến người bà khóc bên cạnh xác đứa cháu mình. Tôi bắt buộc phải chụp. Bản thân tôi lúc chụp cũng khóc. Khi ấy tôi vẫn bấm máy ảnh và nói chuyện với người bà, mặc dù người bà không hiểu tôi nói gì nhưng tôi vẫn nói và hứa với người bà ấy: Tôi sẽ đăng bức ảnh này hàng triệu lần để cho cả thế giới phải nhìn thấy, giống như bản cáo trạng về chiến tranh”.
Bức ảnh Thomas Billhardt chụp người bà đau đớn bên cạnh người cháu chết do bom rơi trúng
Năm 1999, khi trưng bày bức ảnh này tại triển lãm ở Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Hà Nội, Thomas Billhardt đã gặp một người đàn ông đến tìm. Nhờ phiên dịch ông biết được đó là người cha của đứa trẻ đã chết. Sau đó, người đàn ông đã mời Thomas Billhardt đến thăm nhà.
Gia đình họ cũng có một bức ảnh treo trong nhà do chính Thomas Billhardt chụp. Đó là một tờ họa báo của Đức ngày đó được một người sinh viên học tại Đức quen biết mang về Việt Nam cho gia đình. Gia đình người đàn ông đã nói với Thomas Billhardt rằng: “Đây là em bé cuối cùng đã chết trong chiến tranh phá hoại ở Hà Nội”.
Nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt
Billhardt là một tên tuổi lớn trong làng nhiếp ảnh quốc tế và Đức. Ông là một nhà thám hiểm phê bình với những phán đoán nhạy bén về các tình huống khủng hoảng trên thế giới. Các phóng sự ảnh của ông là minh chứng cho thái độ phê phán này. Thông qua các bức ảnh và ảnh chụp trẻ em nói riêng, nhiếp ảnh của ông trở thành một phương tiện truyền tải sự đồng cảm và đoàn kết trong những hoàn cảnh khủng hoảng như nghèo đói và chiến tranh.
Nói trong triển lãm ảnh vào tháng 10/2020, theo ông Wilfried Eckstein, Viện trưởng Viện Goethe tại Việt Nam: “Đến Việt Nam vào thời chiến, Thomas Billhardt đã tạo cho bản thân một ý thức rằng đây không phải là chuyến đi chỉ để chụp ảnh, để lấy tài liệu mà ông còn đứng về phía lẽ phải. Nhiệm vụ Thomas Billhardt tự đặt ra cho mình là những thứ ông đem trở về nước Đức không chỉ là những bức ảnh mà còn là những thứ thuộc về trái tim mà ông đã tiếp nhận được ở Việt Nam”.