1. Trang chủ /
  2. Bình Định: Phát hiện hơn 100 hiện vật cổ tại phế tích tháp Đại Hữu

Bình Định: Phát hiện hơn 100 hiện vật cổ tại phế tích tháp Đại Hữu

thứ năm, 27/7/2023 22:37 GMT+07
Quá trình khai quật phế tích tháp Đại Hữu, ngành chức năng phát hiện 102 hiện vật đá với nhiều loại hình và kích thước khác nhau.
Toàn cảnh hố khai quật phế tích tháp Đại Hữu. Toàn cảnh hố khai quật phế tích tháp Đại Hữu.

Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định vừa phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ phế tích tháp Đại Hữu.

Phế tích tháp Đại Hữu tọa lạc trên mặt bằng đỉnh núi Đất (thuộc thôn Chánh Mẫn, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Núi Đất trải dài theo chiều Bắc - Nam với 2 đỉnh, trong đó đỉnh phía Bắc cao hơn (có độ cao 42m so với mặt nước biển). Từ trên đỉnh núi Đất có thể nhìn thấy các di tích tháp Chăm khác như: Phú Lốc ở phía Tây, Bánh Ít ở phía Nam.

Từ ngày 25/4 - 15/6/2023, Bảo tàng tỉnh Bình Định (thuộc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định) phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam khai quật khảo cổ phế tích tháp Đại Hữu, với diện tích khai quật 200m2.

Quá trình khai quật phát hiện 102 hiện vật đá với nhiều loại hình và kích thước khác nhau. Về chất liệu đá, có 3 loại là đá cát kết, đá hoa cương, đá ong. Trong đó, những hiện vật có trang trí được tạc trên đá cát kết bao gồm: bệ thờ, bia ký, phù điêu trang trí hình người, phù điêu trang trí hình động vật, phù điêu trang trí hình cánh sen.

Tiến sĩ Phạm Văn Triệu - Phó Trưởng phòng Khảo cổ học lịch sử (Viện Khảo cổ học Việt Nam) cho biết, sau gần 2 tháng tiến hành cuộc khai quật làm xuất lộ phần kiến trúc tháp, gồm: phần tường tháp phía Bắc có chiều dài 3,7m; tường tháp phía Nam dài 4,5m; tường tháp phía Đông không còn nhưng xuất lộ hệ thống chân móng tháp phát triển về cả 3 hướng Đông, Nam, Bắc. Đặc biệt, cuộc khai quật phát hiện hố thiêng chính giữa lòng tháp được xây bằng gạch có mặt hình vuông, mỗi cạnh dài 0,5m, độ sâu 2,42m.

Hiện vật bia ký được tạc trên đá cát kết.
Hiện vật bia ký được tạc trên đá cát kết.

Qua kiến trúc xuất lộ trong hố khai quật cho thấy tường phía Bắc và phía Nam đều có độ dày là 3m, khoảng cách 2 tường là 3,8m. Trong kiến trúc Chăm Pa, các tháp thường có bình đồ hình vuông, từ đó có thể suy ra rằng mỗi cạnh của tường tháp tại phế tích tháp Đại Hữu là 9,8m.

“Phế tích tháp Đại Hữu xuất hiện hố thiêng. Đây được xem là kiến trúc trung tâm của ngôi tháp, nằm sâu dưới nền gạch kiến trúc tháp và là nơi diễn ra những nghi thức đầu tiên trước khi tiến hành xây dựng ngôi tháp. Do đó, đây được xem là nơi linh thiêng nhất”, tiến sĩ Triệu nhìn nhận.

Theo ông Bùi Tĩnh - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định, phế tích tháp Đại Hữu được xây dựng theo truyền thống, kế thừa tinh hoa nghệ thuật kiến trúc tháp Chăm với bình đồ hình vuông, chất liệu xây dựng chính là gạch, kết hợp với sử dụng vật liệu mới từ văn hóa Khmer là đá ong và trang trí kiến trúc mang nghệ thuật điêu khắc phong cách tháp Mẫm (đây là phong cách điêu khắc Chăm Pa mang ảnh hưởng nghệ thuật Khmer), phản ánh mối quan hệ mở rộng giữa vùng đất Vijaya với các nền văn hóa bên ngoài, tiếp thu có chọn lọc, làm giàu bản sắc văn hóa Chăm Pa trong lịch sử.

“Diện tích khai quật 200m2 là rất nhỏ so với quy mô tổng thể của khu phế tích tháp Đại Hữu. Nhiều bộ phận kiến trúc của ngôi tháp vẫn chưa được làm rõ như phần còn lại tường phía Nam và Bắc của ngôi tháp, toàn bộ tường phía Tây, hệ thống cửa ra vào của ngôi tháp ở phía Đông và toàn bộ phần chân đế tháp vẫn còn nằm dưới lòng hố khai quật vẫn chưa được xuất lộ. Ngoài ra, với quy mô lớn, phế tích tháp Đại Hữu có phải là kiến trúc một tháp hay quần thể với nhiều công trình tôn giáo và phục vụ tôn giáo, bởi vậy cần phải tiếp tục khai quật, nghiên cứu tổng thể hơn về phế tích này”, ông Tĩnh cho biết.