1. Trang chủ /
  2. "Binh đoàn" tàu vỏ thép thi nhau quần thảo, xé toạc sông Đồng Nai

"Binh đoàn" tàu vỏ thép thi nhau quần thảo, xé toạc sông Đồng Nai

thứ năm, 28/10/2021 13:27 GMT+07
(PLM) - Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên thừa nhận, sông Đồng Nai đoạn chảy qua địa bàn huyện có hơn 50 tàu hút cát, trong khi theo quy định chỉ có 4 tàu được cấp phép.

Theo quy định, mỗi doanh nghiệp khai thác cát chỉ được đăng ký 2 tàu bơm hút. Tuy nhiên, không khó để nhìn thấy, mỗi ngày trên tuyến sông Đồng Nai đoạn chảy qua huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng có hàng chục tàu vỏ thép loại lớn rầm rập bơm hút. Tài nguyên thất thoát từ việc khai thác vượt khối lượng cho phép; dòng chảy của dòng sông bị ảnh hưởng nghiêm trọng; đất đai, ruộng vườn của người dân bị lở lói tan hoang… là những hệ quả mà dư luận đang trông chờ sự vào cuộc của cơ quan quản lý ở địa phương này.

Khi giấy phép là tấm bùa hộ mệnh của cát lậu

Hiện tại, địa bàn huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) có 1 đơn vị được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép khai thác cát trên sông Đồng Nai là doanh nghiệp tư nhân Xuân Hà đóng chân tại chân cầu Đạ Sỵ, xã Quãng Ngãi. Theo giấy phép, mỗi năm đơn vị này được khai thác 15 ngàn mét khối cát. Đồng thời được đăng ký 2 tàu bơm hút cát trên sông Đồng Nai. Phạm vi bơm hút là một nửa dòng sông phía địa phận tỉnh Lâm Đồng và có chiều dài 7 km. 

Giấy phép là vậy nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, mỗi ngày hàng chục tàu cập bờ để bơm cát lên bãi cát Xuân Hà. Chỉ bằng mắt thường chúng ta cũng không khó để nhìn thấy mỗi tàu chứa khoảng 40 m3 cát. Nhẩm tính, mỗi ngày bãi cát này được nạp thêm 400 m3, như vậy, chỉ khoảng 4 tháng, khối lượng cát mà đơn vị này khai thác đã hết.

Nhiều tàu hút cát của Xuân Hà hoạt động không đúng vị trí.
Nhiều tàu hút cát của Xuân Hà hoạt động không đúng vị trí.

Để làm rõ thông tin người dân phản ánh, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam nhiều ngày theo dõi đường đi của những tàu hút cát của doanh nghiệp tư nhân Xuân Hà.

13 giờ, từ bãi cát ở chân cầu Đạ Sỵ, xã Quãng Ngãi hoặc bến đò thị trấn Phước Cát 1, sáu tàu hút cát của Xuân Hà ngược dòng sông Đồng Nai lên khu vực xã Phước Cát. Tại đây, các tàu thi nhau bơm hút, chứa đầy khoang cát rồi quay đầu trở về.

20 giờ, 6 chiếc tàu pha đèn cập bãi cát ở xã Quãng Ngãi. Hàng chục thợ bơm hút và lái tàu neo lại rồi về nhà

5 giờ 30 phút sáng hôm sau, các tàu này lại rầm rập bơm cát từ sông lên. Trên bãi rộng như một sân đậu tàu bay, hàng chục con người nhỏ bé đang thao tác để cát nhanh chóng biến thành hoàng hóa, chờ xe ben vào chở đi tiêu thụ.

Cứ như vậy, vòng quay liên tục cho chuyến đi mới và đến 12 giờ trưa, tàu lại cấp bến. Nhanh chóng đưa cát lên bãi để tàu tiếp tục chuyến đi hút thứ 2 trong ngày.

HINH 3
Sau khi đã “no” cát, tàu thuyền rầm rập bơm cát lên bãi.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Phúc - Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên thừa nhận, sông Đồng Nai đoạn chảy qua địa bàn huyện có hơn 50 tàu hút cát, trong khi theo quy định chỉ có 4 tàu được cấp phép (2 tàu của DNTN Xuân Hà và 2 tàu của Công ty Công trình Giao thông Đồng Nai). 

Hàng loạt sai phạm vẫn được cấp phép

Huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng không chỉ nằm giáp ranh với 3 tỉnh gồm: Bình Phước, Đắk Nông và Đồng Nai mà còn có hơn 50km đường sông tiếp giáp với các địa phương nói trên. Ngày 8/3/2021, ông Phạm S, PCT UBND tỉnh Lâm Đồng ký quyết định gia hạn thời gian khai thác cát xây dụng trên sông Đồng Nai cho doanh nghiệp tư nhân Xuân Hà tới 27/4/2023. Giấy phép quy định đơn vị này chỉ được sử dụng tối đa hai phương tiện khai thác, phải gắn thiết bị định vị, camera hành trình, bảo quản, duy trì hoạt động của camara giám sát và trạm cân theo quy định. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Phúc – Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên cho biết, do doanh nghiệp tư nhân Xuân Hà không kết nối đồng bộ dữ liệu với UBND huyện nên UBND huyện phải bỏ ra hơn 60 triệu đồng để gắn camera tại bãi cát để theo dõi.

Về tàu thuyền khai thác, ông Huỳnh Trí – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, huyện Cát Tiên cho biết, mặc dù chỉ được cấp phép khai thác đoạn qua địa bàn xã Quảng Ngãi nhưng nhiều lần cơ quan chức năng phát hiện doanh nghiệp tổ chức bơm hút ở những vị trí khác. Đồng thời, Xuân Hà cũng sử dụng một số tàu bơm hút không có trong danh mục đăng kí.

Từ phản ánh của Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ngày 28/10, UBND huyện Cát Tiên thành lập đoàn kiểm tra, tiến hành đo thực tế khối lượng cát tại bãi cát của doanh nghiệp tư nhân Xuân Hà. Kết quả, ngay thời điểm đó doanh nghiệp này đang có 15.645m3. Như vậy, dư luận đang đặt câu hỏi trong 10 tháng qua doanh nghiệp này lấy cát từ đâu để tiêu thụ?! Trong khi mỗi ngày tại bãi cát này hàng chục tàu thuyền cập bến bơm cát lên bãi và hàng chục xe ben siêu trường, siêu trọng chở cát đi tiêu thụ. 

Cũng theo ông Huỳnh Trí thì, UBND huyện Cát Tiên đã nhiều lần kiểm tra và phát hiện doanh nghiệp Xuân Hà khai thác quá trữ lượng và đã lập biên bản xử lý. Tuy nhiên những hình thức xử lý chỉ như muối bỏ biển, như “đá ném ao bèo” khiến việc chấp hành các quy định về khai thác khoáng sản của doanh nghiệp này như bị “lờn thuốc”.

Sai phạm đã rõ nhưng tại sao doanh nghiệp này vẫn ngang nhiên lặp lại những sai phạm nói trên? Ai là người đứng sau doanh nghiệp tư nhân Xuân Hà?

Một số hình ảnh do Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam ghi nhận:

4
 
5
 
6
 
7
 
8
 
9
 
10
 

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.


Nguồn: https://www.phapluatplus.vn/dieu-tra-ban-doc/binh-doan-tau-vo-thep-thi-nhau-quan-thao-xe-toac-song-dong-nai-d169543.html