1. Trang chủ /
  2. Bình yên từ cam kết “4 không”

Bình yên từ cam kết “4 không”

thứ tư, 3/8/2022 13:46 GMT+07
(PLM) - Nhiều năm về trước, vốn là xã giáp ranh với thành phố Sơn La nên Chiềng Xôm một thời được coi là “điểm nóng” về tình trạng có các cá nhân, hộ gia đình tham gia buôn bán tàng trữ ma túy, trong đó phải kể đến bản Tông.


Từ một địa bàn “nóng”, nay bình yên đã về với bản Tông. Ảnh: Phương Nguyên

Tuy nhiên ngày nay, địa danh này lại đang trở thành điểm sáng về sự bình yên cũng như các tiêu chí của cuộc vận động xây dựng nông thôn mới.

Để có kết quả này là nhờ vào việc triển khai tuyên truyền luật, các bản cam kết cùng sự sát cánh của các đoàn thể trong cuộc vận động “4 không” tới tất cả gia đình.

Khó ló… giải pháp

Con đường dẫn vào bản Tông giờ đã được bê tông hóa, xe đi bon bon. Ngày ngày đi dạo trên con đường này, ông Lò Văn Mừng, Trưởng bản Tông luôn cảm thấy tự hào. Đường làng, ngõ xóm của bản được quét dọn phong quang sạch đẹp. Đây là thành quả của Chi hội Phụ nữ bản.

Ông Mừng cho biết: “Bản Tông sắp hoàn thành cả 19 tiêu chí của cuộc vận động xây dựng nông thôn mới. Có được như hôm nay, bà con cũng đã từng trải qua tháng ngày đầy gian khó”.

Ông Mừng kể, cách đây 5 năm, bản có vài chục “con nghiện”. Những người dây dưa với mặt trái xã hội này đã tạo ra một cuộc sống của xáo trộn cho người dân. Nhiều gia đình trong bản bị đảo lộn, trộm cắp, đói nghèo triền miên… Thanh niên trong bản ăn rồi chẳng chịu làm, sống cầu bơ, cầu bất.

“Trước thực trạng trên, trưởng bản đã phải họp các đoàn thể lại để cùng nhau tìm biện pháp tháo gỡ, động viên thanh niên lầm đường lạc lối đi cai nghiện. Sau rất nhiều thời gian tìm hướng để đi thì Chi hội Phụ nữ đã “hiến kế”, muốn thực hiện tốt việc này, chính các hội viên phải vận động con em trong gia đình mình từ bỏ ma túy trước. Các mẹ, các chị đã nhẹ nhàng, khuyên nhủ, bảo ban con em mình thực hiện tốt cam kết “4 không” về ma túy”, ông Mừng nhớ lại.

Cũng theo ông Mừng, các đoàn thể khác như cựu chiến binh, người cao tuổi, thanh niên luôn phối hợp chặt chẽ với Chi hội Phụ nữ để cùng nhau vận động con, em mình từ bỏ ma túy. 200 hội viên phụ nữ đồng lòng kí cam kết “4 không”: Không thử dùng, không sử dụng, không kiếm tiền bằng việc buôn bán ma túy, không làm ngơ trước biểu hiện ma túy.

Chi Hội phụ nữ cũng phối hợp với các đoàn thể trong bản đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực đấu tranh, tố giác, phát giác tội phạm và tệ nạn ma túy. Cùng với đó, việc tăng cường giám sát, quản lý, hỗ trợ về kinh tế, ngày công lao động với những người sau cai nghiện để họ ổn định cuộc sống, không tái nghiện… cũng được các hội viên triển khai trong toàn thôn cũng như mỗi hộ gia đình.

Theo chị Lò Thị Inh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Tông, việc thành lập các tổ liên gia tự quản cũng góp phần không nhỏ đẩy lùi tệ nạn ma túy. Các gia đình tự vận động con cái mình đi cai nghiện. Khi họ cai được nghiện trở về địa phương, Chi hội thường xuyên hỏi thăm và vận động không tái nghiện. Họ được quan tâm, tạo điều kiện cho vay vốn để phát triển kinh tế.

Nhờ các biện pháp quyết liệt, song song và đồng bộ này mà từ một bản “nóng” về ma túy, giờ bản Tông đã yên bình trở lại, trong bản không còn người nghiện nữa. Bản cũng không còn hội viên phụ nữ nghèo. Từ kết quả này, bà con xóm trên, xóm dưới, đoàn kết một lòng tiếp tục thực hiện tốt Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không 3 sạch” do chi hội phát động”.

Cuộc sống mới ở một miền đất cũ

Thời gian này, lên Sơn La, nếu hỏi về một mô hình cho một cuộc sống mới thì Chiềng Xôm sẽ là cái tên được nhắc đến nhiều nhất. Bản Tông đã hết những bóng hình vật vờ do vật thuốc, các gia đình đã yên vui, không còn cảnh vợ chửi chồng, con cãi cha và xóm ngõ đã vắng những cảnh đời bị cùm gông vì tội buôn bán, tàng trữ, sử dụng ma túy. Hết nghiện, hết nghèo, người bản Tông đã cũng nhau nắm tay để xây dựng mô hình nông thôn mới cùng với các tiêu chí cán đích đang ngày một cận kề.

Niềm vui về một cuộc sống mới đã luôn đến cùng người dân bản Tông. Ảnh: Phương Nguyên

Trong dịp đến với miền đất một thời được mệnh danh là “nóng” này, chúng tôi còn qua các thôn bản khác một thời được đưa vào “danh sách nóng” của xã Chiềng Xôm.

Ngoài bản Tông thì mô hình xây dựng nông thôn mới cũng đang dần được định hình tại bản Panh. Bản Panh cũng đã được Đảng ủy xã Chiềng Xôm chọn làm điểm xây dựng bản nông thôn mới kiểu mẫu.

Từ bỏ một cuộc sống đầy biến động, nhiều hộ gia đình ở bản Panh đã tập trung phát triển kinh tế. Ngoài phát triển nông nghiệp, các cây trồng có thế mạnh thì tận dụng vị trí “cận thị, cận giang” của mình, nhiều gia đình đã đầu tư nhà cửa để mở đại lý, đi vào mảng mục kinh doanh, buôn bán. Tận dụng lợi thế Quốc lộ 279D chạy qua địa bàn, nhiều năm nay, chị Lò Thị Lánh cùng gia đình đầu tư đại lý để kinh doanh, tận dụng đất dôi dư để phát triển thêm mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Trước cuộc sống mới - một cuộc sống không còn bị tệ nạn bủa vây, chị Lánh vui vẻ cho biết: Bản Tông, bản Panh cũng như nhiều bản ở Chiềng Xôm đã bình yên lắm rồi. Hết tệ nạn, dân chúng tôi không còn nỗi lo nào nữa, từ đó dư sức, dư trí để tập trung vào phát triển kinh tế gia đình. Kinh tế nhiều hộ gia đình trong đó có gia đình tôi cũng ngày một biến chuyển.

Được biết, để hưởng ứng chủ trương xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đẩy mạnh phát triển kinh tế, gia đình chị Lánh quyết định đầu tư chuồng trại chăn nuôi thêm lợn nái. Hiện tại, gia đình chị có 10 con lợn nái và duy trì đàn lợn thịt mỗi lứa khoảng 40 con. Mỗi năm, chỉ riêng bán lợn giống và lợn thịt, trừ chi phí, gia đình chị thu về gần 200 triệu đồng.

Theo lãnh đạo xã, cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến nay bản Panh đã không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo, thu nhập bình quân đạt hơn 40 triệu đồng/người/năm.

Cùng với bản Tông, bản Panh, bản Phiêng Ngùa, xã Chiềng Xôm đã có 120 hộ (98,4%) có nhà ở đạt chuẩn của Bộ Xây dựng; tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại bảo đảm vệ sinh môi trường đạt 91,7%. Bằng việc bỏ công, bỏ của, bản Phiêng Ngùa cũng đã hoàn thành hệ thống rãnh thoát nước với chiều dài tuyến 135,5m; giao thông nội đồng được bê tông hóa với tổng chiều dài 524/600m, đạt tỷ lệ 87,3%.

Trước những thay đổi, ông Lò Văn Việt, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Phiêng Ngùa chia sẻ: Năm 2021, bản được Nhà nước hỗ trợ 360 triệu đồng, người dân đóng góp thêm 120 triệu đồng, 368 ngày công lao động. Từ nguồn vốn và nguồn công này nên bản đã làm được làm 142m đường bê tông. Đến nay, bản cơ bản đạt 9/12 tiêu chí nông thôn mới. Chúng tôi đang tích cực vận động người dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả, đẩy mạnh lao động sản xuất, phát triển kinh tế...”.

Theo ông Lèo Văn Hưởng, Chủ tịch UBND xã Chiềng Xôm thì: “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xã tiếp tục phát huy nội lực để giữ vững và nâng cao các tiêu chí đã đạt được. Đặc biệt, chúng tôi sẽ hướng dẫn và vận động bà con ứng dụng các hình thức sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả để tăng thu nhập, không ngừng cải thiện chất lượng cuộc sống”.