1. Trang chủ /
  2. Bồ Đào Nha: Liệu khủng hoảng chính trị có kéo theo khủng hoảng kinh tế?

Bồ Đào Nha: Liệu khủng hoảng chính trị có kéo theo khủng hoảng kinh tế?

thứ tư, 15/11/2023 23:38 GMT+07
Điều gì sẽ xảy ra với nền kinh tế của Bồ Đào Nha khi các bê bối về tham nhũng gần đây đã đẩy Chính phủ rơi vào khủng hoảng chính trị sâu sắc?
Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa rời đi sau một cuộc họp báo tại Lisbon, Bồ Đào Nha và phủ nhận mọi cáo buộc về tham nhũng. Ảnh: Ana Brigida/AP Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa rời đi sau một cuộc họp báo tại Lisbon, Bồ Đào Nha và phủ nhận mọi cáo buộc về tham nhũng. Ảnh: Ana Brigida/AP

Ngày 7/11, Thủ tướng Antonio Costa từ chức do dính líu tới bê bối tham nhũng liên quan đến dự án phát triển hydro xanh và quyền khai thác mỏ lithium.

Tổng thống Marcelo Rebelo de Sousa cho biết Bồ Đào Nha sẽ tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội bất thường vào ngày 10/3/2024, sau khi Thủ tướng Antonio Costa tuyên bố từ chức.

Theo đánh giá của các chuyên gia, quyết định tổ chức bầu cử sớm và việc thông qua Dự luật Ngân sách năm 2024 sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế, kể từ khi Quốc hội nước này lần đầu tiên sau 45 năm đã bác Dự thảo Ngân sách nhà nước mà Chính phủ trình lên vào đầu năm 2022, dẫn đến hàng loạt cuộc khủng hoảng chính trị ngay sau đó.

Việc thông qua Dự luật Ngân sách năm 2024 hứa hẹn giảm thuế thu nhập cho tầng lớp trung lưu, tăng phúc lợi xã hội cho người nghèo và tăng đầu tư công lên 24% để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Bồ Đào Nha sụt giảm kéo theo các khủng hoảng kinh tế về nhà ở, phí sinh hoạt…trở thành khủng hoảng xã hội với các cuộc biểu tình ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây.

Theo kết quả một số cuộc thăm dò cử tri do tổ chức Intercampus công bố ngày 11/11, tỷ lệ ủng hộ Đảng Xã hội (PS) do Thủ tướng Antonio Costa đứng đầu đã giảm từ 25,2% xuống 17,9%. Trong khi đó, sự ủng hộ dành cho Đảng Dân chủ Xã hội trung hữu đối lập (PSD) là 21,8%, Đảng Chega là 13%.

Bê bối tham nhũng khiến Đảng PS có nhiều khả năng đánh mất vị thế đứng đầu cuộc bầu cử sắp tới. Đảng PSD có thể sẽ giành chiến thắng nhưng nếu số phiếu ủng hộ PSD không vượt quá 50% để tự đứng ra thành lập Chính phủ mới thì đảng này có thể phải bắt tay với Đảng Chega để thành lập Chính phủ liên hiệp.

Lãnh đạo PSD, Luis Montenegro vẫn chưa xác nhận về suy đoán này. Tuy nhiên, nếu không kết hợp với Chega thì PSD sẽ phải kết hợp với nhiều đảng nhỏ hơn, gây ảnh hưởng tiêu cực tới lộ trình triển khai các chính sách được “kỳ vọng” trong dự luật trên.

 TAP Airlines có thể đánh mất cơ hội đàm phán với British Airways IAG và Air France-KLM. Ảnh: Ana Brigida/AP

Cải cách thuế và lộ trình tư nhân hóa Hãng Hàng không quốc gia TAP bị trì hoãn

Theo Andre Azevedo Alves, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Catolica, bất ổn chính trị kéo dài sẽ dẫn đến trì hoãn hoặc tạm ngưng các quyết sách vực dậy nền kinh tế đang suy yếu của đất nước. Một trong số đó là việc tư nhân hóa Hãng Hàng không quốc gia TAP Airlines đang bị hoãn lại cho đến sau cuộc bầu cử bởi Bộ trưởng Hạ tầng Joao Galamba cũng vướng vào bê bối tham nhũng.

Di sản của Thủ tướng Antonio Costa

Kể từ khi Thủ tướng Antonio Costa lên nắm quyền vào năm 2015, Bồ Đào Nha đã có giai đoạn tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ với chính sách tài khóa chặt chẽ.

Theo giáo sư Azevedo Alves, ông Costa đã có những biện pháp quyết liệt, hiệu quả trong cân đối ngân sách và ổn định tài chính. Điều này chủ yếu đạt được thông qua việc tăng thuế và hạn chế đầu tư công. Tuy nhiên, nền kinh tế Bồ Đào Nha cũng đã bộc lộ nhiều điểm yếu, đặc biệt là mức tăng trưởng chậm khi so sánh với các nền kinh tế Trung và Đông Âu.

Chính phủ Bồ Đào Nha nên có những chính sách để cải thiện tính minh bạch của nền kinh tế cả trong nước và quốc tế để chống lại tham nhũng. Du lịch, xây dựng và bất động sản sẽ là đầu tàu quan trọng trong tăng trưởng tương lai của đất nước, giáo sư Azevedo Alves nói thêm.