Bộ, ngành Tư pháp: Tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác
Quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành
Năm 2023, công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, ngành Tư pháp được thực hiện thống nhất, đồng bộ, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội, phương châm hành động nhiệm kỳ và Nghị quyết số 01/NQ-CP hàng năm của Chính phủ; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về triển khai công tác tư pháp hằng năm; sự chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo công tác được Bộ, ngành Tư pháp chủ động xây dựng, ban hành sớm để cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao như: Chương trình hành động của ngành Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; các chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới... Đồng thời, Bộ, ngành thường xuyên rà soát, đôn đốc, thực hiện quyết liệt, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, phức tạp để giải quyết, tham mưu các giải pháp thực hiện bảo đảm tiến độ.
Sau khi Bộ Tư pháp ban hành các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, các Tổ chức pháp chế các bộ, ngành và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chủ động, kịp thời tham mưu cho bộ, ngành, địa phương ban hành các chương trình, kế hoạch công tác, các văn bản chỉ đạo để cụ thể hóa các nhiệm vụ về công tác tư pháp, pháp chế phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn của bộ, ngành, địa phương.
Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt chủ trương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong chỉ đạo, điều hành, giải quyết yêu cầu của người dân; lồng ghép việc tổ chức các hoạt động, hội nghị, hội thảo và chế độ thông tin, báo cáo... để tạo thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị; việc sử dụng văn bản điện tử, chữ ký số thông qua Trục liên thông Văn bản quốc gia được thực hiện đồng bộ, mang lại nhiều tiện ích, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Cùng với việc chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra, Bộ, ngành Tư pháp đã chú trọng chỉ đạo, tập trung nguồn lực triển khai các nhiệm vụ được giao thêm. Riêng tại Bộ Tư pháp, năm 2023, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 222 nhiệm vụ, đã hoàn thành 78 nhiệm vụ có thời hạn, đang tiếp tục thực hiện 144 nhiệm vụ không có thời hạn; nâng tổng số từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Tư pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 583 nhiệm vụ, đã hoàn thành 439 nhiệm vụ có thời hạn, không có nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành.
Công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các bộ, ngành, địa phương và giữa các Sở Tư pháp, Cục thi hành án dân sự với các Sở, ngành tiếp tục được quan tâm, chú trọng, qua đó kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Nhiều kết quả nổi bật
Với tinh thần trách nhiệm, chủ động, khẩn trương, Bộ, ngành Tư pháp xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm, kịp thời xây dựng, ban hành và điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác, bảo đảm thứ tự ưu tiên, tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện kịp thời, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ đề ra; công tác chỉ đạo, điều hành tiếp tục có nhiều đổi mới, hiệu quả cao hơn.
Theo đánh giá, năm 2023, kết quả công tác trên hầu hết các lĩnh vực của Bộ, ngành Tư pháp đều tăng so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, có một số lĩnh vực công tác đạt kết quả nổi bật. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được các Bộ, ngành quan tâm, chú trọng triển khai quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực. Bộ, ngành Tư pháp luôn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, dành nhiều thời gian, ưu tiên nguồn lực để tham mưu, thể chế hoá những quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; tham gia có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề khó khăn, phức tạp phát sinh, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kìm hãm sự phát triển, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh. Năm 2023, Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 515 văn bản quy phạm pháp luật; đã thẩm định đối với 44 đề nghị xây dựng VBQPPL và 238 dự án, dự thảo VBQPPL;
Công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL là một trong những “điểm sáng”, được thực hiện kịp thời với khối lượng công việc lớn, góp phần đảm bảo tính thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật; Năm 2023, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành đã tiếp nhận, phân loại, kiểm tra 6.075 VBQPPL. Riêng tại Bộ Tư pháp đã tiếp nhận, phân loại, kiểm tra 3.492 văn bản; đồng thời, Bộ Tư pháp đã tổ chức các Đoàn kiểm tra liên ngành tại các bộ, ngành, địa phương và kiểm tra theo địa bàn tại các địa phương. Kết luận kiểm tra góp phần ngăn ngừa, hạn chế được tác động tiêu cực đến xã hội do việc ban hành văn bản có quy định trái pháp luật.
Năm 2023 công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật, hòa giải ở cơ sở được tổ chức thực hiện hiệu quả; Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được xây dựng, vận hành hiệu quả, duy trì kết nối, chia sẻ thông suốt với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Công tác THADS đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay. Thể chế trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp tiếp tục được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng, tiêu cực và quản lý nhà nước. Công tác TGPL có nhiều kết quả ấn tượng, nhất là việc thiết lập cơ chế trực TGPL trong điều tra hình sự trên toàn quốc, số vụ việc TGPL tố tụng cao nhất từ trước đến nay. Công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế có nhiều dấn ấn quan trọng. Công tác xây dựng ngành, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, viên chức, cán bộ làm công tác pháp luật, tư pháp tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Công tác nghiên cứu khoa học pháp lý tiếp tục có nhiều đóng góp thiết thực phục vụ trực tiếp cho công tác tham mưu triển khai nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp… Những kết quả nêu trên tiếp tục đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước và của từng địa phương.
Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả
Tuy nhiên, nhìn lại công tác năm 2023 Bộ Tư pháp thẳng thắn chỉ ra những hạn chế: chất lượng công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật chưa cao; tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết có hiệu lực chưa được khắc phục triệt để; hiệu quả quản lý nhà nước về công tác bổ trợ tư pháp chưa được như mong muốn; vẫn còn tình trạng vi phạm trong một số lĩnh vực luật sư, công chứng, đấu giá tài sản, lý lịch tư pháp; Việc kiện toàn, sắp xếp bộ máy cơ quan tư pháp gặp nhiều khó khăn; bất cập giữa việc gia tăng khối lượng công việc nhưng biên chế ngày càng phải cắt giảm; Số vụ việc thi hành án chuyển kỳ sau vẫn còn cao; hiệu quả thi hành án hành chính chưa đạt được kết quả như mong muốn…
Vì thế, để thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2024, bên cạnh việc thực hiện các giải pháp mang tính chất thường xuyên, Bộ, ngành Tư pháp xác định một số giải pháp chủ yếu, phù hợp với bối cảnh năm 2024. Theo đó, tiếp tục đổi mới, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường công tác CCHC; thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra, nhất là những nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Tiếp tục thực hiện tốt việc kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn Ngành, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học pháp lý; có cơ chế thu hút nhân lực có kỹ năng nghề nghiệp, trình độ chuyên môn cao về làm việc tại Bộ, ngành Tư pháp.
Chủ động hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; điều chỉnh linh hoạt việc triển khai các chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế nhưng vẫn thực hiện được đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
Tập trung đầu tư nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng để đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành Tư pháp, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác; cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp; phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông, nhất là các hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp; kịp thời chia sẻ, nhân rộng cách làm hay, hiệu quả, sáng tạo trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ được giao phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước.
Tăng cường công tác phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan và cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp từ Trung ương đến địa phương; kịp thời báo cáo, tham mưu các giải pháp đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền để xin ý kiến chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Bộ, Ngành.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có); đồng thời, kịp thời động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc, đạt kết quả cao trong triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.