Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Cần đảm bảo các nguồn lực cho công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL
Ban hành Nghị quyết về xây dựng VBQPPL
Báo cáo tại buổi kiểm tra, bà Nguyễn Thị Mai Hiên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Lãnh đạo Bộ luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác pháp chế. Theo đó, Bộ trưởng đã ban hành Quy trình xây dựng, ban hành, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất VBQPPL. Đáng chú ý, Ban cán sự đảng Bộ đã ban hành Nghị quyết số 40-NQ/BCSĐ ngày 20/6/2023 về nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng VBQPPL trong lĩnh vực NN&PTNT; Bộ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ về một số giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ…
Hằng năm, tổ chức pháp chế của Bộ đều tham mưu trình Lãnh đạo Bộ ban hành kế hoạch để triển khai nhiệm vụ pháp chế. Hoạt động tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL cho công chức làm công tác này tại các đơn vị được quan tâm. Kinh phí cho công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá VBQPPL được Bộ NN&PTNN quan tâm, đảm bảo đầy đủ, đáp ứng yêu cầu.
Bà Nguyễn Thị Mai Hiên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày báo cáo.
Về công tác kiểm tra VBQPPL, Bộ đã thực hiện kiểm tra nghiêm túc, đầy đủ đối với 100% thông tư do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ban hành theo thẩm quyền. Bộ đã thực hiện kiểm tra theo thẩm quyền VBQPPL do các bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành có quy định liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. (Năm 2022 có 146 văn bản liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ NN&PTNT; năm 2022 có 153 văn bản; 6 tháng đầu năm 2023 có 108 văn bản). Kết quả chưa phát hiện văn bản nào có dấu hiệu trái pháp luật. Ngoài ra, Bộ cũng đã tiến hành kiểm tra văn bản theo chuyên đề.
Về công tác rà soát, hệ thống hóa VBQPPL, từ năm 2021 đến hết tháng 6/2023, Bộ NN & PTNT đã rà soát 404 VBQPPL, trong đó đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế 90 văn bản; đã hoàn thành việc xử lý 72/90 văn bản.
Trong năm 2021, 2022, Bộ đã thực hiện việc công bố danh mục văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần theo quy định tại Điều 157 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP) là 124 VBQQPL. Bộ cũng tích cực triển khai thực hiện việc hệ thống hóa VBQPPL kỳ 2019-2023.
Bên cạnh kết quả đạt được, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ NN&PTNT cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc như: một số địa phương chưa chủ động gửi VBQPPL có liên quan đến lĩnh vực NN&PTNT để thực hiện việc kiểm tra theo thẩm quyền; việc cập nhật VBQPPL lên cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật đôi lúc còn thiếu, chậm; đội ngũ công chức làm công tác pháp chế còn hạn chế…
Tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra
Sau khi nghe báo cáo, thành viên Đoàn kiểm tra đã yêu cầu các đơn vị của Bộ NN&PTNT làm rõ hơn về một số nội dung như: vai trò, trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ trong việc rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra VBQPPL; chưa rõ giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế; làm rõ cơ sở dữ liệu và nguồn văn bản kiểm tra hàng năm…
Ghi nhận các ý kiến đánh giá bước đầu của đoàn kiểm tra, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị Vụ Pháp chế chủ trì phối hợp các đơn vị tiến hành rà soát các nội dung, số liệu trong báo cáo đảm bảo thống nhất, đề ra giải pháp cụ thể trong thời gian tới của Bộ đối với công tác này.
Đánh giá cao những kết quả đạt được của Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cũng đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: điều kiện đảm bảo cho công tác văn bản còn hạn chế; vẫn còn văn bản có nội dung chưa phù hợp với văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, còn văn bản hành chính chứa QPPL; một số văn bản do Bộ ban hành chưa phù hợp quy định pháp luật chưa được kịp thời phát hiện qua công tác tự kiểm tra; một số văn bản không còn phù hợp quy định pháp luật do văn bản làm căn cứ ban hành đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung chưa được rà soát, xử lý kịp thời; công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL của Bộ NN&PTNN chủ yếu do Vụ Pháp chế thực hiện là chưa phù hợp theo quy định pháp luật…
Để kịp thời khắc phục một số hạn chế đã nêu và tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL, thay mặt Đoàn kiểm tra liên ngành, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị Bộ NN&PTNN tiếp tục quan tâm chỉ đạo, bảo đảm thi hành nghiêm túc, toàn diện Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP).
Tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra để kịp thời nhận diện, chấn chỉnh, khó khăn hạn chế trong tổ chức thực hiện các VBQPPL; đề cao hơn nữa trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng, thi hành pháp luật. Chủ động trong kiểm tra theo thẩm quyền, kiểm soát mức độ phù hợp của VBQPPL qua công tác tự kiểm tra, lưu ý tránh để xảy ra những quy định không phù hợp, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Chỉ đạo sát sao việc xử lý văn bản sau khi có kết luận kiểm tra, kịp thời xử lý và thông báo kết quả xử lý văn bản tới Bộ Tư pháp theo quy định đồng thời phối hợp các bộ, ngành liên quan trong việc hoàn thiện quy định pháp luật để giải quyết khó khăn, vướng mắc thực tiễn.
Thực hiện chính xác, đúng thời hạn việc thực hiện định kỳ công bố danh mục VBQPPL hết hiệu lực, ngưng hiệu lực hàng năm của Bộ. Tăng cường cơ chế, phương thức tiếp nhận, xử lý thông tin báo chí, người dân đối với lĩnh vực quản lý. Chú trọng kiện toàn đội ngũ cán bộ pháp chế; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn; tiếp tục quan tâm bố trí kinh phí đảm bảo cho công tác xây dựng, ban hành, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL.
Thứ trưởng cũng đề nghị Cục Kiểm tra VBQPP, Bộ Tư pháp tăng cường theo dõi, đôn đốc, xử lý theo thẩm quyền các đề xuất, kiến nghị của Đoàn kiểm tra.