Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lý giải nguyên nhân của tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội
Sáng 6/6, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề đầu tiên thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. Trong đó, các nội dung liên quan rút bảo hiểm xã hội một lần, chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội… được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn.
Cần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng tăng quyền lợi người đóng
Giải trình về vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trước năm 2019, số rút bảo hiểm xã hội một lần bình quân một năm khoảng 500 nghìn, đến năm 2023, con số này tăng lên 900 nghìn.
“Nếu tình trạng rút bảo hiểm một lần không giảm, thì có nguy cơ khó bảo đảm an sinh xã hội cho người già, người đến tuổi về hưu, hệ thống chính sách an sinh xã hội khó đảm bảo tính bền vững”, Bộ trưởng nêu rõ.
Bàn về nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng nhấn mạnh trước hết là do thu nhập của người lao động ở mức thấp, cơ chế rút bảo hiểm xã hội một lần còn quá dễ dàng, trong khi thông lệ quốc tế chỉ cho rút bảo hiểm xã hội một lần chủ yếu trong 2 trường hợp: một là mắc bệnh nan y, hai là chuyển sang định cư ở nước ngoài.
“Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (có hiệu lực năm 2016) rất nhân văn, quy định 4 nội dung rút bảo hiểm một lần. Nhưng sau đó, khi luật chưa có hiệu lực, chúng ta ban hành Nghị quyết 93/2015/QH13 cho rút bảo hiểm một lần, ai có nhu cầu thì rút”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Ngoài ra, quyền lợi khi rút bảo hiểm xã hội một lần ở mức cao, dẫn đến nhiều trường hợp chưa muốn rút nhưng thấy lợi ích tốt hơn thì rút, sau một thời gian lại tham gia trở lại. Bộ trưởng cho biết, hiện nay khoảng 1/3 số người rút bảo hiểm đã quay trở lại tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội.
Một nguyên nhân khác là công tác tuyên truyền về vấn đề này chưa thực sự hiệu quả. Bộ trưởng dẫn ví dụ ở TP Hồ Chí Minh, cứ 10 người đi rút bảo hiểm một lần thì vận động được 6 người không rút nữa, điều này cho thấy công tác tuyên truyền nếu làm tốt sẽ góp phần giảm bớt tình trạng này.
Theo Bộ trưởng, để giải quyết việc rút bảo hiểm một lần đòi hỏi rất nhiều giải pháp liên quan, đặc biệt là tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, điều chỉnh chính sách cho phù hợp.
Trong đó, cần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng không hạn chế quyền mà tăng quyền lợi cho người đóng. Tại Kỳ họp tới, Quốc hội sẽ bàn các phương án khác nhau để có những quy định xử lý vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần hiệu quả nhất.
Áp dụng chế tài mạnh mẽ hơn đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội
Về vấn đề chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng cho biết, đến hết năm 2022, tình trạng chậm đóng, trốn đóng, cả lãi và gốc là 8.560 tỷ đồng, tăng khoảng 2,69% so với mức của năm 2021; có 26.670 doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Thời gian qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã điều chỉnh, thực hiện các giải pháp để bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng. Cho đến nay, các đối tượng tham gia bảo hiểm bị ảnh hưởng về chế độ, chính sách đã được giải quyết một cách căn bản.
Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, thời gian qua, các doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, cơ quan quản lý bảo hiểm chưa quản lý hết đối tượng, quản lý, sử dụng thiếu hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cơ sở dữ liệu chưa tốt.
Đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) đặt câu hỏi chất vấn về tình trạng chậm, đóng bảo hiểm xã hội. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Để khắc phục tình trạng này, Bộ đã triển khai các biện pháp cụ thể, thực hiện nguyên tắc người lao động thu đến đâu thì thực hiện chính sách tới đó.
Về lâu dài, Bộ trưởng cho rằng, cần sửa Luật Bảo hiểm xã hội. Các nội dung này cũng được trình bày trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10, trong đó sẽ quy định rõ khái niệm, phạm vi hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, áp dụng một số chế tài mạnh mẽ, kiên quyết, hiệu quả hơn đối với hành vi này như thông lệ quốc tế.
“Trốn đóng hiện nay đã được quy định bằng pháp luật, thậm chí là xử lý hình sự, nhưng khái niệm, phạm vi chưa xác định rõ nên chưa xử lý được. Thí dụ, TP Hồ Chí Minh có tới 84 đơn phải chuyển sang cơ quan điều tra nhưng chưa xử lý được do vướng mắc”, Bộ trưởng thông tin thêm.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng nhấn mạnh cần áp dụng một số chế tài mạnh mẽ, kiên quyết, hiệu quả hơn đối với hành vi này như thông lệ quốc tế cho phép. Chẳng hạn như dừng hóa đơn trong một thời gian, thậm chí một số quốc gia hoãn xuất cảnh đối với những người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.