1. Trang chủ /
  2. Bộ trưởng Công an: Chế tài mạnh, không để hình thành đối tượng "thao túng nhiều cơ quan”

Bộ trưởng Công an: Chế tài mạnh, không để hình thành đối tượng "thao túng nhiều cơ quan”

thứ ba, 7/11/2023 23:18 GMT+07
Cần quy định cụ thể và có chế tài mạnh mẽ để cắt đứt các quan hệ doanh nghiệp sân sau, không để hình thành các đối tượng có thể thao túng được nhiều cơ quan như vụ Việt Á, vụ giải cứu... theo Bộ trưởng Công an Tô Lâm.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn. Ảnh: P.Thắng Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn. Ảnh: P.Thắng

Tiếp tục chương trình nghị sự Kỳ họp 6, từ 9h 10 đến 15h ngày 7/11, Quốc hội chất vấn người đứng đầu lĩnh vực nội vụ, an ninh trật tự, thanh tra, tòa án, kiểm sát, kiểm toán.

"Ý kiến cho rằng xử lý quá, cán bộ sợ, không dám làm là không phải"

Quan tâm đến công tác phòng chống tham nhũng, đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) hỏi Bộ trưởng Bộ Công an về giải pháp để đảm bảo không bỏ lọt tội phạm, không hàm oan người vô tội, “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả một lĩnh vực”.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho hay, phòng chống tham nhũng là công tác rất trọng tâm của lực lượng. Công an gương mẫu đi đầu trên cả 3 phương diện. 

Cụ thể gồm: Phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực; chống tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch trong nội bộ; cải cách thủ tục hành chính, quản lý, quản trị xã hội bằng pháp luật, nhưng tạo thuận lợi cho nhân dân, doanh nghiệp, chứ không gây khó khăn, nhũng nhiễu.

Theo Bộ trưởng Công an, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm các đối tượng tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai” đã thực hiện tốt. Điều này góp phần cảnh tỉnh, răn đe phòng ngừa vi phạm, thu hồi được nhiều tài sản cho Nhà nước.

Để nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới, Đại tướng Tô Lâm đề nghị 4 giải pháp.

Theo ông, phải tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, không để sơ hở, thiếu sót để các đối tượng lợi dụng phạm tội. Đồng thời, rà soát, bổ sung các quy định để kiểm soát quyền lực.

“Cần quy định cụ thể và có chế tài mạnh mẽ để cắt đứt các quan hệ doanh nghiệp sân sau, không để hình thành các đối tượng có thể thao túng được nhiều cơ quan như vụ Việt Á, vụ giải cứu..”, Bộ trưởng Công an nói.

Theo Đại tướng, hiện có 2 tội danh chính trong nhóm tham ô, tham nhũng, gồm: Tham ô tài sản, tức là ăn cắp tài sản của Nhà nước, nhân dân về làm tài sản riêng; đưa hối lộ và nhận hối lộ. 

“Chúng tôi chưa bắt đối tượng nào không nhận tiền cả. Nên ở đâu đó có ý kiến cho rằng xử lý quá, cán bộ sợ, không dám làm là không phải. Không phải làm trái, không phải lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà là nhận hối lộ, ăn hối lộ”, Bộ trưởng Công an thông tin. 

Ông nhấn mạnh, đấu tranh phòng chống tham nhũng phải thu hồi được tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Cho nên, phải thực hiện tốt từ khâu phát hiện, kê biên, kê khai tài sản, không để đối tượng tẩu tán tài sản.

Chuyển đổi số cũng là một trong những giải pháp hạn chế tham nhũng, nhất là tham nhũng vặt đang nhức nhối, theo Bộ trưởng Bộ Công an.

Điều động 500 công an cấp bộ về các xã đặc biệt phức tạp

Trả lời chất vấn làm cách nào để cảnh sát khu vực bám sát địa bàn dân cư, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, hiện Bộ Công an đã điều động trên 50.000 cán bộ công an chính quy xuống cơ sở là cấp phường, xã. 

“Chủ trương của Bộ Công an không phải giảm biên chế, giảm số cảnh sát khu vực mà sẽ tiếp tục tăng cường”, ông Lâm nói.

Bộ Công an đã điều động công an từ cấp bộ, tỉnh, huyện tăng cường cho cấp cơ sở. Riêng cấp bộ đã điều động khoảng gần 500 cán bộ về công an cấp xã đặc biệt phức tạp, đặc biệt là những xã biên giới.

Một giải pháp nữa, theo bộ trưởng là tiếp tục tăng cường sử dụng công nghệ để kết nối những cụm dân cư. Hiện nay cảnh sát khu vực đang vận dụng việc này rất tốt.

Tranh luận lại, đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP Hồ Chí Minh) đánh giá cao trả lời của bộ trưởng về vai trò của lực lượng cảnh sát khu vực ở địa phương, nhưng bà cho rằng, sau sắp xếp, việc giảm số lượng cảnh sát khu vực là chưa phù hợp với một số địa bàn, nhất là địa bàn đông dân cư như TP HCM.

“Tại địa bàn tại quận 1, TP HCM, sau sắp xếp đơn vị hành chính, từ 122 cảnh sát khu vực quản lý 239.000 dân, hiện chỉ còn 98 khu phố và như vậy sẽ còn 98 cảnh sát khu vực”, đại biểu dẫn chứng. Trong khi, riêng đội hành chính mỗi một ngày phải nhập liệu đăng ký khách du lịch ngoại quốc khoảng 5.000 người. 

Theo bà Châu, điều này cho thấy, các giải pháp bộ trưởng đưa ra có hiệu quả một phần, nhưng không thể phủ nhận vai trò của cảnh sát khu vực, bởi họ nắm sát địa bàn, giữ mối liên hệ với nhân dân. 

Bà Châu nhấn mạnh, việc tăng cường quản lý bằng điện tử, bằng camera nhưng, một cảnh sát khu vực quản lý 3.000 hộ dân, suốt ngày chỉ cần ngồi xem camera, thời gian đâu giữ mối liên hệ với nhân dân, thời gian đâu bám sát được địa bàn…

“Mong bộ trưởng phối hợp với các ngành để đánh giá vai trò của cảnh sát khu vực cũng như lực lượng an ninh cơ sở”, theo lời bà Châu.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, theo điều lệ cảnh sát khu vực thì 500 người dân có 1 cảnh sát khu vực, nhưng hiện nay tốc độ phát triển đô thị ở TP HCM quá lớn nên lực lượng công an phát triển chưa đáp ứng yêu cầu. Công an TP HCM hiện nay đang thiếu biên chế. Vì vậy, Bộ Công an sẽ tiếp tục tăng cường.

“Bây giờ lấy đâu cán bộ để đưa về xã, phường thì chúng tôi lấy từ các lực lượng của tỉnh, huyện thì giờ xuống phường, xã để đảm bảo”, Bộ trưởng Công an thông tin

Đại tướng Tô Lâm giải thích thêm, việc ứng dụng công nghệ hiện nay chủ yếu cảnh sát khu vực vận dụng phương thức sử dụng điện thoại thông minh, Ipad để có mối liên hệ với nhân dân chứ không chỉ sử dụng camera. 

“Hiện một tin nhắn có thể thông báo nhóm dân cư vài trăm người, không cần phải đi đến từng nhà giải quyết các vấn đề của dân như ngày xưa. Việc này rất hiệu quả”, ông Lâm nhấn mạnh.

Lộ, lọt, mua bán dữ liệu cá nhân “rất nghiêm trọng”

Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) chất vấn Bộ trưởng Tô Lâm về tình hình thông tin cá nhân bị lộ lọt số điện thoại, họ tên, địa chỉ, số căn cước công dân, số tài khoản cá nhân của người dân đang rất phổ biến. 

Cạnh đó, người dân còn nhận các thông tin, tin nhắn lừa đảo, các đường link giả mạo; người dân bị làm phiền vì các cuộc gọi mời chào, giới thiệu các loại dịch vụ khác nhau. 

“Bộ trưởng có giải pháp gì để giải quyết tình trạng mà tôi vừa nêu trong thời gian tới?”, đại biểu chất vấn.

Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá bảo vệ dữ liệu cá nhân là “rất quan trọng, đặc biệt trong quá trình chuyển đổi số”. “Tình trạng lộ, lọt, mua bán dữ liệu cá nhân hiện nay của Việt Nam rất nghiêm trọng”, ông Lâm nhìn nhận.

Theo ông, có 2 yếu tố dẫn đến tình trạng này. Đó là tội phạm xâm nhập, đánh cắp các dữ liệu cá nhân rất lớn. Trong năm 2023, riêng Bộ Công an đã phải cảnh báo, xử lý hàng chục triệu những vụ có liên quan đến việc xâm phạm các cơ sở dữ liệu. 

Ý thức của người dân trong bảo vệ dữ liệu cũng chưa cao khi có thể sẵn sàng cung cấp các thông tin cá nhân cho các người khác, cho các doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch dân sự. 

“Mình cũng hơi dễ dãi trong việc này nên chúng tôi đã tập trung xử lý những vấn đề này rất nhiều”, Đại tướng Tô Lâm nói.

Tử đó, Bộ trưởng Công an nêu nhiều giải pháp để khắc phục trong thời gian tới. Trong đó có đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để trình Quốc hội cho ý kiến; sửa đổi bổ sung Bộ luật Hình sự 2015 thêm tội danh làm lộ, lọt, mua, bán dữ liệu cá nhân để xử lý nghiêm các hành vi này.

Tăng cường các mặt công tác nghiệp vụ, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi làm lộ, lọt, mua, bán dữ liệu cá nhân và các hành vi sai phạm khác; thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, khắc phục các lỗ hổng bảo mật trong các hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu.

“Bộ Công an hiện nay có Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, cho đến nay chúng tôi bảo đảm tuyệt đối an toàn thông tin”, Bộ trưởng khẳng định.