Bộ trưởng Tài chính Mỹ sẽ cảnh báo các CEO về nguy cơ vỡ nợ
Theo các nguồn tin, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen sẽ tiếp cận các lãnh đạo doanh nghiệp và lĩnh vực tài chính để nói về tác động to lớn đến nền kinh tế Mỹ và toàn cầu nếu nước này vỡ nợ.
Bà Yellen sẽ có các cuộc đối thoại riêng với các Giám đốc điều hành (CEO) để cảnh báo về những hệ lụy nguy hiểm do tình trạng bế tắc hiện nay về trần nợ.
Các quan chức Chính phủ Mỹ đang đề nghị các chủ doanh nghiệp gây sức ép lên các nghị sỹ đảng Cộng hòa trong việc nâng trần nợ không kèm theo các điều kiện.
Trong phát biểu vào ngày 7/5, bà Yellen cảnh báo việc Quốc hội không nâng trần nợ từ mức 31.400 tỷ USD hiện nay có thể gây ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp.
Theo bà Yellen, các nghị sỹ đảng Cộng hòa không nên gắn việc nâng trần nợ với việc cắt giảm mạnh chi tiêu, điều mà các nghị sỹ đảng Dân chủ phản đối.
Tổng thống Biden nhấn mạnh Quốc hội có trách nhiệm nâng trần nợ vô điều kiện.
Ông Biden sẽ có cuộc gặp Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell và các nghị sỹ hàng đầu của đảng Dân chủ tại Nhà Trắng trong nỗ lực khơi thông bế tắc hiện nay.
Phát biểu tại Quốc hội trong tuần trước, bà Yellen cho biết Bộ Tài chính có thể không thanh toán được toàn bộ các hóa đơn ngay vào đầu tháng Sáu tới nếu trần nợ không được nâng lên.
Bà Yellen, các nhà kinh tế và các nhà phân tích khác nhiều lần cảnh báo việc nước Mỹ vỡ nợ sẽ khiến hàng triệu người mất việc làm, trong khi lãi suất các khoản vay thế chấp, mua ôtô và thẻ tín dụng tăng.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách Mỹ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về vấn đề nâng trần nợ.
Ngày 6/5, một nhóm gồm 43 thành viên đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ cho biết họ sẽ không bỏ phiếu cho một dự luật chỉ nâng trần nợ của Mỹ mà không giải quyết các vấn đề ưu tiên khác. Thượng nghị sỹ Mike Lee cho biết "cải cách ngân sách và chi tiêu thực chất" cần phải là điểm khởi đầu cho các cuộc đàm phán.
Hạ viện Mỹ vào cuối tháng Tư đã thông qua dự luật tăng trần nợ lên 31.400 tỷ USD, trong đó có cắt giảm chi tiêu sâu rộng trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, dự luật đó dự kiến sẽ không được thông qua tại Thượng viện và có thể bị Tổng thống Mỹ Joe Biden phủ quyết nếu được thông qua.
Trong thập kỷ qua, bế tắc lập pháp liên quan tới trần nợ công tại Mỹ phần lớn đều được giải quyết trước khi ảnh hưởng của chúng có thể lan ra ra thị trường.
Tuy nhiên, kịch bản đó không phải lúc nào cũng xảy ra: tình trạng bế tắc kéo dài trong năm 2011 đã khiến Standard & Poor's lần đầu tiên hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ, khiến thị trường tài chính chao đảo.
Lần này, một số nhà đầu tư lo ngại việc đảng Cộng hòa đang chiếm đa số trong Quốc hội có thể khiến khả năng hai đảng đạt được thỏa hiệp lần này trở nên khó khăn hơn./.