1. Trang chủ /
  2. Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch nói về tổn thất của ngành du lịch

Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch nói về tổn thất của ngành du lịch

thứ bảy, 16/10/2021 06:47 GMT+07
(PLVN) - Sáng qua (15/10), tại Hà Nội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề “Du lịch thích ứng an toàn với COVID-19”.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

“Chúng ta phải thích ứng với điều kiện mới”

Tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cho biết, chiều 14/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao nhiệm vụ cho Bộ phải khẩn trương ban hành hướng dẫn về vấn đề du lịch thích ứng an toàn để có cơ sở triển khai thống nhất trên toàn quốc, không chỉ đơn lẻ ở từng tỉnh, được phép mở cửa thế nào, điều kiện an toàn ra sao, phương tiện giao thông phải được nhất quán.

“Hiện nay, chúng tôi đang gấp rút trình theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ”, ông Hùng nói. Qua khảo sát, Bộ đang đề nghị các tỉnh, thành cố gắng tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách sau dịch: nhóm nhỏ, an toàn, trọn gói; hướng về di tích, danh lam.

Đánh giá về tác động của COVID-19, ông Hùng nhìn nhận từ năm 2020 đến 9 tháng đầu năm 2021, ngành du lịch bị tổn thất nặng nề. Năm 2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 80%; còn năm 2021 giảm đến 90%.

Về khách nội địa, năm 2020 có 85 triệu lượt khách nhưng sang năm 2021, du lịch gần như đóng băng. Theo đó, 90% cơ sở lưu trú phải đóng cửa và không hoạt động, công suất hoạt động phòng khách sạn không có, chỉ sử dụng 10% là tối thiểu.

Việc làm trong ngành bị đứt gãy do không có khách nên buộc phải cắt giảm lao động, buộc phải giãn cách dẫn tới người lao động không có việc làm. Các doanh nghiệp (DN) phải rút giấy phép, xin ngừng hoạt động liên tục tăng. Hiện chỉ còn lại một phần rất ít DN còn trụ vững, giữ thương hiệu để chờ thời điểm phục hồi.

“Do tác động của dịch bệnh, du lịch rất khó để phục hồi. Phải đưa ra cảnh báo để có nhận thức đúng, nếu không chúng ta sẽ rất khó mơ về ngày xưa, chúng ta phải thích ứng với điều kiện mới”, ông Hùng nói.

Theo đó, Chính phủ giao Bộ VH-TT&DL tham mưu và cùng phối hợp các bộ, ngành xây dựng kế hoạch phục hồi nền kinh tế sau dịch COVID-19. Trong đó, nhóm nhiệm vụ lĩnh vực về du lịch - dịch vụ là nhóm ưu tiên số 2 sau nhóm về tài chính và tín dụng.

Bộ VH-TT&DL đang tiếp cận theo hướng phải tiếp tục nghiên cứu đề xuất cơ chế chính phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam, phù hợp hỗ trợ cho các địa phương, DN phục hồi và phát triển du lịch.

Ở nhóm nhiệm vụ này, Bộ VH-TT&DL đã đề xuất và Chính phủ, Quốc hội chấp thuận giảm tiền điện trong cơ sở lưu trú; hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch; đề xuất giảm tiền ký quỹ du lịch cho các DN du lịch lữ hành sửa đổi theo Nghị định 168 giảm 80%.

Bộ VH-TT&DL cũng kiến nghị xem xét các gói tín dụng dành cho DN nói chung, trong đó có DN du lịch. Ngoài ra, phải tập trung giải quyết vấn đề mà DN đang gặp khó khăn, như thiếu nguồn lao động.

Tổng cục Du lịch đề xuất 3 nhóm giải pháp

Trước bối cảnh còn nhiều khó khăn, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, cơ quan này đang nghiên cứu, đề xuất, phối hợp với các DN, hiệp hội DN và địa phương để nắm bắt được tình hình để kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Bộ, trình Thủ tướng, các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Bên cạnh đó, chủ động nghiên cứu và tham mưu cho lãnh đạo Bộ triển khai thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc, phối hợp các địa phương để bàn thảo các giải pháp phục hồi hoạt động du lịch nội địa.

Trước mắt là du lịch nội tỉnh của các địa phương đã kiểm soát được dịch, tiến đến đón khách từ các địa phương khác sau khi dịch được kiểm soát. Và cũng có những tiêu chí cụ thể, tiến đến đón khách du lịch quốc tế sau khi có kết quả đánh giá của việc triển khai thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc.

Tổng cục Du lịch đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, DN và người lao động theo 3 nhóm.

Nhóm thứ nhất là chính sách tài khóa, liên quan các chính sách ưu đãi về tín dụng cho các DN được vay vốn ưu đãi để vượt qua khó khăn, chi trả lương cho người lao động, để thu hút người lao động ở lại với DN, rồi có kinh phí để xây dựng các sản phẩm mới thích ứng với môi trường mới.

Nhóm thứ hai là chính sách tài chính, Tổng cục Du lịch đề xuất với Bộ VH-TT&DL có kiến nghị điều chỉnh giảm thuế, phí, lệ phí, để giảm bớt gánh nặng giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn.

Nhóm thứ ba là gói an sinh xã hội. Bộ VH-TT&DL đã có những tham mưu để hỗ trợ DN trong ngành, đặc biệt đối tượng hướng dẫn viên vừa qua nhận được tiền hỗ trợ. DN, người lao động cũng cần sự quan tâm lớn hơn nữa từ Chính phủ.

Tổng cục Du lịch cũng kiến nghị kéo dài thời gian giảm tiền điện cho cơ sở kinh doanh đến năm 2022, thậm chí đến 2023. Giảm tiền thuê đất với DN kinh doanh du lịch. “Chúng tôi đang tiếp tục có những đề xuất để hỗ trợ kịp thời cho các DN và người lao động trong ngành du lịch vượt qua khó khăn để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi mạnh mẽ sau dịch”, ông Khánh nói.

Trước đó, ngày 14/10, báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ông Khánh cho biết trong 2 năm (2020 và 2021), ngành du lịch Việt Nam “sụt giảm nghiêm trọng” cả về lượng khách trong nước lẫn quốc tế và tổng thu. “Đã có 30% DN lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh. Hiện cả nước còn 2.000 DN lữ hành, trong đó nhiều đơn vị vẫn đóng cửa. Các cơ sở lưu trú du lịch cũng phải đóng cửa 90%, hầu như không có khách, trừ nơi cách ly.

Hiện một số địa phương như Vĩnh Phúc, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Ninh... đã mở lại hoạt động du lịch cho khách nội tỉnh và nội địa. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vaccine có sự chênh lệch giữa các địa phương nên vẫn còn sự thận trọng trong việc tái khởi động.

Trước đó, ngày 14/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có buổi làm việc với Bộ Y tế, VH-TT&DL về phương án khởi động lại hoạt động du lịch. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ VH-TT&DL ban hành ngay hướng dẫn thích ứng an toàn COVID-19 trong hoạt động du lịch.

Hướng dẫn này phải cụ thể, chi tiết, bao gồm phương thức vận tải, điều kiện hoạt động trong các khu tham quan, cơ sở lưu trú, dịch vụ, phương thức xét nghiệm, hợp đồng với cơ sở y tế để giám sát, xử lý khi phát hiện F0...

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các Hiệp hội Du lịch cần có quy định đồng bộ với hướng dẫn của Bộ, khuyến khích DN thành viên thực hiện để hoạt động trở lại theo lộ trình “từng bước chắc chắn, an toàn”.

Theo Phó Thủ tướng, từ nay đến cuối năm 2021, Việt Nam chủ động được cơ bản nguồn vaccine, thuốc điều trị, sinh phẩm xét nghiệm, ý thức người dân được nâng cao... Đây là những yếu tố thuận lợi để từng bước mở lại hoạt động du lịch. Tuy nhiên, tần suất người di chuyển cao, phạm vi rộng, nên rủi ro dịch bệnh có thể xảy ra.

Về thí điểm đón khách quốc tế, Phó Thủ tướng giao Bộ VH-TT&DL, Hiệp hội Du lịch làm việc với các địa phương, bộ, ngành để kiến nghị cụ thể về điểm đến, thời điểm, quy mô; quy trình, thủ tục đi lại, lưu trú; phương án xử lý khi có F0... “Cùng với các ngành kinh tế khác, du lịch cần khẩn trương khôi phục lại hoạt động từng bước an toàn, chắc chắn”, Phó Thủ tướng nói.