Bộ Xây dựng: Hà Nội đã gỡ khó cho 419 dự án bất động sản
Vào tháng 11/2022, Chính phủ đã có nhiều động thái mạnh mẽ, như thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án bất động sản. Tổ trưởng là ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Tính tới nay, sau 9 tháng thành lập, Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đã làm việc trực tiếp với nhiều địa phương, trong đó có các địa phương là “điểm nóng” là Hà Nội và TP.HCM.
Trong Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 33, vào chiều 3/8, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết: Tính đến 1/8, Tổ công tác đã nhận được 112 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến 174 dự án bất động sản.
Tại TP.HCM, Tổ công tác đã làm việc, để giải đáp, hướng dẫn trực tiếp và hướng dẫn bằng văn bản đối với khoảng 30 nội dung kiến nghị liên quan đến khó khăn, vướng mắc của khoảng 180 dự án nhà ở, khu đô thị đang gặp khó trong việc phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ,...
Theo thông tin của Sở Xây dựng TP.HCM, đến nay thành phố đã chỉ đạo và giải quyết được 67 dự án, tương đương 37,2% so với số lượng 180 dự án ban đầu.
Tại Hà Nội, Tổ công tác đã làm việc để giải đáp, hướng dẫn trực tiếp và hướng dẫn bằng văn bản Tổ công tác đã làm việc để giải đáp, hướng dẫn trực tiếp và hướng dẫn bằng văn bản như triển khai thực hiện dự án nhà ở, khu đô thị, chính sách nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ, giải phóng mặt bằng, tính tiền sử dụng đất các dự án…
Qua đó, xác định các vướng mắc chủ yếu do địa phương hiểu và áp dụng pháp luật chưa đầy đủ, chưa đúng. Do đó, Tổ công tác đã hướng dẫn UBND Hà Nội tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của UBND thành phố để UBND Thành phố thực hiện.
Ngoài ra, Tổ công tác nhận được 12 văn bản của 12 doanh nghiệp và người dân kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho các dự án của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tổ công tác đã xử lý 12 kiến nghị tại 11 văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội đề nghị giải quyết tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản trên địa bàn theo thẩm quyền và báo cáo kết quả giải quyết về Tổ công tác.
Hiện UBND Hà Nội đang triển khai thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành.
Theo thông tin của Sở Xây dựng, đến nay thành phố Hà Nội đã chỉ đạo và giải quyết được 419 dự án, tương đương 58,8% so với số lượng 712 dự án ban đầu, hiện Thành phố đang tiếp tục chỉ đạo giải quyết cho 293 dự án.
Bộ Xây dựng nhận định, Tổ công tác đã làm việc trực tiếp với nhiều địa phương, đồng thời tiếp nhận các văn bản, kiến nghị của các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, người dân.
Theo đó, Bộ Xây dựng, Tổ công tác đã rà soát, xử lý theo thẩm quyền, đồng thời đã có văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo chức năng, nhiệm vụ được giao đối với các khó khăn, vướng mắc của các dự án mà Tổ công tác nhận được.
Qua tổng hợp, nghiên cứu, xem xét các văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân gửi đến cho thấy hầu hết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của các địa phương. Nguyên nhân chủ yếu do địa phương hiểu và áp dụng pháp luật chưa đầy đủ, chưa đúng,...
Do đó, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản còn nhiều khó khăn do quá trình triển khai thực hiện nhiều dự án kéo dài, pháp luật qua các thời kỳ có nhiều thay đổi, dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc rất khó tháo gỡ; một số cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị thực thi pháp luật có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý dẫn đến đùn đẩy, né tránh, giải quyết chậm, không dám đề xuất, không dám quyết định.
Do đó, Bộ Xây dựng kiến nghị các địa phương cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong cơ quan, đơn vị; kiên quyết khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, tâm lý sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc trong một bộ phận cán bộ, công chức.
Tiếp tục tập trung nguồn lực, thời gian hợp lý để rà soát, lập danh mục các dự án bất động sản có khó khăn, vướng mắc; đánh giá cụ thể, lý do, nguyên nhân khó khăn, vướng mắc; trên cơ sở đó, khẩn trương chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc về pháp lý, thủ tục đầu tư xây dựng thuộc thẩm quyền. Nếu có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền thì báo cáo, đề xuất rõ giải pháp lên cấp có thẩm quyền.