Buộc các nhà thầu phải bồi thường thiệt hại trong vụ án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
Theo đó, Hội đồng Xét xử (HĐX) đã tuyên phạt bị cáo Mai Tuấn Anh, nguyên Chủ tịch VEC 42 tháng tù về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Bị cáo Trần Văn Tám, nguyên Tổng Giám đốc VEC bị tuyên 5 năm 6 tháng về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và "vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng".
Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Quang Hào, cùng là nguyên Phó Tổng Giám đốc VEC lĩnh mức án lần lượt là 4 năm và 2 năm; Hoàng Việt Hưng và Nguyễn Tiến Thành, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mức án lần lượt 2 năm và 2 năm 6 tháng về tội "vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng".
16 bị cáo còn lại, HĐXX tuyên phạt mức án từ 2 năm tù cho hưởng án treo đến 6 năm về tội "vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng".
Về dân sự, tòa buộc 4 nhà thầu, gồm: Tập đoàn Giang Tô; Tập đoàn Lotte; Tập đoàn Posco; Công ty Sơn Đông, cùng bồi thường số tiền thiệt hại hơn 460 tỷ đồng.
Để đảm bảo công tác thi hành án, HĐXX tiếp tục kê biên một số tài là nhà đất; phong tỏa một số tài khoản chứng khoán; tài khoản ngân hàng của bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng, Trần Văn Tám, cùng hơn 10 người khác.
Trong vụ án này, HĐXX nhận định, VEC là công ty 100% vốn Nhà nước do Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản. Đơn vị này được giao làm chủ đầu tư dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, là công trình trọng điểm quốc gia, có tổng chiều dài gần 140km. Tuy nhiên, sau khi thi công hoàn thiện đưa vào sử dụng, tuyến cao tốc đã xuất hiện rất nhiều điểm hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới vận hành khai thác, mất an toàn giao thông và gây bức xúc trong nhân dân.
Các vi phạm tại giai đoạn 1 dài 65km (từ Đà Nẵng - TP Tam Kỳ) gây thiệt hại 881 tỷ đồng. Trong vụ án của giai đoạn 1 đã có 36 bị cáo liên quan đã bị đưa ra xét xử.
Ở giai đoạn 2 dài 74km (từ Tam Kỳ - Quảng Ngãi), HĐXX nhận định dự án sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và do Tổ chức Tư vấn CDM Smith Inc của Mỹ thực hiện giám sát thi công.
Giai đoạn 2 của dự án chia làm 5 gói thầu: Gói A1 giá trị 47,5 tỷ đồng do liên danh Tổng Công ty Xây dựng số 1 (viết tắt là CC1) và Lotte E&C (Hàn Quốc) cùng thực hiện.
Gói A2 giá trị 129 tỷ đồng, do Tập đoàn Công trình giao thông tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) thực hiện; gói A3 trị giá 85 tỷ đồng, do Tập đoàn Công trình giao thông tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) thực hiện.
Gói A4 trị giá 127 tỷ đồng, do Tập đoàn Lotte E&C (Hàn Quốc) thực hiện và gói A5 trị giá 71 tỷ đồng, do Posco (Hàn Quốc) thực hiện.
Gói thầu A1 lớp bê tông nhựa tạo nhám, lớp bê tông nhựa hạt mịn, bê tông nhựa hạt trung, lớp đá dăm gia cố nhựa ở 22 phân đoạn đều không đảm bảo chất lượng.
Các gói thầu A2, A3, A4 chất lượng cũng đều không đảm bảo.
Kết quả kiểm tra hiện trường thi công của Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước từ năm 2015 - 2018 xác định, có nhiều thiếu sót, vi phạm trong quá trình thi công, không tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế.
Tuy nhiên, VEC đã nghiệm thu, thanh toán cho các nhà thầu tổng số tiền hơn 460 tỷ đồng đối với các hạng mục công trình không đảm bảo chất lượng. 22 bị cáo trong vụ án bị quy kết trong quá trình xây dựng đã cùng nhiều người khác không tuân thủ quy định từ khâu lựa chọn vật liệu, thiết kế, thi công...
Sai phạm của các bị cáo khiến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không đảm bảo chất lượng vẫn được đưa vào vận hành giai đoạn 2 sau đó hư hỏng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 460 tỷ đồng.
"Hành vi của các bị cáo là gây nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế chính đáng của Nhà nước. Vì vậy, đưa các bị cáo ra xét xử là phù hợp với quy định pháp luật" - HĐXX đánh giá.