1. Trang chủ /
  2. Buộc phải lập lại trật tự vỉa hè, xây dựng văn minh đô thị!

Buộc phải lập lại trật tự vỉa hè, xây dựng văn minh đô thị!

thứ năm, 16/3/2023 11:08 GMT+07
Việc lập lại trật tự vỉa hè trên địa bàn Thủ đô là điều bắt buộc để trả lại không gian cho người đi bộ, tạo bộ mặt đô thị sạch đẹp và nhất là bảo đảm an toàn giao thông, không làm thất thu ngân sách và lợi ích về phía cá nhân.
Lực lượng chức năng Hà Nội ra quân lập lại trật tự đô thị, đòi lại vỉa hè. Ảnh: Quang Hùng. Lực lượng chức năng Hà Nội ra quân lập lại trật tự đô thị, đòi lại vỉa hè. Ảnh: Quang Hùng.

Khi vỉa hè là kế sinh nhai của nhiều gia đình

Trong những ngày qua, các lực lượng chức năng trên địa bàn Hà Nội đã tích cực ra quân “đòi lại vỉa hè” cho người đi bộ cũng như bảo đảm an toàn giao thông, trật tự và mỹ quan đô thị. Một số khu vực vỉa hè đã thông thoáng, tình trạng lấn chiếm để kinh doanh buôn bán có giảm, xe máy để gọn gàng sau vạch sơn trắng.

buoc phai lap lai trat tu via he xay dung van minh do thi hinh 1
Lực lượng chức năng Hà Nội ra quân lập lại trật tự đô thị, đòi lại vỉa hè. Ảnh: Quang Hùng.

Thực tế ở hầu hết vỉa hè cổng bệnh viện, trường học, bến xe hay các tuyến đường giao thông tại Hà Nội nơi tiện người qua lại đều có hàng quán mọc lên. Nhiều người vì hoàn cảnh, kiếm kế sinh nhai thì cũng có không ít người đã kiếm bạc triệu mỗi ngày khi chiếm nơi công cộng thành sở hữu riêng.

Bưng suất cơm với lèo tèo mấy miếng thịt luộc, một ít rau và lạc rang, bà Ngân bán trà đá khu vực bên ngoài bến xe Giáp Bát vừa ăn vừa nhắc khách ngồi gọn gàng. Chốc chốc bà lại đưa tay ra sau đấm đấm mấy cái vào lưng và cười nói: “Cái lưng lại đòi tiền rồi...”.

Hơn chục năm ăn cơm bụi uống nước lề đường là từng ấy thời gian bà Ngân đã gánh chịu đủ nhọc nhằn, bụi bặm, nắng mưa để chắt chiu những đồng tiền lẻ. Trước khi bán trà đá, bà cũng đã từng làm tạp vụ nhưng sau này đơn vị thuê cần người trẻ hơn, nhanh nhẹn hơn nên bà Ngân đã được cho nghỉ việc.

“Dù biết bán trên hè phố là không đúng nhưng vì mưu sinh, khó khăn đành phải chịu. Nếu có tiền thuê sạp bán hàng thì u đã thuê rồi, tội gì mà phải phơi mặt ngoài đường thế này...”, bà Ngân chia sẻ.

Cũng cùng cái nghề “ngồi lê hè phố”, chị Lương (trú tại huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) cho biết, hàng ngày chị lấy hoa quả ở chợ Đồng Xuân rồi bán rong ruổi khắp phố phường Hà Nội để nuôi 2 đứa con đang tuổi ăn học.

Theo chị Lương, đất nông nghiệp bị thu hồi làm dự án bất động sản nhưng xây mãi chưa thấy xong. Người nông dân như chị cũng chẳng biết làm gì, chỉ trông chờ vào gánh hàng rong để có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống.

Thật khó để thống kê có bao nhiêu người mưu sinh trên hè phố với cả nghìn hình thức. Từ một thúng xôi nếp, gánh hàng rong, trà đá vỉa hè,... cũng đủ để nuôi một gia đình mấy người. Đa số những người được hỏi đều cho biết, vì chưa (hoặc không biết) làm gì mới phải ra nơi gió bụi mưu sinh.

Không chỉ cái nghèo, cái khổ xua họ ra hè phố, không ít người thậm chí coi hè phố là chốn để làm giàu. Nhiều khu vực vỉa hè, lòng đường tại Hà Nội còn trở thành các bãi đỗ xe tự phát và nơi để ô tô, xe máy của cửa hàng kinh doanh. Người đi bộ bị “đẩy” xuống lòng đường, tham gia giao thông cùng với ô-tô, xe máy.

Bác Mạnh (trú tại quận Hai Bà Trưng) cho biết, đa số tuyến phố Hà Nội, vỉa hè từ lâu không còn thuộc về người đi bộ. Một luật bất thành văn mà nhiều người dân có nhà ở mặt đường, mặt phố tự đặt ra với nhau, đó là phần vỉa hè trước cửa nhà nào thì nghiễm nhiên thuộc về nhà đó.

Hệ quả là hàng quán kinh doanh bày bán la liệt, vỉa hè và cả lòng đường trở thành nơi trông xe. Dù rằng anh để tạm thời thôi nhưng đây thực chất là chuyện kinh doanh. Chưa chắc đã phục vụ cho Nhà nước, có khi chỉ phục vụ cho một số cá nhân, lợi ích nhóm nào đó thôi.

Đặc biệt kinh doanh nhưng không có sự quản lý của các đơn quan chức năng thì sẽ rất dễ xảy ra tình trạng chèo kéo, chèn ép, thu phí cao hoặc trái quy định. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến bộ mặt văn minh đô thị của Thủ đô, bác Mạnh bày tỏ.

Minh bạch nguồn thu, hài hòa lợi ích

Thực trạng thiếu điểm đỗ xe trên địa bàn Hà Nội đã tồn tại từ lâu nhưng dường như vẫn là bài toán chưa tìm ra lời giải của các cơ quan có trách nhiệm. Thống kê trên địa bàn nội thành Hà Nội có khoảng 590 điểm đỗ xe và bãi đỗ xe tập trung. Ngoài ra có khoảng 560 điểm trông giữ phương tiện tạm thời dưới lòng đường và vỉa hè.

Với số lượng này chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu đỗ xe của người dân và 90% còn lại là đỗ xe ở các bệnh viện, trường học, khoảng đất trống, đất dự án chưa khai thác. Có thể nhìn thấy năng lực hiện nay của kết cấu hạ tầng giao thông tĩnh Thủ đô phục vụ người dân thấp hơn nhiều so với quy hoạch.

buoc phai lap lai trat tu via he xay dung van minh do thi hinh 2
Việc tận thu vỉa hè để trông giữ phương tiện, kinh doanh buôn bán trái phép đã gây ra nhiều hệ lụy. Ảnh: Quang Hùng.

Trao đổi với PV, một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đô thị nhận định, các bãi giữ xe tạm được cấp phép trên hè phố, lòng đường, nhân viên thu tiền mặt không vé, không hợp đồng, ngang nhiên trông giữ xe quá diện tích rồi sau đó chấp nhận nộp phạt; có thể khẳng định, công sản đang bị quản lý lỏng lẻo.

Điều này dẫn tới nhiều hệ lụy như thất thu ngân sách và ảnh hưởng lớn tới các chính sách giao thông đô thị khác. Tạo ra một thói quen lệ thuộc nguy hại của chính quyền đô thị vào sự nhếch nhác, thiếu bền vững vào các bãi đỗ xe tạm thời.

Nếu được thì chỉ một số cá nhân trông giữ ô-tô và thu được tiền còn mặt lợi ích chung, lợi ích xã hội của cả cộng đồng, cả thành phố thì đã mất vì mục tiêu lâu dài là khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng và hạn chế giao thông cá nhân sẽ không đạt được vì nếu người ta sử dụng quá thuận lợi sẽ không ai từ bỏ để chuyển sang giao thông công cộng cả, vị chuyên gia đề cập.

Theo Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, mặc dù Hà Nội đã tăng gấp 3 lần mức cho thuê diện tích lòng đường, vỉa hè làm nơi đỗ xe từ năm 2018 nhưng số tiền đó vẫn quá chênh lệch so với giá thị trường tại những vị trí được ví như “đất vàng” giữa lòng Thủ đô.

Và chính việc được thuê công sản với giá rất thấp so với tiềm năng kinh doanh thì đó là một lợi thế cạnh tranh, là đặc quyền lợi ích của những tổ chức, cá nhân được cấp phép.

Một quận trung tâm có thể thu được hàng ngàn tỷ một năm nếu chỉ cần quản trị không gian đô thị, tài sản công nghiêm chỉnh. Điều đó có thể thu lại còn nhiều hơn so với thu thuế từ buôn bán lặt vặt, khách sạn, nhà hàng..., Kiến trúc sư Trần Huy Ánh khẳng định.

Chẳng phải bây giờ việc quản lý vỉa hè mới được làm rốt ráo. Thành phố Hà Nội cũng đã triển khai và không thành công nhiều đợt ra quân “dẹp loạn vỉa hè” trước đó và không đạt được thành công như mong đợi do nhiều nguyên nhân.

Nhưng phải khẳng định việc lập lại trật tự vỉa hè là điều bắt buộc để trả lại không gian cho người đi bộ, tạo bộ mặt sạch đẹp cho Thủ đô và nhất là bảo đảm an toàn giao thông, xây dựng nề nếp công tác quản lý đô thị.