Ca khúc phản cảm, vô nghĩa: Cần kiểm soát việc phát hành
Nhiều sản phẩm âm nhạc phản cảm
Giới giải trí gần đây xôn xao việc Rapper B Ray trình diễn trên sân khấu một ca khúc có lời lẽ phản cảm, mang ý nghĩa tiêu cực, gây bức xúc cho khán giả và đang bị Sở Văn hóa - Thể thao TP Hồ Chí Minh xem xét xử lý. Rapper này cùng bạn diễn biểu diễn bản rap “Để ai cần”, trong đó có nhiều câu từ với ý nghĩa cầu mong việc xui xẻo, hiểm nguy đến với người yêu cũ như: "Anh mong em đánh bại được ung thư, chỉ để bị ung thư thêm lần nữa. Anh mong những ngày tệ nhất sẽ đến với em mỗi khi bầu trời trong xanh, tính chuyện gì cũng không thành. Chúc em qua đời thanh thản ở trên giường ngủ và thức giấc là ở dưới địa ngục".
Ngoài ra, bản rap còn không ít những lời thiếu văn hóa. Vì thế, khi đoạn clip ghi lại màn trình diễn lan truyền trên mạng, nhiều khán giả đã bày tỏ sự bức xúc, phản ứng gay gắt. Nhiều người cũng quan ngại rằng những ngôn từ như thế và lối tư duy lệch lạc trong bài hát sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ.
Cũng mới đây, nam diễn viên hài Lê Dương Bảo Lâm cho ra mắt một MV gây nhiều tranh cãi mang tên “Oải cả chưởng” với những từ ngữ “bắt trend” ghép nối với nhau, những hình ảnh rời rạc, “chắp vá” nhằm gây cười... Nhiều người, trong đó không ít người hoạt động nghệ thuật cho rằng, đây là ca khúc “nhảm nhí”, thiếu tính nghệ thuật, ra đời cốt yếu để “câu view”. Ca khúc này lại nhanh chóng lên “top trending” của nền tảng mạng xã hội cũng khiến không ít ý kiến lo ngại những sản phẩm văn hóa như thế sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị hiếu khán giả.
Trách nhiệm xã hội của nghệ sĩ
Thực tế, không ít sản phẩm âm nhạc gây bức xúc vì hời hợt, phản cảm đã xuất hiện. Trong đó nhiều sản phẩm thiếu giá trị nghệ thuật lại “đánh” trúng tâm lý tò mò, thích tranh cãi của một bộ phận giới trẻ. Nhiều nghệ sĩ cũng nắm rõ những “chiêu” để tận dụng Facebook, Tiktok... lan truyền ca khúc đến rộng rãi khán giả, khiến khán giả phải nghe, chủ động hoặc thụ động. Nhiều ca khúc vì thế có lượt xem “khủng”, mang về lợi nhuận lớn cho người làm ra nó.
Trong khi đó, hiện nay việc kiểm duyệt những sản phẩm âm nhạc phát hành trên mạng xã hội còn khá lỏng lẻo. Có những ca khúc chỉ khi gây bức xúc, ồn ào dư luận thì cơ quan chức năng mới bắt đầu vào cuộc.
Có thể nhiều nghệ sĩ vẫn biết sản phẩm âm nhạc của mình phi giá trị, nhưng họ chấp nhận chọn lối đi này để tạo sự chú ý và tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường âm nhạc. Việc sử dụng lời lẽ phản cảm, dễ dãi và hình ảnh gây sốc không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng người nghe mà còn gây ra nhiều tranh cãi về giáo dục âm nhạc và trách nhiệm của nghệ sĩ.
Nhiều ca khúc không chỉ mang tính chất giải trí đơn thuần mà còn lan truyền những thông điệp tiêu cực, khích lệ hành vi xấu, thậm chí xâm phạm giới hạn đạo đức và đạo lý. Điều này dễ tạo nên một môi trường không lành mạnh, ảnh hưởng đến tư duy và hành vi của thế hệ trẻ.
Không ít người hâm mộ đã bày tỏ sự phẫn nộ và cho rằng, nghệ sĩ là những người có trách nhiệm lớn về mặt tinh thần đối với cộng đồng, chính vì vậy, bản thân nghệ sĩ phải xem xét cẩn thận trước khi chọn lựa nội dung cho tác phẩm của mình. Tuy nhiên, cũng có quan điểm rằng nghệ sĩ có quyền tự do nghệ thuật và không nên bị ràng buộc quá mức. Điều quan trọng là làm sao bảo đảm sự cân bằng giữa tự do nghệ thuật và trách nhiệm xã hội. Mặc dù nghệ sĩ có quyền tự do trong sáng tạo, nhưng đồng thời cũng cần có sự nhận thức về ảnh hưởng mà họ đang tạo ra đối với cộng đồng.
Trong bối cảnh này, ngành công nghiệp âm nhạc đang đối mặt với thách thức của việc xác định nguyên tắc và trách nhiệm khi tạo ra các sản phẩm nghệ thuật. Phải bảo đảm được sự hòa hợp giữa tự do sáng tạo và trách nhiệm xã hội mới có thể duy trì và phát triển một môi trường âm nhạc tích cực, mang lại giá trị cho cộng đồng.