Các Đại sứ “hiến kế” khi mở cửa trở lại du lịch quốc tế
Ảnh minh họa.
Thị thực không phải là yếu tố quyết định
Kể từ ngày 15/3/2022, Việt Nam chính thức mở cửa trở lại du lịch quốc tế. Đây được đánh giá là quyết định hết sức quan trọng, đúng thời điểm để du lịch Việt Nam phục hồi, vực dậy sau hơn 2 năm hết sức khó khăn do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, ông Lương Thanh Quảng, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho rằng, việc khôi phục chính sách thị thực không đồng nghĩa với việc ngành du lịch sẽ phục hồi ngay.
Bởi lẽ, hiện nay, một số nước Đông Nam Á chưa phục hồi chính sách thị thực du lịch, trong khi như Mỹ, một số nước châu Âu khuyến cáo công dân chưa nên đến Việt Nam ở thời điểm này. Trung Quốc, thị trường du lịch lớn nhất của nước ta cũng đang áp dụng chính sách “zero COVID”, Nga đang vướng vào xung đột với Ukraine… Những vấn đề này ảnh hưởng lớn đến lượng khách du lịch đến Việt Nam.
“Thị thực không phải là yếu tố quyết định để phục hồi du lịch, cần chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng ngành du lịch, nhân sự, tăng cường quảng bá để thu hút khách du lịch đến Việt Nam…”, ông Lương Thanh Quảng nêu ý kiến.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cũng chỉ ra rằng, vẫn còn rất nhiều vấn đề và thách thức đặt ra khi Việt Nam mở cửa lại du lịch. Cùng quan điểm, tại Hội nghị triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả do Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức mới đây, các Đại sứ Việt Nam tại nước ngoài đã nêu nhiều kiến nghị để thúc đẩy ngành du lịch phát triển sau khi mở cửa hoàn toàn.
Nêu kinh nghiệm của nước Mỹ, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng cho biết, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, ngành du lịch của Mỹ đã sụt giảm nghiêm trọng, mất 730 tỷ USD. Nhưng từ khi nước này bỏ hạn chế đi lại vào năm 2021, du lịch nội địa phục hồi tốt.
Theo Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng, hiện nay, nhu cầu du lịch của người Mỹ đang tăng cao, với khoảng 80% có nhu cầu đi du lịch trong 6 tháng tới. Khách du lịch Mỹ ưa thích các hình thức du lịch an toàn, an ninh; du lịch bền vững, du lịch xanh; với hạ tầng y tế tốt, bảo đảm về chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm, đồng thời có thể linh hoạt thay đổi lịch trình trước những rủi ro có thể đột xuất xảy ra. Người Mỹ thích du lịch gia đình và trải nghiệm; ưa thích lưu trú tại home stay, đặt phòng qua mạng, áp dụng công nghệ thông tin, tránh tiếp xúc trực tiếp nhân viên.
Bám sát xu hướng du lịch mới
Theo Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng, Việt Nam có một số điều kiện thuận lợi để thu hút du khách Mỹ, như người Mỹ đánh giá Việt Nam là điểm đến yêu thích, đông đảo người Việt tại Mỹ có nhu cầu về Việt Nam thăm thân, đầu tư. Bên cạnh đó, Việt Nam - Mỹ đã có đường bay thẳng.
Tuy nhiên, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng cũng chỉ ra rằng, để mở cửa du lịch an toàn, hiệu quả, còn nhiều điều cần bàn. Trước hết, do số ca COVID-19 của Việt Nam đang tăng cao, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Mỹ xếp Việt Nam vào nhóm khuyến cáo hạn chế đi lại. “Dù nhóm này có tới 130 nước nhưng đây cũng là trở ngại”, ông Dũng cho hay.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã đóng cửa du lịch dài ngày so với nhiều nước trong khu vực nhưng khi mở cửa trở lại, lại chưa có nhiều sản phẩm mới hấp dẫn để thu hút khách. Trong bối cảnh như vậy, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng khuyến nghị triển khai một cách nhất quán chủ trương mở cửa du lịch từ Trung ương đến địa phương để có thể thông báo một cách thống nhất đến các cơ quan đại diện, các hãng hàng không, đối tác…
Đồng thời, các sản phẩm du lịch của Việt Nam cần bám sát xu hướng du lịch mới, có các chương trình khuyến mãi; cơ sở y tế chất lượng cao, sản phẩm du lịch hấp dẫn, có tính cạnh tranh. Các cơ quan cần tăng cường phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, đặc biệt là an toàn phòng chống dịch bệnh. Cùng với đó, cần đẩy mạnh số hóa và quảng bá du lịch qua internet, thực tế ảo.
Khẳng định Việt Nam là điểm đến quen thuộc với người Pháp; được du khách Pháp đánh giá cao về vẻ đẹp thiên nhiên và giá trị văn hóa, ẩm thực, con người, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng cũng đề nghị tập trung vào các xu hướng mới trong du lịch, trong đó ưu tiên du lịch bền vững, thân thiện môi trường, du lịch chậm hơn nhưng kéo dài hơn, du lịch kết hợp làm việc từ xa, du lịch an toàn phòng chống dịch bệnh…
Xác định trúng những nhóm khách hàng tiềm năng
Nêu bật những tiềm năng của thị trường Nhật Bản đối với ngành du lịch Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam khuyến khích các đơn vị lữ hành Việt Nam tiếp xúc đối tác sớm để có các tour dài hơi, đưa ra giá thành cạnh tranh. Đặc biệt, giai đoạn hiện nay, cần tập trung vào nhóm khách tiềm năng là các doanh nghiệp Nhật Bản, có chính sách cụ thể hơn để khuyến khích họ vào Việt Nam.
Đại sứ cũng gợi ý tổ chức những hội nghị, tọa đàm trao đổi với doanh nghiệp Nhật Bản để tìm hiểu nhu cầu, từ đó có các biện pháp khuyến khích cụ thể, phù hợp với từng địa bàn đặc thù.
Trong khi đó, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho hay, thời gian qua, nhu cầu du lịch của người Ấn như “chiếc lò xo bị nén lại”. Hiện, Ấn Độ đã mở cửa, du khách không còn bị hạn chế. “Do đó, Việt Nam cần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch tới đây”, Đại sứ Phạm Sanh Châu nói.
Gợi ý về các biện pháp thu hút khách du lịch từ Ấn Độ, Đại sứ Phạm Sanh Châu bật mí, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn ở Ấn Độ đều có quỹ thưởng cuối năm cho nhân viên hoặc dùng quỹ này tổ chức cho nhân viên đi du lịch. Bên cạnh đó, tại Ấn Độ có khoảng 20 doanh nghiệp chuyên tổ chức các tour du lịch kết hợp tổ chức đám cưới, với khoảng 100-1.000 đám cưới mỗi năm. Do đó, theo Đại sứ Phạm Sanh Châu, các công ty du lịch Việt Nam có thể tiếp cận, làm việc với các tập đoàn lớn của Ấn Độ hoặc các doanh nghiệp chuyên tổ chức tour đám cưới để thu hút du khách; các công ty lữ hành cũng cần có giá ưu đãi cho các đoàn đông người Ấn.
Để mở ra một thời kỳ khởi sắc mới của du lịch Việt Nam sau đại dịch, Đại sứ Đinh Toàn Thắng cho rằng, truyền thông phải đi trước để đón đầu, cạnh tranh trong bán hàng. “Việt Nam vẫn là một điểm đến được báo chí Pháp đề cập nhưng cần truyền thông mạnh mẽ hơn, tranh thủ các cơ hội hợp tác”, Đại sứ nói và gợi ý các doanh nghiệp lữ hành và các cơ quan quản lý của Việt Nam cần có kế hoạch sớm để quảng bá những điểm đến hấp dẫn của Việt Nam, có logo và khẩu hiệu mới…
“Sau 2 năm xảy ra dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản không vào được Việt Nam nên nhu cầu đang “căng như dây đàn”, chỉ chờ chúng ta “bung cửa” là họ vào. Con số này không hề nhỏ và khả thi nhất, ngay lập tức đáp ứng chính sách mở cửa của Việt Nam cũng như việc kết nối làm ăn, phục hồi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này tại Việt Nam”, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam nêu ý kiến.