Các chương trình liên quan di sản văn hóa: Thận trọng khi thực hiện
Người trẻ yêu di sản
Các bạn trẻ hiện có nhiều ưu thế về sự nhanh nhạy và áp dụng công nghệ để có nhiều phương tiện, cách thức tham gia công cuộc gìn giữ phát huy văn hoá truyền thống.
Có thể kể đến những nhóm trẻ với các dự án tìm hiểu về phong tục tập quán xưa của người Việt, tái hiện những giá trị văn hoá đẹp như trang phục, các loại hình nghệ thuật... Ngoài việc thành lập các hội, nhóm có chung mối quan tâm, nhiều nhóm còn sử dụng phim hoạt hình, truyện tranh tự sáng tác để lồng ghép các yếu tố lịch sử, văn hoá Việt.
Nhiều dự án dài hơi cũng được thực hiện bởi các bạn trẻ và các nhà đầu tư nghệ thuật. Như dự án “Trường Ca Kịch Viện” - một chuyên trang đời sống online, khai thác các đề tài ẩm thực, xã hội, thời trang, lịch sử, văn hóa - nghệ thuật Việt Nam, với khoảng 30 thành viên là sinh viên các trường đại học trong nước và quốc tế. Trong hơn 3 năm hoạt động, dự án nhận được sự ủng hộ lớn từ phía cộng đồng, có sức lan toả trên mạng và nhận được sự giúp đỡ ủng hộ của nhiều các nghệ sĩ gạo cội.
Dự án sách ảnh nghệ thuật “Gánh hát lưu diễn muôn phương” của một nhóm bạn trẻ được thành lập năm 2021 nhằm giới thiệu 30 loại hình diễn xướng và lễ hội dân gian đặc sắc trên mọi miền đất nước. Dự án được định hướng, hỗ trợ bởi các nhà nghiên cứu, những người có chuyên môn và các nghệ sĩ tên tuổi.
Có thể kể đến nhiều dự án khác như “Cải lương trăm năm nguồn cội” do NSND.TS. Bạch Tuyết chủ trì và đông đảo người trẻ tham gia, ủng hộ. Dự án “Tiếp bước trăm năm” truyền dạy cải lương miễn phí cho trẻ em và thanh, thiếu niên do các thầy cô Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP HCM và các nghệ sĩ cải lương thực hiện, với sự tham gia của nhiều người trẻ. Dự án “Đoạn trường vinh hoa”, Talkshow “Chiếu Xẩm - Xưa và Nay”...
Còn không ít những chương trình nhỏ do các bạn trẻ thực hiện như những buổi chiếu phim miễn phí về văn hoá, nghệ thuật cổ truyền, một số quán cà phê biểu diễn định kì âm nhạc dân tộc...
Điểm khác biệt trong các chương trình do người trẻ thực hiện hoặc tham gia là sự tôn vinh di sản, tôn vinh văn hoá cổ truyền dân tộc dưới một góc nhìn mới, trẻ trung, mang đầy hơi thở thời đại, đặc biệt dễ đến gần hơn với các khán giả trẻ.
Cần có chiều sâu văn hóa
Tuy nhiên, khi thực hiện các dự án về văn hoá dân tộc, sự nhiệt tình là chưa đủ. Để góp phần gìn giữ, phát huy di sản văn hoá, các bạn trẻ phải thực sự nghiêm túc, tìm hiểu, tích luỹ kiến thức, có chiều sâu về văn hoá, thấu hiểu và trân trọng các giá trị văn hoá cổ truyền. Nhiều ý kiến cho rằng, thái độ khi thực hiện các dự án này cũng rất quan trọng bởi nó liên quan trực tiếp đến cảm tình, đón nhận của công chúng đối với dự án.
Mới đây, một chương trình được đánh giá có mục đích tốt là “Trăm năm sân khấu” nhưng lại vướng lùm xùm không đáng có về cách thực hiện. Chương trình này của Vietcetera, là dự án khơi dậy tình yêu của khán giả với các loại hình sân khấu, nhất là sân khấu dân tộc như cải lương. Hình thức thực hiện là các talk show về nghệ thuật dân tộc, mỗi số người dẫn chương trình sẽ trò chuyện với một nghệ sĩ.
Tuy nhiên, chương trình mới phát sóng mấy số đã nhận làn sóng chỉ trích từ khán giả. Nhiều người cho rằng cách dẫn của MC gây phản cảm, thiếu tế nhị khi liên tục ngắt lời các nghệ sĩ gạo cội, đưa những kiến thức sai với cách nói “gây sốc” trong cuộc trò chuyện. Ngoài ra, chương trình còn bị nhóm Hiếu Văn Ngư tố tự ý sử dụng tư liệu về hát bội trong dự án Hát bội 101 của nhóm này. Nhóm thực hiện “Trăm năm sân khấu” đã gửi lời xin lỗi đến khán giả, đồng thời hứa thay đổi, sửa chữa để chương trình hoàn thiện hơn.
Trường hợp trên có thể xem là một bài học kinh nghiệm cho nhiều nhóm bạn trẻ khi bắt tay thực hiện các dự án tôn vinh văn hoá dân tộc. Ở một chiều khác, có ý kiến cho rằng công chúng cũng nên có cái nhìn nhẹ nhàng, cảm thông hơn, khuyến khích tinh thần của những người trẻ dám dấn thân, dám nghĩ, dám làm để góp sức bảo tồn di sản văn hóa cha ông để lại.