Các cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đại đoàn kết: Đồng lòng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội
Các cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phát huy tinh thần đại đoàn kết vừa ra mắt mới đây đã được đông đảo các tầng lớp cán bộ, đảng viên và Nhân dân đón nhận, đánh giá cao.
Cuốn sách “Cả nước đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” dày hơn 500 trang. Nội dung của cuốn sách được tuyển chọn từ các bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng tại các hội nghị Trung ương, hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các vùng đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045. Cuốn sách còn tập hợp các phát biểu chỉ đạo trong các chuyến thăm, buổi làm việc với một số địa phương, cũng như những chỉ đạo của Tổng Bí thư đối với các lĩnh vực, các lực lượng, với từng ngành, thể hiện quyết tâm khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cuốn sách là cẩm nang với những định hướng chiến lược, những chỉ đạo hoạt động thực tiễn sâu sát, gợi mở quan trọng để các cấp, ngành, địa phương, lực lượng, cơ quan, đơn vị, tổ chức và từng cấp ủy, cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân quán triệt, nâng cao nhận thức, quyết tâm hành động với tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, cả nước chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tạo thế và lực mới cho sự phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Còn cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gồm bài tổng quan và 75 bài nói, bài viết, bài phát biểu tiêu biểu, bài trả lời phỏng vấn, thư, lời kêu gọi cùng với 142 bức ảnh tiêu biểu phản ánh sinh động các chuyến thăm và làm việc ở địa phương, cơ sở... của Tổng Bí thư. Cuốn sách đã thể hiện tư duy nhất quán của người đứng đầu Đảng ta về xây dựng, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, được minh chứng qua việc thực hiện phong phú, với sự chỉ đạo rất sâu sát, cụ thể của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với từng giai cấp, tầng lớp, với các tổ chức, với Nhân dân Việt Nam trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, bà rất tâm đắc với bài viết “Người hạnh phúc nhất là người mang lại hạnh phúc cho nhiều người” trong nội dung của cuốn sách “Cả nước đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”. Đây là bài phát biểu của Tổng Bí thư tại cuộc gặp Chủ tịch Ủy ban MTTQ các xã và Trưởng ban công tác Mặt trận tiêu biểu mà qua đó cá nhân Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tìm thấy rất nhiều điều có ý nghĩa quan trọng cho công việc của mình. Trong bài viết này, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh đến tính cố kết cộng đồng như là động lực và nguồn lực vô cùng to lớn của đất nước.
Người đứng đầu Đảng ta yêu cầu cán bộ Mặt trận Tổ quốc phải đặt tư tưởng “dân là gốc” làm nền tảng cốt lõi cho hoạt động ở tất cả các cấp, để từ đó tiếp tục gắn bó sâu sát hơn nữa với cơ sở, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình hình Nhân dân để tham mưu, kiến nghị kịp thời, đầy đủ tới cấp ủy đảng, chính quyền. “Trong bài viết, Tổng Bí thư cũng có những hướng dẫn rất cụ thể cho cán bộ cấp cơ sở và tôi đặc biệt tâm đắc với phương châm “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” và lời động viên “những gì chúng ta làm, cống hiến sẽ được người dân ghi nhận”, bà Nguyễn Thị Minh Hương chia sẻ.
Nói về cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc”, Trưởng Ban Dân chủ, Giám sát và phản biện xã hội (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) Nguyễn Quỳnh Liên nhấn mạnh, đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Từ khi ra đời, Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn coi trọng việc xây dựng, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, các tầng lớp Nhân dân không phân biệt thành phần, giai cấp, dân tộc, tôn giáo, tập hợp đoàn kết trong Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giành thắng lợi lịch sử trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 và các cuộc kháng chiến cứu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày nay, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đang tiếp tục phát huy cao độ, trở thành động lực của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Ðại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là bài học lớn của cách mạng Việt Nam. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” đang là động lực, kết nối sức mạnh vô địch của toàn dân tộc Việt Nam. Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Qua cuốn sách của Tổng Bí thư, chúng ta thấy rõ đường lối chủ trương của Ðảng, Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện và thể chế hóa bằng các chính sách, pháp luật. Những người làm công tác Mặt trận càng nhận thức sâu sắc hơn, tự hào hơn về vai trò của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể Nhân dân trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước. Các tầng lớp Nhân dân càng quyết tâm chung sức, chung lòng cùng Ðảng, Nhà nước vượt qua khó khăn, thử thách, giữ vững sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống Nhân dân, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới.