Các hãng xe công nghệ sẽ "mạnh tay" với tài xế vi phạm giao thông
Cùng với sự phát triển của các ứng dụng gọi xe, dịch vụ xe "ôm" công nghệ cũng trở nên quen thuộc với nhiều người. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng các tài xế công nghệ lái xe ẩu, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều đang diễn ra ngày càng phổ biến khiến nhiều người bức xúc.
Theo ghi nhận của phóng viên, ở nhiều ngã ba, ngã tư, xe "ôm" công nghệ dừng chờ đèn đỏ nhưng đứng vượt quá đường kẻ vạch liền quy định. Thậm chí còn chắn ngay vạch sang đường của người đi bộ.
Khi tất cả các phương tiện khác đang dừng đỗ chờ đèn tín hiệu chuyển sang màu xanh, một số lái xe "ôm" công nghệ giữ nguyên tay ga như một thói quen, vượt qua ngã tư mà không cần quan sát trước sau.
Những thanh sắt dài cũng được một tài xế xe công nghệ nhận chở
Không những thế, dù các biển báo cấm đường, cấm đi ngược chiều đã được đặt ở vị trí tương đối rõ ràng nhưng một số lái xe công nghệ vẫn đi vào vì muốn rút ngắn quãng đường di chuyển.
Việc các tài xế xe ôm công nghệ vi phạm luật giao thông không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho chính lái xe cùng những hành khách mà còn nguy hiểm tới các phương tiện khác đang lưu thông trên đường.
Để hạn chế tài xế vi phạm luật giao thông nhiều hãng xe công nghệ đã đưa ra bộ quy tắc, yêu cầu tài xế tham gia khóa đào tạo cơ bản trước khi cấp phép sử dụng ứng dụng, bên cạnh đó, có chế tài riêng đối với lái xe vi phạm.
Cụ thể, đối với hãng xe công nghệ Grab, đơn vị này cho biết, trước khi tham gia nền tảng Grab, tất cả đối tác tài xế cần hoàn thiện hồ sơ cá nhân, tham gia đầy đủ các lớp huấn luyện về dịch vụ do Grab tổ chức như quy định lái xe an toàn, quy tắc ứng xử...
Sau khi hoàn tất các thủ tục bắt buộc và các chương trình tập huấn của Grab, đối tác đăng kí mới chính thức trở thành đối tác tài xế Grab.
“Hằng tuần, Grab sẽ cập nhật báo cáo lái xe an toàn trên ứng dụng Grab Driver của đối tác tài xế. Báo cáo này bao gồm các cập nhật liên quan đến tốc độ điều khiển phương tiện giao thông trong quá trình hoạt động của đối tác, giúp các đối tác tài xế tham khảo và chủ động cải thiện các kỹ năng điều khiển phương tiện của mình.
Trong trường hợp phát hiện đối tác tài tài xế có hành vi vi phạm Luật giao thông, Grab sẽ áp dụng chế tài phù hợp được quy định trong bộ quy tắc ứng xử đã được đối tác cam kết thực hiện, với mức xử lý cao nhất là ngưng vĩnh viễn quyền sử dụng ứng dụng Grab” - đại diện Grab nói.
Trong khi đó, tất cả các đối tác tài xế khi đăng ký gia nhập Gojek cũng đều cần trải qua một khoá đào tạo, bao gồm các quy tắc cộng đồng.
“Theo quy tắc cộng đồng của Gojek, các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam, bao gồm các Luật Giao thông đường bộ thuộc nhóm hành vi không được phép. Hình thức xử lý cao nhất đối với những tài xế vi phạm là khóa vĩnh viễn tài khoản” - đại diện Gojek cho biết.
Tại ngã tư Láng - Lê Văn Lương, hàng chục tài xế xe ôm công nghệ vi phạm Luật Giao thông đường bộ
Tương tự với hãng Be, phía công ty luôn có chương trình đào tạo bắt buộc đầu vào về quy tắc ứng xử, chất lượng dịch vụ, tập huấn nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông theo quy định của pháp luật cho lực lượng tài xế mới.
Bên cạnh đó, Be cũng cung cấp các chương trình tái đào tạo cho tài xế vi phạm lần 1 và lần 2.
Theo đại diện Be, hiện có nhiều cách để khách hàng có thể linh hoạt phản ánh các hành vi vi phạm cho Be như đánh giá sao sau chuyến đi, gọi điện trực tiếp lên tổng đài, chat với nhân viên hỗ trợ.
“Đối với các vi phạm luật an toàn giao thông như: Vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều, lạng lách, đánh võng, không sử dụng mũ bảo hiểm, sử dụng điện thoại khi lái xe…trong quá trình cung cấp dịch vụ Be.
Be hiện áp dụng các chế tài cảnh báo và khóa tài khoản 3 ngày đối với tài xế đối tác vi phạm lần 1; Cảnh báo và khóa tài khoản 7 ngày đối với tài xế đối tác vi phạm lần 2; Khoá tài khoản vĩnh viễn đối với tài xế vi phạm lần 3” - đại diện Be nói.
Theo Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm giao thông, đặc biệt là đi ngược chiều, các đội cảnh sát giao thông đã bố trí lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát để xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho người dân, góp phần bảo đảm an toàn giao thông.
Tuy nhiên, từ những vi phạm thực tế cho thấy, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân. Nếu mỗi người cùng nâng cao nhận thức thì việc tham gia giao thông sẽ an toàn và góp phần xây dựng văn hóa giao thông tốt hơn.