Các hoạt động nhân đạo, từ thiện của hội Chữ thập đỏ Việt Nam: Góp phần xây dựng xã hội giàu tình người và lòng nhân ái
Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Nhân đạo, từ thiện là thước đo của văn minh và sự tiến bộ xã hội
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, vào năm 1946, Bác Hồ đã sáng lập ra Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và chính Người là Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội từ năm 1946 đến năm 1969. Vinh dự và tự hào được thừa hưởng và kế thừa, phát huy truyền thống nhân ái, nhân văn tốt đẹp ấy, đến nay HộiChữ thập đỏ Việt Nam đã trở thành một tổ chức hoạt động nhân đạo lớn mạnh với gần 7,2 triệu cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh, thiếu niên “Chữ thập đỏ”, hoạt động tại 11.925 tổ chức Hội cơ sở.
Qua nhiều phong trào, với nhiều hình thức, thu hút nghĩa cử cao đẹp, các cấp hội và hàng vạn hội viên với bầu nhiệt huyết vì cộng đồng, với tinh thần “Thương người như thể thương thân” đã trợ giúp hàng chục triệu người có hoàn cảnh khó khăn, người bị tổn thương vươn lên trong cuộc sống bằng cả tinh thần và vật chất vớisố tiền hơn 23 nghìn tỷ đồng. Trong rất nhiều sự trợ giúp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm dành cho người có hoàn cảnh khó khăn thì sự trợ giúp từ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam luôn là điểm sáng.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch danh dự của HộiChữ thập đỏ Việt Nam khóa X, gửi tới toàn thể các đại biểu về dự Đại hội XI của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhiệm kỳ 2022 - 2027 cũng như toàn thể hội viên Hội Chữ thập đỏ trong cả nước những tình cảm thân thiết, lời thăm hỏi chân tình và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Tổng Bí thư khẳng định, nhân đạo, từ thiện là một nét đẹp, một truyền thống quý báu của dân tộc ta, được trao truyền từ đời này qua đời khác, thể hiện tình yêu thương,sự quý trọng và bảo vệ con người; là sự trợ giúp đầy tình người về vật chất, tinh thần… cho những người gặp nạn hoặc kém may mắn trong xã hội; là chỉsố, thước đo của văn minh và sự tiến bộ xã hội. Trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện đầy ý nghĩa đó, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam giữ một vai trò, vị trí hết sức quan trọng.
Tổng Bí thư Nguyễn PhúTrọng đánh giá cao Hội Chữ thập đỏ các cấp trong nhiệm kỳ vừa qua trong điều kiện cả nước có nhiều khó khăn, đã có rất nhiều cố gắng, nỗ lực hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của mình; góp phần chuẩn bị tốt mọi mặt cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Hội với tinh thần nhất quán: Khoa học, dân chủ, đổi mới, thiết thực, bám sát tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của Hội Chữ thập đỏ. Việc chuẩn bị Văn kiện Đại hội đã được xin ý kiến từ cơ sở, thông qua đó, không chỉ có thêm nhiều ý kiến đóng góp hoàn thiện Văn kiện, mà còn tạo ra một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các cấp Hội về những nhiệm vụ của Hội trong 5 năm tới, tạo dấu ấn đậm nét trong nhân dân, trong xã hội về vai trò và sự đóng góp, sự phát triển lớn mạnh của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Tổ chức các phong trào bài bản, thiết thực hơn
Định hướng về nhiệm vụ của Hội trong 5 năm tới, Tổng Bí thư nhấn mạnh, uy tín của Hội là nguồn lực to lớn, là nhựa sống, là sức sống của tổ chức Hội. Uy tín của Hội không phải tự nhiên mà có, mà là từ hình ảnh, thái độ, hành động, sự rèn luyện, phấn đấu toàn tâm, toàn ý của đội ngũ cán bộ Hội và hội viên đối vớisự nghiệp nhân đạo; là từ mỗi kết quả mà hoạt động của Hội mang đến cho người nghèo, đóng góp chung cho xã hội.
Hội Chữ thập đỏ phải làm tốt hơn nữa công tác giáo dục, tuyên truyền; tổ chức một cách bài bản hơn, thiết thực hơn, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan của Đảng, Chính phủ, các đoàn thể chính trị - xã hội để tạo ra các phong trào hoạt động nhân đạo, công tác từ thiện. Trong các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nhân đạo, nhân ái luôn luôn là giá trị cốt lõi, nổi trội, xuyên suốt. Do đó, sự thành công của Phong trào này sẽ là sự đóng góp to lớn về mặt tinh thần trong xây dựng xã hội giàu tình người và lòng nhân ái.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đề nghị tổ chức thật tốt Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, làm thế nào để mọi người có hoàn cảnh khó khăn, người bị tổn thương, người yếu thế đều nhận được sự trợ giúp từ Hội. Nếu Phong trào “Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái” là sự đóng góp về mặt đạo đức, tinh thần thì Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” là sự đóng góp thiết thực về mặt vật chất dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn; thường xuyên chăm lo các phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, có sức sống vững bền trong đời sống xã hội, trong nhân dân.
Nhấn mạnh tổ chức Hội được Bác Hồ sáng lập và làm Chủ tịch danh dự đầu tiên; đó là niềm vinh dự, tự hào và sự động viên, khích lệ hết sức to lớn đối với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Tổng Bí thư đề nghị mỗi cán bộ, hội viên đến toàn Hội cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc ý nghĩa đó để ra sức phấn đấu, nỗ lực làm việc với tinh thần “thương người như thể thương thân”, đầy lòng nhân ái, vị tha, hết lòng, hết sức, để tiếp tục phát huy vai trò và uy tín của Hội ngày càng cao.
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 242 ra ngày 30/8/2022)