Các khoản thu đầu năm học: Không thể 'đến hẹn lại lên'
Nắm rõ quy định những khoản được và không được phép thu
Trong công văn gửi giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) các tỉnh, thành ngày 29/8 về việc triển khai một số hoạt động đầu năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục đào tạo (GDĐT) đã nhấn mạnh về việc công khai các khoản thu, chi, thực hiện đúng các quy định về quản lý thu, chi tài chính.
Cụ thể, những khoản đầu năm học 2022 nhà trường được phép thu theo quy định của ngành giáo dục và từng địa phương bao gồm học phí, bảo hiểm y tế, dạy thêm, học thêm trong nhà trường (thỏa thuận giữa cha mẹ với nhà trường), quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, tiền ăn, chăm sóc bán trú, trang thiết bị phục vụ bán trú, học 2 buổi/ngày, học phẩm cho học sinh mầm non, nước uống học sinh.
Trong đó, mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) của học sinh là 563.220 đồng/năm. Tiền nước uống tùy từng tỉnh, thành quy định, như các trường của Hà Nội đang thu tối đa là 12.000 đồng/học sinh/tháng. Tiền ăn, chăm sóc bán trú, trang thiết bị phục vụ bán trú… thực hiện tùy quyết định của từng tỉnh, thành. Đơn cử, tại Hà Nội, tiền ăn nhà trường thỏa thuận với cha mẹ học sinh; chăm sóc bán trú tối đa 150.000 đồng/tháng/học sinh; trang thiết bị phục vụ bán trú: Mầm non tối đa 150.000 đồng/học sinh/năm học, tiểu học, THCS tối đa 100.000 đồng/học sinh/năm học.
Riêng đối với các khoản viện trợ, quà, biếu, tặng, cho, Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT quy định nhà trường được vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ để thực hiện các nội dung trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học;… Thông tư quy định cụ thể không vận động tài trợ để chi trả thù lao giảng dạy; các khoản chi liên quan trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và nhân viên, các hoạt động an ninh, bảo vệ; thù lao trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh…
Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều vụ việc được phát hiện tại các địa phương cho thấy, vẫn có những trường vi phạm quy định trong việc thu các khoản xã hội hóa. Trong đó, điển hình là các vi phạm với biểu hiện “cào bằng” trong vận động tài trợ như trong vụ việc vận động xây dựng trạm biến áp tiền tỷ tại Trường THPT Lê Chân (Hải Phòng). Nhà trường sau đó đã phải dừng việc triển khai thực hiện vận động và hoàn trả 631.200.000 đồng đã huy động được từ phụ huynh và cán bộ, nhân viên nhà trường cho sự việc này.
Từ kinh nghiệm của người quản lý cơ sở giáo dục đào tạo lâu năm, ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) cho biết, với các trường ngoài công lập, các khoản đóng góp hiếm khi là vấn đề gây bức bối, bởi khi cho con em học tập tại các trường tư, phụ huynh đã tìm hiểu kỹ cơ chế vận hành của nhà trường. Họ ý thức đầy đủ và sẵn sàng về mức độ đóng góp và cơ hội con em mình được thụ hưởng sản phẩm giáo dục dựa trên cơ chế thị trường. Những khoản thu phát sinh cũng được công khai và dựa trên thỏa thuận với phụ huynh. Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động rất công khai, minh bạch, phụ huynh thẳng thắn nói nếu không đồng tình nên không gây ra bức xúc dồn nén, tạo ra khó xử giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh.
Công khai trên website, đồng thuận từ phụ huynh
PGS. TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho biết, từ cuối năm 2017, Bộ GDĐT đã ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó có quy định thu chi tài chính. “Quy chế đã có hiệu lực thi hành từ lâu, nhưng hầu hết các trường chỉ thực hiện một vài đầu mục, còn chủ yếu là thông báo những khoản thu trong các cuộc họp phụ huynh đầu năm học. Rất khó để tìm các nội dung này trên website” - ông Nhĩ nói và cho rằng trong thời đại chuyển đổi số hiện nay, việc công khai trên website là cần thiết. Đồng thời, các giao dịch cần thực hiện qua số tài khoản công khai của nhà trường, không để giáo viên hoặc nhân viên nhà trường thu mà không có biên lai sẽ hạn chế được các khoản thu sai quy định.
Ông Phùng Ngọc Oanh - Trưởng phòng GDĐT huyện Ba Vì (Hà Nội) cho biết, sau khi có hướng dẫn của ngành về quy định các khoản thu, phòng GDĐT huyện đã nhanh chóng triển khai tới các trường và yêu cầu các trường tổ chức họp phụ huynh để thông tin sớm cho phụ huynh. Việc tổ chức họp phụ huynh, trao đổi trực tiếp giữa phụ huynh và nhà trường sẽ giúp cho việc thu chi các khoản công khai, minh bạch, đồng thời, các nhà trường cũng linh hoạt trong việc thực hiện các khoản thu.
Bà Mai Oanh (Khu đô thị Xa La, Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, ngoài những trường hợp gia đình có hoàn cảnh khó khăn hộ nghèo, cận nghèo, gia đình hai vợ chồng là viên chức như chị, đầu năm học xoay xở đóng tiền học cho con chỉ 2 cháu thôi cũng lên đến hàng chục triệu đồng bao gồm quần áo đồng phục, sách vở… “Tuy ban đại diện phụ huynh nói không cào bằng nhưng chỉ có mức đóng tối thiểu và một số phụ huynh tự nguyện đóng góp cao hơn, không có lựa chọn khác. Giá như trước khi đưa ra kế hoạch thu chi quỹ lớp… có phần thảo luận trên nhóm chat của lớp thì tốt hơn” - bà Oanh bày tỏ.
Chia sẻ quan điểm này, TS Nguyễn Văn Đáng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cũng đề xuất, thay vì đưa thẳng các mục đóng góp ra biểu quyết tại các cuộc họp đông người, các hội phụ huynh nên tiến hành thăm dò từng bậc cha mẹ trước khi dự định phát động đóng góp. Hình thức họp phụ huynh và biểu quyết tập thể cho các khoản thu chỉ nên tổ chức khi biết chắc rằng đại đa số phụ huynh đồng thuận. Đây là cách làm giúp giảm áp lực đám đông lên tâm lý phụ huynh, khuyến khích họ bày tỏ trung thực nhu cầu và thái độ đối với các khoản phụ thu.