Các nước Arab kêu gọi Hamas-Israel kéo dài thỏa thuận ngừng bắn
Ngày 22/11, Ngoại trưởng các nước Arab đã hoan nghênh thỏa thuận tạm thời ngừng bắn và trao trả con tin giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel.
Tuyên bố của các ngoại trưởng nhấn mạnh thỏa thuận này là bước đi đầu tiên hướng tới việc chấm dứt hoàn toàn các hoạt động thù địch, đồng thời kêu gọi gia hạn thỏa thuận này để có thêm thời gian cung cấp viện trợ đến Dải Gaza.
Trước đó cùng ngày, Hamas và Israel đã đạt thỏa thuận về trao trả con tin, trong đó nhất trí ngừng bắn hoàn toàn ở Gaza trong vòng 4 ngày.
Theo các điều khoản của thỏa thuận, trong thời gian ngừng bắn, phía Hamas sẽ trả tự do cho 50 con tin mà lực lượng này giam giữ, bắt đầu từ ngày 23/11. Trong khi đó, Israel cũng sẽ phóng thích 150 tù nhân người Palestine.
Phát biểu tại buổi họp báo chung ở London, ngoại trưởng các nước Arab gồm Saudi Arabia, Ai Cập và Jordan bày tỏ hy vọng rằng thỏa thuận là bước mở đầu để cuối cùng dẫn đến việc nối lại các cuộc đàm phán về giải pháp hai nhà nước, dựa trên các nguyên tắc đã được cộng đồng quốc tế thiết lập.
Ngoại trưởng Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud nhấn mạnh sự cần thiết duy trì và mở rộng hoạt động viện trợ nhân đạo, đồng thời cho rằng hoạt động này không nên bị phụ thuộc vào các đợt trả tự do cho con tin tiếp theo.
Hiện ngoại trưởng các nước Arab đang dẫn dắt một nhóm gồm chủ yếu các nước Hồi giáo triển khai các tiếp xúc ngoại giao với các đồng minh chủ chốt của Israel và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, để thúc đẩy chấm dứt xung đột giữa Israel và Hamas.
Truyền thông Trung Đông đưa tin Phong trào Hồi giáo Hamas xác nhận lệnh ngừng bắn tạm thời giữa lực lượng này và Israel sẽ có hiệu lực từ 10h sáng 23/11 (theo giờ địa phương).
Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đánh giá cao nỗ lực trung gian của Qatar, với sự hỗ trợ của Ai Cập và Mỹ, trong việc đạt được thỏa thuận, đồng thời khẳng định đây là bước đi đúng hướng quan trọng.
Tuy nhiên, ông Guterres cho rằng vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa để chấm dứt cuộc xung đột Hamas-Israel.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng thỏa thuận sẽ giúp tiến tới chấm dứt hoàn toàn cuộc xung đột càng sớm càng tốt.
Trong một thông báo ngày 22/11, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá thỏa thuận là bước đi mang tính tích cực, có thể giúp kích hoạt một lộ trình để đạt được hòa bình toàn diện, lâu dài và công bằng, dựa trên giải pháp hai nhà nước theo luật pháp quốc tế.
Thỏa thuận này được xem là bước đột phá lớn đầu tiên trong các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột ở Dải Gaza, qua đó giúp mở đường cho hàng trăm xe viện trợ nhân đạo, thuốc men và nhiên liệu đi vào tất cả các khu vực ở Dải Gaza./.