Các phụ nữ Ấn Độ phẫn nộ đốt nhà nghi phạm trong vụ tấn công tình dục ở Manipur
Nghi phạm này bị cáo buộc đã đưa hai phụ nữ bộ lạc trên đường phố vào tháng 5 vừa rồi và xúi giục một đám đông cưỡng hiếp họ, sau đó còn ép những phụ nữ này khỏa thân đi trên đường.
Vụ tấn công tình dục đã diễn ra cách đây hơn hai tháng, và nó chỉ thu hút sự chú ý của cả nước sau khi một đoạn video về vụ việc đáng lên án này lan truyền trên mạng xã hội trong tuần qua, gây ra sự phẫn nộ ở Manipur cũng như trên toàn đất nước Ấn Độ.
Nghi phạm chính, một cư dân Manipur, đã bị bắt hôm thứ Năm vừa rồi vài giờ sau khi Thủ tướng Narendra Modi lên án vụ tấn công là "đáng xấu hổ" và hứa sẽ có hành động cứng rắn. Ba người khác cũng bị bắt và cảnh sát đang truy tìm ít nhất 30 người khác liên quan đến vụ án.
Hemant Pandey, một quan chức cảnh sát cấp cao ở thủ phủ Imphal, cho biết: “Những phụ nữ địa phương đã ném đá và đốt một số phần trong ngôi nhà của thủ phạm trong một ngôi làng. Chúng tôi yêu cầu phụ nữ phản đối một cách ôn hòa để không khiến tình hình trở nên bất ổn hơn. Chúng tôi hiểu cơn thịnh nộ của họ", ông nói.
Theo thông tin của cảnh sát được đưa ra vào tháng 5, một đám đông có vũ trang đã phá hoại một số ngôi nhà và đốt chúng thành tro trong một ngôi làng ở quận Kangpokpi trước khi tấn công các thành viên thuộc bộ lạc Kuki.
Sau đó, đám đông này đã tấn công tình dục hai phụ nữ ở độ tuổi 21 và 19. Vụ tấn công đã được các nạn nhân báo cáo vào tháng 5, trong bối cảnh bang Manipur đang chứng kiến các cuộc đụng độ sắc tộc dữ dội.
Cuộc chiến bắt nguồn từ lệnh của tòa án rằng chính quyền nên xem xét mở rộng các đặc quyền của người dân bộ lạc thiểu số Kuki, vì chúng ít hơn so với người dân sắc tộc Meitei vốn chiếm đa số ở bang này.
Ít nhất 125 người đã thiệt mạng và hơn 40.000 người phải rời bỏ nhà cửa kể từ khi bạo lực bùng phát. “Chúng tôi muốn biết tại sao cảnh sát không hành động nhanh chóng khi họ biết rằng phụ nữ bị hãm hiếp và diễu hành khỏa thân ở Manipur”, Radhika Burman, một sinh viên ở Kolkata, cho biết trong một cuộc biểu tình.
Hàng trăm người biểu tình ở thành phố Bengaluru đã tuần hành, với một số biểu ngữ có nội dung: "Cơ thể phụ nữ không phải là bãi chiến trường". Các cuộc biểu tình tương tự đã được tổ chức ở thành phố Bhubaneswar và ở một số trường đại học trên cả nước.