Các quốc gia gấp rút đưa nhân viên sứ quán rời Sudan, Mỹ cử đặc nhiệm giải cứu công dân
Cuộc giao tranh nổ ra 8 ngày trước giữa quân đội và nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) đã giết chết hàng trăm thường dân và khiến hàng nghìn người mắc kẹt trong nhà.
Việc sơ tán diễn ra khó khăn
Các video truyền hình trực tiếp vào Chủ nhật cho thấy khói dày đặc bao trùm thủ đô Khartoum với tiếng súng vang lên ở một số khu vực. Thường dân Sudan cố gắng chạy trốn và các nước cố gắng đưa người dân của mình rời khỏi quốc gia có diện tích lớn thứ 3 châu Phi này.
Các bên tham chiến cáo buộc nhau tấn công một đoàn xe chở công dân Pháp, cả hai đều nói rằng một người Pháp bị thương. Bộ Ngoại giao Pháp trước đó cho biết họ đang sơ tán nhân viên ngoại giao và công dân.
Quân đội Sudan cũng cáo buộc RSF đã tấn công và cướp bóc một đoàn xe của Qatar đang hướng đến Cảng Sudan. Ai Cập cho biết một thành viên trong phái bộ của họ ở Sudan đã bị thương do trúng đạn, nhưng không đưa ra thông tin chi tiết.
Tổng thống Joe Biden cho biết chính quyền của ông đang tạm dừng hoạt động Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Khartoum và nhắc lại lời kêu gọi các bên ngừng bắn tại Sudan.
Giao tranh nổ ra ở Khartoum, cùng với các thành phố lân cận là Omdurman và Bahri, và các vùng khác của Sudan vào ngày 15 tháng 4, chỉ bốn năm sau khi nhà độc tài cầm quyền lâu năm Omar al-Bashir bị lật đổ trong một cuộc nổi dậy của quần chúng.
Quân đội Sudan và lực lượng RSF đã cùng tổ chức một cuộc đảo chính nhưng đã thất bại trong quá trình đàm phán thành lập một chính phủ dân sự và tích hợp RSF vào các lực lượng vũ trang.
Nguy cơ chiến sự leo thang
Quân đội dưới quyền Tướng Abdel Fattah al-Burhan và RSF, đứng đầu là Mohamed Hamdan Dagalo, còn được gọi là Hemedti, đã không tuân thủ các thỏa thuận ngừng bắn, bao gồm cả thỏa thuận ngừng bắn ba ngày cho ngày lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo, bắt đầu vào thứ Sáu.
Tướng Burhan cho biết hôm thứ Hai rằng ông đóng quân tại trụ sở quân đội, cách cung điện khoảng 2 km. Các trận chiến vẫn tiếp diễn xung quanh trụ sở của quân đội ở trung tâm Khartoum và sân bay.
RSF cho biết hôm Chủ nhật rằng các lực lượng của họ đã bị nhắm mục tiêu bởi các cuộc không kích ở quận Kafouri của thành phố Bahri và hàng chục người đã "chết và bị thương".
Reuters cho biết lực lượng RSF đã được triển khai dày đặc trên các đường phố và trên các cây cầu trên khắp thủ đô, với quân đội có thể nhìn thấy ở các khu vực của Omdurman. Mặt khác, các khu dân cư hầu như không có dân thường và mọi hoạt động xã hội đều bị đình chệ.
Mỹ cử đặc nhiệm giải cứu công dân
Việc Sudan đột ngột rơi vào chiến sự đã phá vỡ các kế hoạch khôi phục chế độ dân sự, đẩy một quốc gia vốn đã nghèo khó đến bờ vực thảm họa nhân đạo và đe dọa một cuộc xung đột rộng lớn hơn có thể thu hút các cường quốc bên ngoài.
Các quan chức Mỹ cho biết lực lượng đặc nhiệm của họ đã sử dụng máy bay bao gồm trực thăng MH-47 Chinook đã tràn vào thủ đô bị tàn phá bởi trận chiến của Sudan vào thứ Bảy từ một căn cứ của Mỹ ở Djibouti, chỉ dành một giờ trên mặt đất để đưa ít hơn 100 người ra ngoài.
Trung tướng Douglas Sims, giám đốc hoạt động của Bộ tham mưu quân đội Mỹ cho biết: “Chúng tôi không gặp bất kỳ hỏa lực vũ khí nhỏ nào trên đường vào và có thể ra vào mà không gặp vấn đề gì”.
Chris Maier, trợ lý bộ trưởng quốc phòng, cho biết quân đội Mỹ có thể sử dụng máy bay không người lái hoặc hình ảnh vệ tinh để phát hiện các mối đe dọa đối với người Mỹ đi trên các tuyến đường bộ ra khỏi Sudan, hoặc bố trí các tài sản hải quân tại cảng Sudan để hỗ trợ người Mỹ đến đó.
Ả Rập Xê Út đã sơ tán công dân khỏi cảng Port Sudan trên Biển Đỏ, cách Khartoum 650 km. Jordan sẽ sử dụng cùng một tuyến đường cho công dân của mình.
Ai Cập, quốc gia có hơn 10.000 công dân ở Sudan, kêu gọi các công dân của họ bên ngoài Khartoum đến lãnh sự quán ở Port Sudan và đến văn phòng lãnh sự ở Wadi Halfa gần biên giới với Ai Cập.
Ngoài Khartoum, tình trạng bạo lực tồi tệ cũng xuất hiện ở Darfur, khu vực phía tây giáp với Chad, nơi xảy ra xung đột leo thang từ năm 2003 khiến 300.000 người thiệt mạng và 2,7 triệu người phải di tản.
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong bối cảnh tình hình xung đột bạo lực tại Sudan gia tăng, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Sudan cho biết, 16 thuyền viên trên tàu tại cảng Sudan đã rời Sudan. Cho đến ngày 21/4, chỉ còn 1 công dân mang 2 quốc tịch Việt Nam và Australia đang sinh sống tại thủ đô Khartoum.
Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Sudan tiếp tục theo dõi sát tình hình, sẵn sàng triển khai các biện pháp bảo hộ cần thiết, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân Việt Nam.