Các quốc gia quyết liệt bảo vệ văn hóa trên mọi “mặt trận”
Nền công nghiệp văn hóa nằm trong những ngành phát triển nhanh nhất trên thế giới.
Bảo vệ an ninh văn hóa trên không gian mạng
Trong “thế giới phẳng” không chỉ bị giới hạn bởi biên giới và pháp luật quốc gia, những vấn đề liên quan đến quyền riêng tư, quyền kiểm soát dữ liệu và quyền sở hữu trí tuệ trên toàn cầu trở thành một bài toán “đau đầu” với các nhà chức trách và các nhà quản lý trong ngành công nghiệp văn hoá.
Giới chức các quốc gia không chỉ cần phải quan tâm đến việc bảo vệ sự đa dạng ngôn ngữ và văn hoá trực tuyến, tức là vấn đề an ninh văn hoá. Mặt khác, họ cũng phải để tâm đến những người sáng tạo có được trả thù lao xứng đáng hay không, khi “đứa con tinh thần” của họ có thể đang bị sử dụng trái phép ở một nơi nào đó, thậm chí có thể nằm ngoài phạm vi quốc gia và phải cần các chế định quốc tế can thiệp.
Theo thống kê của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), cuộc khủng hoảng từ đại dịch Covid-19 đã xúc tác cho tỷ lệ vi phạm bản quyền phim và truyền hình toàn cầu tăng 33%, đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội, người dân chủ yếu xem phim qua Internet. Trước tình hình đó, vào tháng 5/2020, WIPO đã ra mắt một công cụ theo dõi các chính sách trực tuyến mới nhất của các quốc gia, trong đó có các biện pháp ứng phó và ngăn chặn các hành vi vi phạm trên nền tảng kỹ thuật số.
Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, các khuôn khổ chính sách đã phải “vật lộn” để bắt kịp với tốc độ thay đổi nhanh chóng, “muôn hình vạn trạng” của thị trường số. Liên minh Châu Âu (EU) là một ví dụ điển hình. Năm 2019, EU đã thiết lập bộ khung hướng dẫn và quy định cụ thể trên không gian mạng, trong đó có Chỉ thị về bản quyền trong thị trường kỹ thuật số đã được Nghị viện Châu Âu thông qua. Bên cạnh đó, EU cũng yêu cầu các quốc gia thành viên phải tuân thủ từ 30% trở lên các quy định trong bộ khung này kể từ năm 2021.
Trước đó, vào tháng 6/2017, Tổ chức UNESCO cũng đã ban hành Hướng dẫn hoạt động của UNESCO về việc thực hiện các quy ước quốc tế trong môi trường kỹ thuật số. Hướng dẫn này đưa ra một bộ tiêu chuẩn và nguyên tắc xử sự chung nhằm đảm bảo quyền lợi của người sáng tạo, quyền tự do biểu đạt nghệ thuật và môi trường sáng tạo lành mạnh. Trên cơ sở đó, các quốc gia thành viên của Công ước 2005 đã ban hành các lộ trình quốc gia về thích ứng trong môi trường số, nhằm bảo vệ và phát huy sự Đa dạng trong biểu thị văn hoá.
Đơn cử, kế hoạch phát triển của Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn 2019-2023 đã quy định việc xây dựng các chính sách phát triển cho ngành công nghiệp sáng tạo, trong đó nhấn mạnh lĩnh vực bản quyền và quyền liên quan trong môi trường kỹ thuật số.
Mặt khác, Chính phủ Đức đã áp dụng đánh thuế vào mô hình video theo yêu cầu (VoD) – hệ thống đa phương tiện phổ biến hiện nay, tương tác hoạt động như truyền hình cáp nhưng khách hàng có thể chọn các nội dung video, chẳng hạn như phim và các shows truyền hình, từ một nền tảng dữ liệu lớn.
Bởi hệ thống VoD cung cấp video trực tiếp cho khách hàng cá nhân để họ có thể xem được ngay lập tức, không cần phải tuân theo một lịch phát sóng cụ thể cố định; do vậy Chính phủ Đức cho phép và khuyến khích việc phân phối lại trên phạm vi quốc gia đối với các sản phẩm VoD để đảm bảo tính đa dạng và khả năng tiếp cận khán giả của các bộ phim địa phương.
Cần có một liên minh mạnh mẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân để phát triển ngành công nghiệp văn hóa.
Nỗ lực “cứu” nguồn nhân lực sáng tạo
Theo các chuyên gia, nền kinh tế sáng tạo có cấu trúc độc đáo bởi những chủ thể sáng tạo chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, lao động tự do và lao động hợp đồng phi chính thức.
Chính vì tính “tản mạn”, đôi khi tự phát của những người, tổ chức sáng tạo, nên không ngạc nhiên khi họ thường nằm ngoài “tầm phủ sóng” của các chương trình hỗ trợ của chính phủ. Các sáng kiến cấp nhà nước thường quá rộng và vĩ mô so với những yêu cầu và hoạt động cụ thể của ngành công nghiệp văn hoá tại từng địa phương nhất định.
Đơn cử, theo một cuộc khảo sát mới đây, những người kinh doanh cá thể chiếm gần một nửa tổng số việc làm trong ngành công nghiệp sáng tạo tại hai nước Hà Lan và Ý. Bởi lẽ nhiều dự án văn hoá đều mang tính thời vụ hoặc ngắn hạn nên hầu hết những người lao động trong lĩnh vực này chỉ cộng tác trong một thời gian nhất định. Được biết, đây cũng là hiện trạng chung của 53% chuyên gia và công ty tư nhân trong ngành công nghiệp sáng tạo ở châu Âu.
Mặt khác, ở châu Mỹ Latinh, có khoảng 2,6 triệu việc làm trong ngành công nghiệp văn hoá khu vực này. Khảo sát gần nhất thực hiện tại 10 quốc gia Mỹ Latinh cũng cho thấy những lao động bị ảnh hưởng nhiều nhất trong ngành sáng tạo là những người làm nghề tự do và những người làm việc theo các điều kiện phi chính thức, trong đó có rất nhiều nghệ sĩ và chuyên gia văn hoá.
Dễ thấy nhất, việc ngừng cho biểu diễn trực tiếp và công khai trên toàn cầu đã khiến tiền bản quyền thu được cho các tác giả trên thế giới giảm 30%. Người lao động trong các lĩnh vực sáng tạo thường ở trong tình trạng bấp bênh, dễ bị tổn thương và điều này càng rõ rệt hơn trong bối cảnh đại dịch.
Sự thiệt hại nặng nề đối với các ngành công nghiệp biểu diễn trực tiếp đã ảnh hưởng đến khả năng di chuyển của các nghệ sĩ, khả năng tiếp cận thị trường và tự do nghệ thuật. Cùng với đó là những tác động lớn hơn đối với chuỗi giá trị của các nhà cung cấp và phân phối dịch vụ văn hoá.
Bên cạnh đó, tình trạng cạn kiệt tài năng cũng gây tổn hại cho sự đa dạng văn hóa, vì các nghệ sĩ buộc phải rời bỏ công việc của họ để kiếm sống bằng nghề khác. Điều này cũng được lặp lại trong lĩnh vực bảo tàng, khi 27% các chuyên gia làm việc tự do nói rằng họ có thể cần phải thay đổi nghề nghiệp do hậu quả trực tiếp của cuộc khủng hoảng.
Có thể thấy, ngành công nghiệp văn hoá cũng cần có lộ trình phục hồi sau những thiệt hại nặng nề từ đại dịch. Theo đó, việc tăng cường vị thế của các nghệ sĩ, thợ thủ công và các chuyên gia văn hóa nói chung là một ưu tiên cấp thiết trong quá trình này. Từ hiện trạng, giới chức các nước đang đứng trước “bài toán khó” với việc điều chỉnh chính sách hỗ trợ sao cho phù hợp với bản chất và cấu trúc đặc thù của nền kinh tế sáng tạo và lực lượng lao động trong đó.
Xây dựng những liên minh văn hóa bền vững
Việc điều chỉnh các nền tảng văn hóa toàn cầu là một thách thức quan trọng đòi hỏi phải có đối thoại chính sách rõ ràng, bao gồm cả ở cấp địa phương, quốc gia và liên chính phủ. Tăng cường đa dạng văn hóa trực tuyến, bảo vệ bản quyền và sinh kế của các chuyên gia văn hóa, đồng thời hỗ trợ các quốc gia đầu tư vào chuyển dịch số, phát triển các giải pháp dựa trên những thách thức của đại dịch,… là những vấn đề cấp bách được đưa ra bàn luận tại cuộc họp của các Bộ trưởng Văn hóa tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2021.
Theo đó, ngày càng nhiều đơn vị quốc tế, đặc biệt là các tổ chức tài chính, đã bày tỏ sự quan tâm mới đến việc hỗ trợ nền kinh tế sáng tạo như động lực cạnh tranh, phục hồi sau dịch.
Trong tương lai, một quan hệ đối tác toàn cầu mới được kêu gọi để hỗ trợ nền kinh tế sáng tạo và khai thác sự đóng góp của nó trong các chiến lược phát triển bền vững sau Covid-19. Động thái này đã công nhận tầm quan trọng về mặt kinh tế của văn hóa cũng như thúc đẩy các mối quan hệ đối tác hướng tới sự phục hồi của ngành văn hóa toàn cầu.
Bên cạnh đó, cũng cần có một liên minh mạnh mẽ giữa các cơ quan công quyền, xã hội dân sự và khu vực tư nhân. Những cuộc đối thoại tích cực và bền vững giữa các nhà chức trách với xã hội dân sự chính là bước đệm quan trọng để hoàn thiện chính sách văn hoá phù hợp với thực trạng xã hội và bối cảnh quốc tế. Đây cũng là thông điệp quan trọng từ chiến dịch toàn cầu ResiliArt – “Nghệ thuật kiên cường giữa khủng hoảng đại dịch toàn cầu Covid-19” do UNESCO khởi xướng.
Cuối cùng, việc mở rộng các chương trình dữ liệu quốc gia và quốc tế về công nghiệp văn hoá cũng không kém phần quan trọng, với nhiệm vụ cung cấp thông tin cho việc hoạch định chính sách công của các chính phủ và cân bằng sự “thống trị” của những tập đoàn sở hữu các nền tảng số độc quyền về dữ liệu văn hoá.
Theo đó, Liên Hợp quốc khuyến khích các quốc gia, các tổ chức tài chính đầu tư nhiều hơn vào việc thu thập, sản xuất và phân tích dữ liệu về các kết quả kinh tế và xã hội của lĩnh vực sáng tạo ở cả cấp độ quốc tế, quốc gia và địa phương.