1. Trang chủ /
  2. Cách nào chuyển dịch năng lượng công bằng đạt hiệu quả?

Cách nào chuyển dịch năng lượng công bằng đạt hiệu quả?

thứ năm, 25/1/2024 08:19 GMT+07
Quá trình thực hiện chuyển dịch năng lượng công bằng tại Việt Nam đòi hỏi nhiều thay đổi về chính sách cũng như nguồn tài chính… Trong bối cảnh phát triển còn thiếu nhiều nguồn lực của Việt Nam, sự tham gia hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế đã tạo động lực bước đầu cho tiến trình này.
Quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam cần nhiều nguồn lực từ bên ngoài. (Ảnh: PV). Quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam cần nhiều nguồn lực từ bên ngoài. (Ảnh: PV).

Tiếp tục đẩy mạnh sử dụng tiết kiệm năng lượng

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, dự báo trong 5 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tăng trưởng ở mức khoảng 8,5%/năm, trong khi đánh giá của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam về kế hoạch cung cấp điện giai đoạn 2020 - 2025, việc bảo đảm cung cấp điện trong giai đoạn này sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong trường hợp xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, điển hình như việc thiếu điện tại miền Bắc trong tháng 6/2023.

Theo các chuyên gia, khoảng 2/3 tổng phát thải quốc gia là từ ngành năng lượng (bao gồm năng lượng sử dụng trong sản xuất công nghiệp, điện và vận tải, riêng sản xuất điện tổng mức phát thải chiếm 30% của cả nước), trong đó, năng lượng đặt ra một cơ hội lớn cho tham vọng đạt phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam. Vì vậy, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một giải pháp thiết thực giúp cải thiện hiệu quả nền kinh tế, đồng thời giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược chính sách Công Thương cho biết, quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam bao gồm phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả năng lượng và tiết kiệm năng lượng và giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch (ví dụ thông qua điện khí hoá ngành Giao thông vận tải và dần xóa bò các nhà máy nhiệt điện than). Nhiều nghiên cứu khác nhau đã xác định các “rào cản” chính đối vối quá trình chuyển dịch cơ cấu năng lượng tại Việt Nam, cũng như các bên liên quan chính. Các “rào cản” có thể được chia về các nhóm chính sau: thể chế và chính sách; kinh tế và tài chính; kỹ thuật và cơ sở vật chất và “rào cản” về quan điểm/nhận thức.

Với cam kết đồng hành cùng Việt Nam thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2025, Liên minh Châu Âu (EU) đã thực hiện nhiều hoạt động, chương trình hỗ trợ để Việt Nam có thể thực hiện chuyển dịch năng lượng thành công. Tại phiên họp lần thứ hai của Ban chỉ đạo Chương trình Chuyển dịch Năng lượng Bền vững Việt Nam - EU (SETP), đại diện Bộ Công Thương cho biết, tổng gói tài trợ chương trình chuyển dịch năng lượng bền vững mà EU viện trợ cho Việt Nam có trị giá 142 triệu EUR (trong đó gồm gói hỗ trợ ngân sách viện trợ không hoàn lại trị giá 121 triệu EUR và bốn hợp phần hỗ trợ bổ sung trị giá 21 triệu EUR) đang có tiến độ thực hiện khá hiệu quả.

Cụ thể hơn, đại diện Bộ Công Thương cho biết, đến thời điểm hiện tại, Chính phủ Việt Nam đã gửi báo cáo giải ngân tới EU và giải ngân đợt 1 năm 2022 và đợt 2 năm 2023, đều đạt 100% theo kế hoạch giải ngân. Hiện tại, Bộ Công Thương đang chuẩn bị tài liệu giải ngân đợt 3 và dự kiến sẽ nộp trong tháng 3/2024. Theo các chỉ số giải ngân, dự kiến đợt 3 cũng sẽ đạt được 100% lượng giải ngân như đã cam kết. Tuy nhiên, đối với các chỉ số giải ngân đợt 4, năm 2024, chỉ số về trung tâm đào tạo về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, phòng thí nghiệm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng có khả năng không đạt được. Do đó, Bộ Công Thương đề xuất nhà tài trợ EU sửa đổi các mục tiêu đối với các tiêu chí giải ngân.

Tăng cường khởi nghiệp trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng

Ông Julien Guerrier - Đại sứ EU tại Việt Nam, ghi nhận những nỗ lực đáng kể của Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng xanh và những thành quả mà Chính phủ Việt Nam và các nhà đầu tư khu vực tư nhân đã đạt được. Trong bối cảnh hiện tại, ông Julien Guerrier nhấn mạnh rằng EU đang tích cực hành động thúc đẩy thực hiện chương trình chuyển dịch năng lượng công bằng JETP. Để thực hiện được chuyển dịch năng lượng công bằng cần tăng cường hợp tác, đối thoại ở mức độ quốc gia, cũng như sự tích cực thực hiện của khu vực tư nhân.

Bà Maria Cecilia Pana - đại diện Viện Tăng trưởng Xanh Toàn cầu - GGGI đánh giá, trong quá trình chuyển dịch năng lượng bền vững ở Việt Nam, dự án Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển các sản phẩm và giải pháp sáng tạo về tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, khởi nghiệp ở Việt Nam trong lĩnh vực này vẫn còn mới. Do đó, các bên tham gia cần có biện pháp để tăng tốc chương trình khởi nghiệp, đặt mục tiêu cho 2 nhóm đối tượng là các doanh nghiệp khởi nghiệp đã có sản phẩm, thị trường phù hợp và các doanh nghiệp khởi nghiệp non trẻ để những đối tượng này có động lực sáng tạo tham gia vào lĩnh vực hiệu quả năng lượng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, năm 2024, các bên tham gia thực hiện các dự án chương trình chuyển dịch năng lượng công bằng cần có cơ chế linh hoạt hơn để tháo gỡ khó khăn, sửa đổi điều chỉnh bổ sung về tiến độ và nội dung một cách linh hoạt, tạo điều kiện tối đa cho các chuyên gia thực hiện dự án liên quan để quá trình tiến đến cam kết Net Zero thuận lợi hơn.


Có thể bạn quan tâm