Cách nào gia tăng giá trị xuất khẩu nông sản?
Xuất khẩu nông sản chủ yếu sản phẩm thô
Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT (ngày 15/8), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã thông tin thêm về vấn đề xuất khẩu (XK) nông sản và các biện pháp để thúc đẩy phát triển nông sản XK. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, trong những năm qua, giá trị XK nông, thủy sản của Việt Nam liên tục tăng trưởng, đóng góp không nhỏ vào tổng giá trị XK hàng hóa của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đã XK nông sản sang hơn 200/224 nước và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại, trong đó một số mặt hàng như gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, tôm, cá tra, đồ gỗ… đã chiếm thị phần khá lớn trên thế giới.
“Tuy nhiên, kinh tế nông nghiệp nước ta với quy mô nhỏ lẻ, phân tán nên hoạt động nuôi trồng diễn ra tự phát, manh mún và theo phong trào dẫn đến có lúc không kiểm soát được nguồn cung cho XK” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận và cho rằng, việc tổ chức sản xuất manh mún khiến chất lượng nông - thủy sản không được đồng đều, khó kiểm soát vấn đề an toàn và áp dụng các tiêu chuẩn của quốc tế về truy xuất nguồn gốc.
Ngoài ra, XK nông sản chủ yếu vẫn là sản phẩm thô, chưa có sản phẩm nông sản mũi nhọn có giá trị gia tăng cao và thương hiệu mạnh. Còn thiếu sự liên kết theo chuỗi từ khâu sản xuất, thu gom, chế biến đến tiêu thụ; Thiếu sự liên kết phân công lao động và tổ chức sản xuất nông nghiệp theo lợi thế vùng và địa phương dẫn đến tính chuyên môn hóa thấp, dễ xảy ra ùn ứ cục bộ về nguồn cung vào thị trường.
Các giải pháp nâng cao giá trị nông sản Việt
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương với các giải pháp trọng tâm để nâng cao giá trị XK nông sản Việt.
Trong đó, việc đầu tiên cần phải thực hiện là quyết liệt triển khai các giải pháp để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của ngành; Khẩn trương quy hoạch thành các vùng trồng, vùng nuôi; Áp dụng khoa học công nghệ trong các khâu của quá trình sản xuất. Tăng cường tổ chức sản xuất, XK theo liên kết chuỗi; Tổ chức hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, tập trung; Gắn sản xuất với tín hiệu của thị trường; Liên kết nông dân bằng mô hình hợp tác xã kiểu mới; Các khâu sản xuất, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ được đặt trong một “chuỗi giá trị” với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đàm phán, mở cửa thị trường, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường, bao gồm những thị trường truyền thống và các thị trường mới còn nhiều tiềm năng; Song song đó, xây dựng nội dung đàm phán về mở cửa thị trường, kiểm dịch động - thực vật và các yêu cầu kỹ thuật khác có liên quan cho hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam và các tiêu chuẩn hàng của Việt Nam xuất đi các thị trường khác.
Ngoài ra, thực hiện đấu tranh hiệu quả với những hàng rào kỹ thuật, thương mại bất hợp lý đối với nông sản của Việt Nam để giữ vững thị trường. Theo dõi sát, phát hiện kịp thời hiện tượng gia tăng nhập khẩu đột biến để cùng trao đổi với các bộ, ngành có liên quan nhằm đưa ra các phản ứng chính sách phù hợp, góp phần bảo vệ chính đáng sản xuất trong nước, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Tăng cường cơ chế cảnh báo sớm cho các doanh nghiệp để chủ động phòng tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại ở nước ngoài.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ Công Thương đưa ra giải pháp tổng hợp, hỗ trợ thông tin về thị trường thông qua việc đăng tải, công bố Bản tin thị trường nông, lâm, thủy sản định kỳ hàng tuần trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ. Đây luôn là vấn đề được các hiệp hội ngành hàng nhắc đến trong mỗi cuộc hội thảo, hội nghị bởi hiện nay các doanh nghiệp đều chưa có nhiều kênh để tiếp cận, tìm hiểu nên chưa thể bắt kịp và phản ứng với tín hiệu thị trường, nhu cầu thị trường quốc tế.
Đối với thị trường trong nước, tư lệnh ngành Công Thương cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kết nối giữa nhà cung ứng với nhà phân phối; Tăng cường các hoạt động liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa các địa phương, thúc đẩy các địa phương tiêu thụ sản phẩm của nhau; Kết nối các nhà cung ứng nguyên vật liệu với các nhà chế biến nông sản; Hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng, chỉ dẫn địa lý tại thị trường trong nước chủ động làm việc với các hệ thống phân phối lớn về việc hỗ trợ, tạo điều kiện xây dựng các mô hình sản xuất nông sản theo chuỗi để cung cấp trong hệ thống bán lẻ của mình.
“Ngoài ra, cần hỗ trợ các địa phương xây dựng các đề án đẩy mạnh chuỗi cung ứng nông sản, hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa cả trong nước và thị trường quốc tế” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị.