1. Trang chủ /
  2. Cách nào 'giữ chân' công chức?

Cách nào 'giữ chân' công chức?

thứ tư, 31/8/2022 12:06 GMT+07
(PLM) - Ngoài xin Trung ương tăng thêm biên chế viên chức, công chức cho đơn vị hành chính cơ sở (từ trên 30.000 người/phường, xã), tăng phụ cấp và các chế độ đãi ngộ, TPHCM cũng đang tính toán, sắp xếp lại cơ cấu bộ máy, xây dựng khung quy hoạch...Từ đó kéo giảm tỷ lệ thôi việc của cán bộ, công chức, viên chức.

Sốt ruột vì viên chức nghỉ việc

Tình trạng cán bộ, viên chức, công chức (CB-VCCC) xin nghỉ việc do áp lực công việc và chế độ thu nhập quá thấp đang là vấn đề “nóng” tại đô thị lớn nhất nước. Sau khi báo chí phản ánh, Sở Nội vụ TPHCM đã chính thức công bố con số 6.177 CB-VCCC nghỉ việc theo nguyện vọng tính từ thời điểm đầu năm 2020 cho đến nay. Lý giải cho tình trạng đáng lo ngại này, đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ đưa ra bốn lý do chính, gồm các bất cập trong chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ, cơ hội thăng tiến và áp lực công việc.

Ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết, tình trạng quá tải là rất rõ ràng ở đô thị mới tách lập này. Đó là kể từ sau khi sáp nhập 3 quận (2, 9, TP Thủ Đức, số lượng dân cư lên tới 1,2 triệu người. Trong khi khối lượng công việc tăng lên nhưng 30% CB-VCCC của 3 quận cũ lại bị cắt giảm, dẫn đến sức nặng công việc dồn lên hệ thống bộ máy cơ sở. Đáng chú ý, lãnh đạo TP Thủ Đức chia sẻ, có trường hợp Phó Chủ tịch phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) cũng đã phải xin nghỉ. Trong khi nhiều cán bộ phường này cũng than phiền do thường xuyên phải làm việc đến 8-9h tối và cả thứ bảy, chủ nhật.

Ông Huỳnh Khắc Điệp - Bí thư quận Bình Tân cũng phản ánh, trước đây mỗi phường, xã của quận này có khoảng 53 cán bộ, nhân viên nhưng khi thực hiện Nghị định 34 về tinh giản biên chế, con số này đã giảm chỉ còn 37 biên chế. Sau đó, TPHCM lại thực hiện chính quyền đô thị theo Nghị định 33, dẫn đến số CB-VCCC của quận giảm chỉ còn 35 người. Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất vẫn là tình trạng cán bộ, nhân viên y tế xin nghỉ việc chiếm tỷ lệ rất cao, chỉ trong thời gian rất ngắn.

Ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM đã phải thẳng thắn chia sẻ: “Cá nhân tôi là Giám đốc Sở, ngày nào trên bàn cũng có đơn chờ ký giải quyết nghỉ việc”. Cụ thể, chỉ tính năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, đã có trên 2.000 người nghỉ việc, chủ yếu là bác sĩ và điều dưỡng, dẫn đến việc chưa bao giờ các bệnh viện khó tuyển dụng nhân viên y tế như bây giờ.

Trước tình trạng CB-VCCC nghỉ việc gia tăng, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ nhằm báo cáo khó khăn, vướng mắc, đồng thời xin cơ chế để tháo gỡ.

Cụ thể, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng cho phép tăng số lượng công chức làm việc tại phường từ bình quân 15 người/phường thành 17 người đối với các phường có 30.000 dân trở xuống. Trong khi đó, các phường có từ 30.000 dân trở lên xin áp dụng quy định cứ tăng 15.000 dân được thêm 01 công chức. Trong khi chờ cơ chế tháo gỡ của Trung ương, Sở Nội vụ TP HCM cũng tham mưu một số giải pháp trước mắt để giảm căng thẳng, áp lực trong công việc, từ đó kéo giảm tỷ lệ thôi việc của đội ngủ CB-VCCC thành phố.

Xây chắc từ gốc

Câu chuyện hàng ngàn CB-VCCC của TPHCM xin nghỉ việc hàng năm thu hút sự quan tâm rất lớn của người dân, dư luận. Chia sẻ với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, Tiến sĩ Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TPHCM cho rằng, việc giải quyết vấn đề nguồn lực con người, nhất là để bảo đảm cho sự phát triển bền vững thì TPHCM cần xây lại từ gốc, thay vì “chắp vá” về cơ chế.

Chuyên gia này phân tích, Sở Nội vụ TPHCM đã xác định bốn nguyên nhân khiến CB-VCCC nghỉ việc gia tăng, gồm chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ, cơ hội thăng tiến và áp lực công việc. “Như vậy, gốc rễ vẫn là cơ chế, môi trường làm việc, kế đó là chế độ đãi ngộ. Bên cạnh tăng thêm biên chế cho phường xã, cũng cần cải thiện chất lượng về môi trường làm việc, chính sách đãi ngộ để thực sự hấp dẫn được người tài cống hiến” - bà Sâm chia sẻ.

Cũng cho rằng phải bắt đầu từ gốc rễ của vấn đề, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM Phạm Phương Thảo hiến kế, cần đặc biệt quan tâm đến công tác thi tuyển VCCC đầu vào, bởi vì thực tế nhiều phường, xã phản ánh tình trạng rất khó tuyển được người tài vào cơ quan Nhà nước. Đó là vì các ứng viên phải qua thi tuyển với nhiều thủ tục, chứng chỉ, bằng cấp, trong khi chế độ chính sách lại chưa đủ hấp dẫn.

Do đó, bà Thảo góp ý, ngoài các cách thức thi tuyển đầu vào như hiện nay, từ cấp cơ sở đến thành phố cần thay đổi tư duy và hình thức sát hạch, phỏng vấn theo chuyên môn, đặc thù riêng của từng ngành, tăng chế độ đãi ngộ cũng như cơ hội thăng tiến cho lực lượng cán bộ ở cơ sở, nhất là cán bộ trẻ.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện TPHCM, cần nâng cao hiệu quả công tác tuyển chọn, đề bạt cán bộ lãnh đạo, quản lý theo hướng thi tuyển công khai, minh bạch, gắn với xu hướng trẻ hóa và hội nhập. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, thu hút và trọng dụng nhân tài, vừa chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của thành phố”.