1. Trang chủ /
  2. Cảm ơn thầy cô đã ở lại

Cảm ơn thầy cô đã ở lại

thứ hai, 20/11/2023 22:32 GMT+07
Đó là những thầy cô đã đến và ở lại với những miền đất còn muôn vàn khó khăn. Họ đã dệt nên nhiều câu chuyện cổ tích giữa đời thực, đưa những bước chân học trò chạm tới những bến bờ xa.
Dù còn muôn vàn khó khăn nhưng nhiều thầy, cô vẫn ở lại với những ngôi trường vùng cao. (Nguồn ảnh: TT/GD&TĐ) Dù còn muôn vàn khó khăn nhưng nhiều thầy, cô vẫn ở lại với những ngôi trường vùng cao. (Nguồn ảnh: TT/GD&TĐ)

“Thầy ơi, thầy đừng bỏ chúng em”

Thầy Vũ Văn Tùng (43 tuổi, giáo viên Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, Gia Lai) tâm sự, trong suốt 10 năm qua, thầy thường xuyên chứng kiến cảnh học trò nghèo ôm bụng đói đi học. Đến giờ ra chơi, nhiều em tranh thủ trốn lớp, về nhà tìm đồ ăn cho đỡ đói.

“Trường chúng tôi đóng chân trên địa bàn của 2 làng Bi Giông và Bi - Gia, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai, được mệnh danh là làng nghèo nhất của một trong những huyện nghèo nhất cả nước”, thầy Tùng xúc động nói. Chính vì thế, công việc của những thầy cô nơi đây là buổi sáng đi dạy, buổi chiều đi vận động học trò đến lớp. Mỗi buổi đến vài gia đình học sinh. Vận động các em ra lớp đã khó, ngăn dòng học sinh bỏ học giữa chừng còn khó hơn. Những ngày đầu khi các thầy cô đến, nhiều phụ huynh cự tuyệt, thậm chí xua đuổi thầy cô và hỏi: “Đi học làm gì? Đi học có tiền không?...”.

Trước tình trạng cái nghèo đeo đuổi, thầy Tùng đã nảy ra ý tưởng: xây dựng mô hình “Tủ bánh mì 0 đồng”. Sau khi nghe tâm sự của thầy, một chủ lò bánh mì đã quyết định hỗ trợ 60 ổ bánh mỗi tuần. Nhưng số bánh đó không đủ cho hơn 370 học sinh nên thầy Tùng phải trích một phần tiền lương ít ỏi của mình ra để mua thêm bánh mì. Ngày 05/12/2021, “Tủ bánh mì 0 đồng” chính thức được khai trương.

Cũng từ ngày đó, sáng nào thầy Tùng cũng phải ra khỏi nhà lúc 4h để qua lò bánh mì cách nhà 25km lấy bánh về phát cho học sinh vào lúc 6h sáng và kết thúc vào lúc 6h30. Từ ngày triển khai “Tủ bánh mì 0 đồng”, các em học sinh đến trường đúng giờ, sĩ số học sinh được bảo đảm.

Đồng thời, thầy Tùng còn xây dựng quỹ sinh kế, từ nguồn kinh phí vận động thầy đã mua dê, mua bò tặng cho học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp gia đình phát triển kinh tế, đủ ăn, để con em được đến trường. Ngoài ra, thầy còn hỗ trợ đưa học sinh đi chữa bệnh. Như trường hợp một em học sinh bị nhiễm trùng nấm, một loại nấm lạ ăn sâu vào tận xương sọ não. Thầy đưa trò đi chữa trị ròng rã 5 tháng mới hết bệnh. Hay trường hợp một học sinh đi chữa bệnh tim bẩm sinh, nhờ sự kết nối của thầy nên đã được tài trợ 100% chi phí phẫu thuật...

Thấm thoắt cũng đã 16 năm gắn bó với nghề gieo con chữ ở vùng đất nghèo này. Thầy Tùng chia sẻ: “Sau nhiều năm gắn bó với nơi đây, nghĩ thương vợ phải hy sinh một mình chăm lo cho gia đình, con cái thì thiệt thòi vì bố hôm nào cũng đi làm từ tờ mờ sáng đến tối mịt mới về, mùa hè năm 2021, tôi đã viết đơn xin chuyển công tác về vùng thuận lợi. Vô tình một học sinh đọc được lá đơn của tôi nên đã cùng các bạn gặp thầy bày tỏ: “Thầy ơi, thầy đừng bỏ chúng em!”, tôi đã vô cùng xúc động và cất luôn hồ sơ đó. Với mỗi giáo viên như chúng tôi, tình cảm gắn bó của học sinh chính là động lực to lớn giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn”...

Tại Lễ vinh danh “Chia sẻ cùng thầy cô” vừa qua, thầy Tùng đã bất ngờ gặp học sinh của mình. Thúy Vân, hiện là sinh viên năm thứ 4 Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng. Trong ký ức của Vân, những năm tháng học THCS, thầy Tùng luôn tận tình dạy dỗ, chỉ bảo tận tâm với từng bài giảng, chăm lo mỗi bữa ăn sáng cho từng học sinh với tất cả tình yêu thương của một người mẹ, người thầy. Không chỉ thế, thầy còn hỗ trợ lo kinh tế gia đình cho học sinh, tặng con bò để học sinh có tiền đi học. “Tình cảm, sự yêu thương của thầy cô chính là động lực để học sinh chúng em vượt qua khó khăn, quyết tâm nỗ lực học tập, rèn luyện cả trong quá trình học tại trường. Em rất trân trọng cũng như biết ơn sự hy sinh của thầy vì đối với em, thầy giống như một người mẹ đặc biệt của em”, Thúy Vân xúc động bày tỏ.

Thầy Vũ Văn Tùng, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, Gia Lai.
Thầy Vũ Văn Tùng, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, Gia Lai.

“Tôi luôn gieo cho các em sự cố gắng và bền bỉ”

Thầy Danh Lực (SN 1986) hiện đang là giáo viên Trường Tiểu học Bàn Tân Định (Kiên Giang). Trong 15 năm đi dạy, thầy Lực từng nhiều lần muốn từ bỏ nghề giáo vì những khó khăn, vất vả khi dạy học tại một nơi còn thiếu thốn nhiều về cơ sở vật chất. Từ nhỏ, thầy Lực đã ấp ủ ước mơ được cầm phấn, nhưng hoàn cảnh gia đình không cho phép thầy theo đuổi ước mơ nên học hết 12, thầy tiếp tục đi làm để đỡ đần kinh tế gia đình.

Đi làm được một thời gian, thầy Lực bất ngờ nhận được thông báo đã đậu học bổng toàn phần ngành sư phạm tại Trường Cao đẳng Sư phạm Kiên Giang. Năm 2008, sau khi tốt nghiệp, thầy Lực đi dạy tại Trường THCS Mỹ Thái ở Hòn Đất (Kiên Giang): “Lúc ấy vừa ra trường, lương của tôi chỉ đủ trang trải cuộc sống. Với đồng lương 1 triệu đồng/tháng, tôi còn không đủ trả tiền đổ xăng. Trường học vào thời gian này thường bị ẩm mốc và dột. Những hôm mưa bão lớn, tôi thường phải ngủ qua đêm tại trường”...

Sau đó, thầy Lực xin chuyển công tác về Trường Tiểu học Bàn Tân Định để tiện chăm sóc cho bố của mình. Vì số lượng giáo viên không đủ, thầy Lực buộc phải dạy lớp ghép cho học sinh lớp 1, 2 và 3. “Đa phần các em học sinh trong lớp là người dân tộc Khmer. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi phải dạy song ngữ vì học trò chưa thông thạo tiếng Kinh. Thú thật, giai đoạn đó tôi hơi nản”, thầy Lực cho biết.

Đôi lúc muốn từ bỏ, thầy nhớ đến những lần được người dân nơi đây gửi gắm con em, những lần nhìn thấy ánh mắt ham học của các em học sinh. Nghĩ tới đó, thầy lại tiếp tục nỗ lực. Có trường hợp các em học sinh bỏ học để theo ba mẹ làm nông, thầy Lực liền xuống nhà vận động, hỏi thăm các em. Thầy Lực luôn dặn dò học trò: “Các em có thể không học đến nơi, đến chốn nhưng chí ít ra phải biết đọc, biết viết. Trong trường hợp đi lạc, các em biết đọc để nhìn bảng chỉ dẫn mà tìm đường về nhà. Hay khi thấy một lọ thuốc thì các em còn có thể biết được đây có phải là thuốc độc hay không...”.

Cô Quách Thị Bích Nụ (sinh năm 1987) hiện là Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Hòa, xã Yên Hòa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Cô lớn lên tại vùng quê nghèo nằm ven sông Đà, nơi thời ông cha đã nhường đất để xây dựng Thủy điện Hòa Bình.

Xóm Nhạp, xã Đồng Ruộng là vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Người dân sống rải rác bên các triền đồi ven bờ sông nên việc đi lại chủ yếu phải sử dụng thuyền. Có nhiều gia đình không có thuyền nên rất vất vả khi đưa đón con em. Do đó, cô đã tình nguyện đưa đón các em đến trường để phụ huynh yên tâm.

Nhớ lại những ngày đầu mới về công tác, từ năm 2005, khi ấy cô Nụ còn là giáo viên hợp đồng với đồng lương chỉ vẻn vẹn 50.000 đồng/1 tháng, phương tiện đến lớp của cô trò chỉ là chiếc bè được ghép từ những thân tre, rồi trộn xi măng trát lên trên để làm thuyền. Nắng ráo không vấn đề gì, nhưng gặp lúc thời tiết xấu, trời mưa, sương mù, giá rét, việc đi lại rất vất vả, tầm nhìn bị hạn chế… Khi ấy cô và trò lò dò đi từng chút một hoặc nép vào bờ chờ hết gió lại đi tiếp.

Cứ như thế, lặng lẽ ngày qua ngày, sáng sớm và chiều tối, cô Nụ vừa quán xuyến công việc chăm trẻ, vừa tình nguyện chèo đò, đưa học sinh xóm Nhạp đến trường. “18 năm qua, tôi không nhớ rõ mình đã đưa đón được bao nhiêu cháu, bao nhiêu chuyến đò. Chỉ nhớ năm học ít nhất là đưa đón 2 cháu, năm nhiều nhất là 18 cháu. Tôi luôn coi những đứa trẻ ấy như người thân yêu của mình”...

Đến nay, đến khu tái định cư mới sau cơn lũ lịch sử năm 2017, thầy trò không còn phải vượt sông đến trường nữa. Cô Nụ tâm sự: “Chưa bao giờ tôi có ý nghĩ vất vả quá thì mình sẽ dừng công việc này, bởi nếu tôi nghỉ các cháu sẽ không được đến lớp. Hoặc có đến lớp thì sẽ gian nan và vất vả. Không thể giúp đỡ các em tiền nộp học, tiền ăn hàng ngày nhưng tôi luôn gieo cho các em những động lực sự bền bỉ và cố gắng vì có cố gắng thì tất cả mơ ước sẽ thành công”...

Trên khắp mọi miền Tổ quốc đều có những thầy cô đã hy sinh thầm lặng và không thể rời đi bởi những ánh mắt ngơ ngác của học trò. Như Hoa hậu Hoàn vũ H’Hen Niê đã bày tỏ, cô lớn lên từ núi rừng với những hủ tục lạc hậu, gặp các thầy cô, cô như thấy mình ngày thơ bé. Cô rất cảm động và trân quý, vì các thầy cô đã không bỏ cuộc, để có được cô cũng như nhiều em nhỏ khác chạm tay tới những khát vọng. Và hơn tất cả, cho những điều lớn lao ở lại, là những người thầy như “người mẹ” mãi trân quý trong tim học trò…

Giáo viên vùng khó kiến nghị chính sách cho học sinh
Nhân dịp Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tuyên dương 200 nhà giáo đã có đóng góp xuất sắc trong năm học 2022 - 2023, những giáo viên gắn bó với vùng khó khăn đã có cơ hội chia sẻ mong mỏi về việc có thêm những chính sách giúp học sinh tiếp cận toàn diện với đổi mới giáo dục.
Cô giáo H’ Phen ÊYa, người dân tộc M’Nông, Trường Mầm non Ea T’ling huyện Cư Jút, tỉnh Đăk Nông có 14 năm gắn bó với giáo dục mầm non. Cô đề nghị Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT tiếp tục quan tâm hơn nữa, có thêm nhiều chính sách đối với trẻ em người dân tộc thiểu số tại chỗ như: cấp đồ dùng, tài liệu, sách vở, dụng cụ, thiết bị học tập để các nhà trường có thêm phương tiện, thiết bị dạy và học từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đối với trẻ người đồng bào dân tộc thiểu số và tại chỗ...
Cô giáo Quách Thị Hằng, Trường Tiểu học Yên Lạc, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình là người dân tộc Mường đã có 30 năm gắn bó với nghề giáo, mong rằng có thêm nhiều chính sách cho học sinh hơn nữa để các em được tiếp cận với những đổi mới của giáo dục một cách toàn diện.
Thầy giáo Nguyễn Văn Lên, giáo viên tại Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi với 85% là người dân tộc thiểu số Hre mong các cấp lãnh đạo quan tâm hơn nữa đến các em học viên và các trung tâm GDNN-GDTX. Đặc biệt là quan tâm đến chế độ cho các em học viên đang tham gia học tại các cơ sở GDTX ở các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn vùng miền núi, biên giới và hải đảo....