Cán bộ công an đến tận nhà dân hỗ trợ kích hoạt tài khoản định danh điện tử
Những ngày qua, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ công an, Đoàn thanh niên xã Vân Canh, huyện Hoài Đức (Hà Nội) không quản thời tiết nắng mưa, đêm tối trực tiếp xuống từng địa bàn dân cư để tuyên truyền, vận động và bố trí phương tiện đưa đón những người cao tuổi, người khó khăn trong việc đi lại hay thành lập các tổ công tác lưu động đến từng địa bàn thôn, xóm để kích hoạt tài khoản định danh điện tử đã trở nên quen thuộc, gần gũi với bà con địa phương.
Việc cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 tại xã Vân Canh những ngày qua không chỉ được thực hiện trong giờ hành chính mà còn được triển khai thực hiện trong các khung giờ từ 18h đến 23h các ngày trong tuần. Bên cạnh đó, việc tăng cường làm định danh điện tử lưu động vào ban đêm tại các khu dân cư cũng đang được đẩy mạnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong việc thực hiện Đề án 06 ở bất cứ thời điểm nào.
Thiếu tá Trần Thanh Hương - Phó trưởng Công an xã Vân Canh, huyện Hoài Đức cho biết, ban chỉ huy công an xã đang thực hiện đồng bộ các biện pháp đúng phương châm "Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng nhân khẩu".
Công an xã đã chủ động phối hợp các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa phát thanh, truyền thanh tại từng thôn xóm, tổ dân cư và qua mạng xã hội về mục đích, ý nghĩa, những lợi ích thiết thực của việc đăng ký tài khoản định danh để nhân dân nâng cao nhận thức, cùng đồng hành trong việc đăng ký, thực hiện.
"Trong quá trình thực hiện Đề án 06 cũng có những khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, với phương châm 'làm hết việc, không hết giờ', cán bộ, chiến sĩ Công an xã Vân Canh đã không quản ngày đêm, nắng mưa trong việc kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho người dân với những cách làm phù hợp, như: Đến tận nhà người dân, nơi mua bán, sinh hoạt, học tập, làm việc… tất cả các ngày trong tuần kể cả ngày, đêm, thứ bảy, chủ nhật", Thiếu tá Trần Thanh Hương cho hay.
Thiếu tá Phạm Văn Tú - cán bộ Công an xã Vân Canh, huyện Hoài Đức cho biết: "Đa số người dân trên địa bàn đi làm giờ hành chính, chủ yếu là công chức và công nhân đi làm ở các nhà máy, nên anh em chúng tôi hầu như làm việc vào buổi tối. Có những lúc, đi vào các ngõ xóm nhà dân không có sóng điện thoại để kích hoạt mã OTP, việc kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho một người dân cũng rất khó khăn".
Cũng theo Thiếu tá Tú, hai vợ chồng anh đều là cán bộ công an, vào những đợt cao điểm của Đề án 06, cả hai vợ chồng ít có thời gian diành cho gia đình, "Có những tuần bố con còn không được gặp mặt nhau, vợ chồng không có thời gian nên việc đưa đón con đi học cũng nhờ cậy vào ông bà ngoại".
"Tuy nhiên, với trách nhiệm của một người cán bộ công an cơ sở, chúng tôi luôn tự ý thức được tinh thần vượt khó và nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao", Thiếu tá Phạm Văn Tú chia sẻ.
Là công nhân sinh sống tại xã Vân Canh, chị Trần Thu Phương (33 tuổi) cho hay: "Do ban ngày tôi làm việc ở nhà máy nên không thể xin nghỉ để đi làm định danh điện tử, chỉ tranh thủ làm vào buổi tối. Quá trình kích hoạt tài khoản định danh điện tử cũng phát sinh nhiều lỗi nhỏ, phải làm đi làm lại nhiều lần, rất may nhờ có sự hỗ trợ nhiệt tình của các cán bộ công an nên tài khoản định danh điện tử của tôi cũng được kích hoạt thành công".
Còn tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, địa phương có số công dân đi nước ngoài hoặc sinh sống ngoại tỉnh chiếm tỉ lệ cao đã gây không ít khó khăn cho cán bộ, chiến sĩ công an làm nhiệm vụ.
Một cán bộ thuộc Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ, do sự tiếp cận công nghệ thông tin của một số người dân còn nhiều hạn chế nên đã gây khó khăn cho việc kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Nhiều người dân chưa hiểu hết về lợi ích của việc thiết lập tài khoản định danh điện tử, nên khi nghe thông báo đi làm thì phải vận động rất lâu mới làm. Còn đối với những người già yếu, bệnh tật không đi lại được, lực lượng công an sẽ 'đi từng ngõ, gõ từng nhà' để vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử.
Xúc động khi tổ công tác huyện Kỳ Anh đến tận nhà hỗ trợ làm căn cước công dân và tài khoản định danh điện tử, bà Nguyễn Thị Lý (76 tuổi, xã Kỳ Tiến) cho biết: "Tôi bị bệnh đã lâu nên không đi lại được, chỉ ngồi xe lăn. Được các cán bộ công an của huyện và công an xã rất quan tâm đến bà con, đến tận nhà làm cho, tôi rất vui mừng phấn khởi. Nhờ có các chiến sĩ công an tích cực đến từng hộ dân mà những người già yếu, bệnh tật như chúng tôi cũng được hưởng lợi ích của nhà nước".