1. Trang chủ /
  2. Cán bộ không được tiếp công dân ngoài trụ sở: Công cụ để phòng chống tham nhũng

Cán bộ không được tiếp công dân ngoài trụ sở: Công cụ để phòng chống tham nhũng

thứ năm, 25/5/2023 12:12 GMT+07
Nghiêm cấm cán bộ tiếp công dân ngoài trụ sở, ngoài giờ hành chính... sẽ là công cụ ngăn chặn tham nhũng hiệu quả. Nhưng để thực thi, phải có chế tài xử lý vi phạm nghiêm minh.
Dự thảo nghị định ban hành Bộ quy tắc đạo đức công vụ đã được Bộ Nội vụ gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Dự thảo nghị định ban hành Bộ quy tắc đạo đức công vụ đã được Bộ Nội vụ gửi Bộ Tư pháp thẩm định.

Chế tài không đủ mạnh thì khó thực thi nghiêm

Dự thảo nghị định ban hành Bộ quy tắc đạo đức công vụ đã được Bộ Nội vụ gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Dự thảo nêu rõ cán bộ, công chức, viên chức giao tiếp với công dân phải nghiêm túc, lịch sự, đúng mực, ngôn ngữ chuẩn mực rõ ràng; không hạch sách, nhũng nhiễu, gây căng thẳng, bức xúc.

Cần tôn trọng, lắng nghe, tận tình giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể cho người dân về quy trình, thủ tục. Kịp thời giải quyết và thông báo kết quả giải quyết theo quy định. Tôn trọng phong tục, tập quán, văn hóa của người nước ngoài. Cán bộ chỉ được tiếp cá nhân, tổ chức tại cơ quan, đơn vị, không được hẹn gặp, tiếp công dân và tổ chức ngoài giờ làm việc, ngoài cơ quan hoặc tại nhà riêng.

Dự thảo bộ quy tắc cũng mong muốn cán bộ, công chức, viên chức trong sạch, không gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc của cá nhân, tổ chức. Không ham quyền lực; không chạy chức, chạy quyền. Không sử dụng công quỹ, tài sản của cơ quan, của Nhà nước vào những việc mang tính vụ lợi; kiên quyết đấu tranh với các hành vi tham ô và trục lợi tài sản công. Cùng với đó phải trung thực, đúng mực, công tâm, thẳng thắn, không xu nịnh. Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách vì lợi ích chung.

Kiên quyết bảo vệ lẽ phải, không bao che những hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức... Không kén chọn công việc, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi công việc được giao. Trong giao tiếp với đồng nghiệp, dự thảo quy định cán bộ, công chức, viên chức phải có thái độ lịch sự, tôn trọng, phối hợp, tương trợ; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc; giữ gìn uy tín, danh dự của đồng nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe ý kiến góp ý của đồng nghiệp; trung thực, công bằng, vô tư, khách quan khi nhận xét, đánh giá đồng nghiệp; thực hiện dân chủ và đoàn kết nội bộ. Trong thời gian làm việc, dự thảo quy định cán bộ, công chức không giải quyết việc riêng trong giờ làm việc; không quảng cáo thương mại, bán hàng, tiếp thị bán hàng dưới mọi hình thức tại nơi làm việc.

PGS.TS Ngô Thành Can, Học viện Hành chính Quốc gia cho biết, chúng ta có Hiến pháp, có pháp luật, có những quy định chung, có luật về tiếp công dân, các cơ quan, bộ ngành, địa phương đều có hướng dẫn. Tuy nhiên, trong thực thi, một số đơn vị chưa làm tốt. Vẫn có những cán bộ vi phạm đạo đức công vụ, quan liêu, hách dịch, gây dư luận không tốt.

Theo TS Ngô Thành Can, về nguyên tắc chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật thì mọi công dân Việt Nam đều phải sống và làm việc theo pháp luật, từ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức… Tuy nhiên, trong thời gian qua, ở đâu đó có phản ánh chưa thực thi nghiêm quy định của pháp luật, từ không đúng chức trách, không đúng quy định đến vượt thẩm quyền hay cầu lợi…. dẫn đến những vụ việc đáng tiếc. Bên cạnh đó, theo ông Can, một lý do mà người thực thi công vụ dù biết vẫn "lờ" không thực hiện là nhiều khi chế tài không mạnh nên người ta không tuân thủ nghiêm túc.

Đã đến lúc phải luật hóa các nguyên tắc đạo đức của cán bộ, công chức. Theo PGS.TS Ngô Thành Can, việc quy định cụ thể, chi tiết đạo đức công vụ chính là chìa khóa làm trong sạch đội ngũ. Ví dụ nghiêm cấm cán bộ tiếp công dân ngoài trụ sở, ngoài giờ hành chính... sẽ là công cụ ngăn chặn tham nhũng hiệu quả. Nhưng để thực thi, phải có chế tài xử lý vi phạm nghiêm minh.

Xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp

Nhà nước pháp quyền yêu cầu mọi cán bộ công chức trong bộ máy phải là những người gương mẫu và nghiêm túc chấp hành pháp luật, để làm gương cho xã hội, cho người dân. Một khi nguyên tắc đó không được thực hiện, hệ lụy của nó sẽ là sự coi thường kỷ luật kỷ cương công vụ, nhờn pháp luật, làm giảm lòng tin của nhân dân... Theo PGS.TS Ngô Thành Can, chúng ta đang hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như đội ngũ cán bộ công chức viên chức đang từng bước ngày càng chuyên nghiệp và có tính trách nhiệm cao. Thế nhưng ở chỗ này chỗ kia, cũng còn nhiều người chưa thực sự tuân thủ.

"Nếu chúng ta không thay đổi cách thức thực thi, thắt chặt chế tài, những vi phạm sẽ ngày càng nhiều lên. Bởi, họ thấy rằng vi phạm cũng chỉ xử lý rút kinh nghiệm, phê bình sâu sắc thì người sau sẽ lại tiếp tục vi phạm" - PGS.TS Ngô Thành Can cảnh báo; đồng thời nhấn mạnh, dù là ai, ở vị trí nào, đã làm sai, vi phạm đều phải xử lý nghiêm, vì bất kể nên công vụ nào, trong xây dựng và phát triển đều không thể lơ là việc củng cố niềm tin của dân chúng.

Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần sớm xây dựng Luật đạo đức công vụ, quy định các vấn đề về giá trị cốt lõi của nền công vụ, các chuẩn mực của cán bộ, đảng viên trên các phương diện. Đặc biệt là phải có quy định chế tài cụ thể và nghiêm khắc đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị có hành vi bao che hay để xảy ra tình trạng cán bộ, đảng viên vi phạm đạo đức công vụ.

Trên cơ sở luật về đạo đức công vụ, từng đơn vị sẽ cụ thể hóa thành các quy định, quy tắc để quy định chi tiết và cụ thể về chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực hành vi ứng xử của cán bộ, đảng viên ở ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Chú trọng mối quan hệ mật thiết giữa quy phạm pháp luật và quy phạm đạo đức, ở phạm vi cần thiết nên thể chế hóa những nguyên tắc đạo đức thành quy phạm pháp luật.

PGS.TS Ngô Thành Can cho rằng, trong cải cách nền công vụ, chúng ta phấn đấu xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch và hiệu quả. Muốn có một nền công vụ tốt như thế rõ ràng phải có một đội ngũ cán bộ, công chức chuẩn, có năng lực. Người dân đến cơ quan công quyền để làm việc cũng cần được thông báo, được cho biết quyền lợi của họ và những gì không được làm.

Nếu rõ ràng như thế thì những cán bộ công chức có cách hành xử chưa đúng chuẩn mực mà chúng tôi hay gọi là lệch chuẩn, thì lập tức họ sẽ phải điều chỉnh lại, lập tức cơ quan đó phải xử lý. Đặc biệt, nếu có quy trình, tư duy, cách thức làm, thiết kế công sở thì chúng ta phải một lần nữa xem xét lại để có sự chỉnh sửa phù hợp.

Trong tờ trình, Bộ Nội vụ nêu rõ thời gian qua vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức bộc lộ sự yếu kém trong giao tiếp, ứng xử với người dân, tổ chức và đồng nghiệp. Bên cạnh đó vẫn còn những hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật gây ảnh hưởng đến uy tín của bộ, địa phương và hình ảnh của cán bộ, công chức, viên chức...
Bộ Nội vụ chỉ rõ nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường nhưng vẫn còn tình trạng nể nang, hình thức, chưa kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, chủ yếu vẫn làm theo chuyên đề, theo đợt cao điểm. Việc xử lý vi phạm về đạo đức công vụ, kỷ luật kỷ cương hành chính chưa mang tính răn đe, chưa thật sự nghiêm… Do đó cần phải nghiên cứu, xây dựng và ban hành nghị định ban hành Bộ quy tắc đạo đức công vụ làm căn cứ để các bộ và địa phương thực hiện nghiêm túc, thống nhất trong cả nước.