Cần bổ sung các quy định về dịch vụ vận chuyển cấp cứu người bệnh
Sở Y tế TP HCM cho biết, lãnh đạo đơn vị này đã yêu cầu các phòng chức năng rà soát quy trình thẩm định, cấp phép Công ty TNHH Vận chuyển 115 Xuyên Việt, sau khi nhận phản ánh về cơ sở vận chuyển 115 Xuyên Việt đã thu giá vận chuyển cấp cứu quá cao, gây khó khăn cho người dân.
Qua rà soát, Phòng Quản lý dịch vụ y tế - Sở Y tế cho biết cơ sở vận chuyển 115 Xuyên Việt được Sở Y tế TP HCM thẩm định đủ điều kiện và cấp phép cung ứng dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh theo Nghị định 155/2018/NĐ-CP lần đầu tại địa chỉ 37H/4B Phú Thọ P1, Q11 năm 2016.
Sau đó cơ sở xin chuyển sang địa chỉ 219/6 Âu Dương Lân Lân P3 Q8 và được cấp phép lại lần thứ hai vào tháng 2/2023. Cơ sở vận chuyển 115 Xuyên Việt được Sở Y tế TP HCM cho phép thực hiện 49 kỹ thuật liên quan đến sơ, cấp cứu người bệnh.
Theo quy định, cơ sở tư nhân được quyền quyết định giá thu đối với dịch vụ kỹ thuật được cấp phép nhưng phải thực hiện kê khai giá thu theo quy định với Sở Y tế TP HCM, phải công khai và niêm yết giá thu dịch vụ cho người dân, người bệnh được biết để thỏa thuận, lựa chọn dịch vụ cũng như góp ý về giá khi sử dụng dịch vụ.
Phòng Kế hoạch Tài chính - Sở Y tế TP HCM cho biết Công ty TNHH Vận chuyển 115 Xuyên Việt chưa thực hiện kê khai giá thu theo quy định với Sở Y tế.
Lãnh đạo Sở Y tế đã yêu cầu Thanh tra Sở kiểm tra hoạt động và giá thu của Công ty TNHH Vận chuyển 115 Xuyên Việt và xử lý đúng theo quy định nếu công ty có sai phạm.
Tăng cường năng lực cấp cứu ngoài bệnh viện theo hướng chuyên nghiệp cho Trung tâm Cấp cứu 115 của TP HCM là một trong những chủ đề trọng tâm của năm 2023 và những năm tiếp theo, đang được Sở Y tế TP HCM xây dựng đề án và trình UBND TP HCM. Bên cạnh đó, huy động nguồn lực xã hội cùng tham gia là một giải pháp quan trọng đã được ngành Y tế xác định rõ khi đề cập đến phát triển chuyên sâu, trong đó có lĩnh vực cấp cứu ngoài bệnh viện.
Tuy nhiên, theo Sở Y tế TP HCM, kinh nghiệm tại các nước phát triển, việc phân biệt 2 loại hình xe vận chuyển người bệnh cần sớm được vận dụng và triển khai tại Việt Nam. Theo đó, các cơ sở tư nhân có lẽ phù hợp hơn khi tham gia loại hình vận chuyển người bệnh (không cấp cứu), còn hệ thống các cơ sở cấp cứu công lập (Trung tâm Cấp cứu 115) và các bệnh viện (công lập và tư nhân) vận chuyển người bệnh cấp cứu.
Tương ứng với 2 loại hình này là các yêu cầu về xe và nhân viên theo xe hoàn toàn khác nhau, theo đó, nếu là loại hình vận chuyển người bệnh (không cấp cứu) thì xe không được trang bị còi hụ, không được gắn đèn cấp cứu, dụng cụ theo xe rất đơn giản và nhân viên theo xe không có bác sĩ, chi phí vận chuyển chắc chắn sẽ thấp hơn nhiều. Ngược lại, nếu là loại hình vận chuyển người bệnh cấp cứu thì xe được trang bị còi hụ, được gắn đèn cấp cứu, dụng cụ theo xe phải đầy đủ các dụng cụ cấp cứu từ đơn giản đến chuyên sâu và nhân viên theo xe phải là bác sĩ hoặc chuyên viên cấp cứu chuyên nghiệp, chi phí vận chuyển chắc chắn sẽ cao hơn nhiều. Sở Y tế TP HCM sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ Y tế xem xét và sớm có quy định và hướng dẫn cho 2 loại hình này.
Trước đó, báo chí thông tin, con trai đầu lòng của anh T.G chào đời khi thai mới 23 tuần tuổi, sức khỏe rất yếu vì sinh non.
Ngày 5/8, một bác sĩ giới thiệu xe cấp cứu để đưa bé lên TP HCM điều trị. Anh G được báo giá 16 triệu đồng phí vận chuyển một chiều, yêu cầu phải ứng trước 8 triệu đồng, xe đến nơi đưa phần còn lại.
Gia đình anh G khó khăn, vay mượn hàng xóm đóng tiền cho nhà xe. Tối 5/8, cha con anh G được xe cấp cứu chở đến Bệnh viện Nhi đồng 1.
Do bệnh nặng nên ngày 8/8 bệnh nhi không qua khỏi. Anh G ôm thi thể con xuống nhà đại thể làm thủ tục, không còn tiền mua quan tài.