Cận cảnh hàng chục m3 gỗ tang vật đang dần bị mục nát ở Kon Tum
thứ tư, 26/4/2023 22:15 GMT+07
Sau gần 10 năm chờ cơ quan chức năng tìm ra phương án xử lý, hơn 70m3 gỗ tang vật tại tiểu khu 278 xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô (Kon Tum) đã và đang dần mục nát.
Theo đó, số gỗ tang vật này đã được tòa án xét xử vào năm 2014. Như vậy, theo quy định, số tang vật này là tài sản của cơ quan chức năng huyện Đăk Tô.
Ngay sau đó, cơ quan Công an cũng đề nghị huyện Đăk Tô chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý số gỗ này. Tuy nhiên khi đối chiếu theo quy định, gần 77m3 gỗ lại vượt quá thẩm quyền xử lý của huyện. Để bảo vệ số gỗ này, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô đã có đơn kiến nghị cấp huyện và tỉnh lên phương án bán đấu giá để sung công quỹ, nhưng hiện tại vẫn chưa có đơn vị nào đứng ra tổ chức bán đấu giá số lượng gỗ này. Vướng luật, sau gần 10 năm hơn 70m3 tang vật trên hiện vẫn đang được tập kết tại một bãi đất trống ở bìa rừng, thuộc tiểu khu 278, xã Đăk Rơ Nga do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô quản lý. Anh Nguyễn Trung Nguyên - Phó phân trường số 2 thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô đã có gần 7 năm "ăn ngủ" cùng với bãi gỗ tang vật này cho biết: “Gần 10 năm nay, mỗi ngày lực lượng bảo vệ rừng tại trạm đều phải ghé ngang vài lần để kiểm tra số lượng gỗ trên. Vì bãi gỗ này nằm lộ thiên, giữa lối lên nương, lên rẫy của bà con bản địa nên việc tuần tra càng trở nên khó khăn. Số gỗ này là tài sản của Nhà nước nên việc bảo vệ cũng áp lực hơn, chỉ cần mất hoặc bị xâm hại đều chịu tránh nhiệm rất lớn”.
Nhiều năm nay, nhân viên bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô vừa đi tuần tra lâm phần được giao, vừa phải túc trực 24/24 để bảo vệ số gỗ này. Tuy nhiên, vì nằm phơi nắng, phơi mưa nhiều năm nay nên một số đã bị mục nát, hư hỏng. Theo quan sát của phóng viên, tại bãi gỗ tang vật có nhiều cây gỗ lớn như sao xanh có đường kính tròn hơn 1m, khoảng 2 - 3 người ôm. Đáng nói, trong lúc chờ lực lượng chức năng xử lý, nhiều lóng gỗ ở đây đã phân hủy thành đất, số còn lại hư hỏng, nứt nẻ. Theo ông Nguyễn Thành Chung – Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô, giá trị gỗ hiện tại so với khi kéo từ rừng về đã bị giảm khoảng 30-40%. Việc không thanh lý được số gỗ tang vật khiến đơn vị càng thêm phần khó khăn vất vả trong công tác bảo vệ, trông nom. Liên quan đến sự việc trên, mới đây UBND tỉnh Kon Tum cũng đã có văn bản đề nghị cơ quan chức năng sớm có giải pháp để xử lý số gỗ này theo đúng quy định tránh việc để gỗ bị hư hỏng, gây lãng phí. Dù vậy, đến nay công ty vẫn đang làm việc với nhiều cơ quan như tòa án, thi hành án của huyện nhằm đưa ra phương án để xử lý số gỗ tang vật trên.