Cận cảnh quây tôn chung cư xuống cấp đặc biệt nguy hiểm tại Hà Nội
Hà Nội hiện có khoảng hơn 1.579 nhà chung cư cũ, bao gồm 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư và 306 chung cư cũ độc lập, được xây dựng từ năm 1960 đến năm 1994 và trước năm 1954, trong đó có nhiều chung cư xác định mức độ nguy hiểm cấp độ D, đây là cấp độ thể hiện sự không đáp ứng được nhu cầu sử dụng bình thường.
Trong thời gian qua, chính quyền địa phương của các quận trên địa bàn thành phố đã thường xuyên đôn đốc, đưa các phương án để có thể di dời người dân khỏi những chung cư cũ này. Đây cũng được xem là một khâu khó, nhiều lần đình trệ bởi yêu cầu không phải tại khu tập thể nào tỉ lệ người dân đồng thuận cũng tuyệt đối.
Đặc biệt tại quận Ba Đình, trên địa bàn toàn quận này đã di dời xong 4/5 nhà chung cư nguy hiểm, chỉ còn lại duy nhất tòa chung cư G6A Thành Công. Được biết, tòa G6A Thành Công gồm 49 hộ, đã di dời được 28 hộ, còn 21 hộ chưa di dời.
Từ ngày 13/3, UBND phường Thành Công đã có thông báo gửi đến người dân về việc rào tôn để đảm bảo an toàn cho tầng 1 đơn nguyên 1,2 tòa nhà G6A tập thể Thành Công. Hiện nay hàng rào đã được quây kín xung quanh khu tập thể này nhằm đảm bảo an toàn.
Về việc lực lượng chức năng quây tôn kín xung quanh chung cư cũ G6A Thành Công, lãnh đạo quận Ba Đình cho biết, đây là biện pháp để đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực, gồm cả người dân của nhà G6A và khu vực xung quanh. Việc này thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở và Kế hoạch của UBND phường Thành Công.
Hình ảnh khu chung cư cấp D G6A Thành Công bị rào tôn quây kín:
Trước đó, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã yêu cầu UBND các quận: Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy khẩn trương thực hiện di dời các hộ dân khỏi nhà nguy hiểm cấp D, hoàn thành chậm nhất trong quý I năm 2023; khảo sát hiện trạng, kiểm định, lập quy hoạch, hoàn thành chậm nhất trong quý II năm 2023; tổ chức lựa chọn chủ đầu tư dự án trong quý III năm 2023.
Đến đầu tháng 2/2023, nhiều khu chung cư cũ được đánh giá nguy hiểm cấp độ D như khu tập thể C8, khu tập thể Ngọc Khánh đã hoàn thành việc di dời người dân, chính quyền địa phương cũng đã dựng lên hệ thống hàng rào bảo vệ và hạn chế người dân đi lại gần khu vực này.
Tiêu chí đánh giá mức độ nguy hiểm của các bộ phận và của toàn nhà:
Đánh giá mức độ nguy hiểm của các bộ phận nhà (nền móng, kết cấu chịu lực phần thân, kết cấu bao che ) được qui định theo 4 cấp: a, b, c, d:
- Cấp a: Không có cấu kiện nguy hiểm;
- Cấp b: Có cấu kiện nguy hiểm;
- Cấp c: Nguy hiểm cục bộ;
- Cấp d: Tổng thể nguy hiểm.
Đánh giá mức độ nguy hiểm của toàn nhà được qui định theo 4 cấp: A, B, C, D:
- Cấp A: Khả năng chịu lực của kết cấu có thể thỏa mãn yêu cầu sử dụng bình thường, chưa có nguy hiểm, kết cấu nhà an toàn.
- Cấp B: Khả năng chịu lực kết cấu cơ bản đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường, cá biệt có cấu kiện ở trạng thái nguy hiểm, nhưng không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực, công trình đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường.
- Cấp C: Khả năng chịu lực của một bộ phận kết cấu không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, xuất hiện tình trạng nguy hiểm cục bộ.
- Cấp D: Khả năng chịu lực của kết cấu chịu lực đã không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, nhà xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể.