Cần chú trọng chất lượng tăng trưởng hơn số lượng doanh nghiệp
Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dẫn kết quả khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và nhận định, cộng động DN đang khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19. Cụ thể, hầu hết các DN trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề và các địa phương đều phải đương đầu với các vấn đề do dịch COVID-19 gây ra, như khó tiếp cận khách hàng (60%), thiếu hụt nhân công (53%), mất cân đối dòng tiền (52%), đứt gãy chuỗi cung ứng (52%)…
“Cùng với những tác động tiêu cực do dịch COVID-19, khảo sát PCI cũng cho thấy các DN đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Những khó khăn trong kinh doanh cùng với tác động của dịch COVID-19 đã khiến cho các DN dè dặt hơn khi xây dựng kế hoạch kinh doanh và điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ tới năng lực cạnh tranh của DN”, ông Phòng cho hay.
Để hỗ trợ DN, Chính phủ đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ DN chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 nhằm xây dựng DN Việt Nam mạnh cả về số lượng và chất lượng, trở thành lực lượng quan trọng đảm bảo tính tự chủ của nền kinh tế.
“Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, mỗi doanh nhân, DN cần sẵn sàng đối mặt với những thách thức, chủ động nắm bắt, chắt chiu từng cơ hội đổi mới và sáng tạo, có phương án đón đầu xu hướng kinh doanh mới, xây dựng uy tín và thương hiệu của DN Việt Nam trên thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đầu tư những lĩnh vực mới, hiện đại. Quan tâm đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cấu trúc lao động để thích ứng và đón đầu các xu hướng mới của thị trường…”, đại diện VCCI đưa ra lời khuyên.
Nỗ lực cho phát triển kinh tế tư nhân
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Duy Bình dẫn số liệu thống kê cho biết, tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân có sự chậm lại về số lượng và lao động trong 5 năm từ 2016 - 2020. Theo đó, số lượng DN đang thực sự hoạt động trong nền kinh tế hiện tăng từ 505.000 DN vào năm 2016 lên khoảng 684.000 DN vào năm 2020. “Số lượng tăng lên chỉ 180.000 DN, khoảng cách khá xa so với số lượng DN đăng ký hàng năm, thường ở mức 1,2 – 1,3 triệu DN đăng ký mỗi năm”, ông Bình nói.
Trong số 684.000 DN đang hoạt động thì DN tư nhân trong nước là chính, khoảng 660.000 DN, 1.900 DN nhà nước và 22.000 DN FDI. “Con số này so với tỷ lệ DN đang thực sự hoạt động ở các quốc gia trong khu vực ASEAN là rất nhỏ bé. Đồng thời, so với mục tiêu 1 triệu DN hoạt động hiệu quả vào năm 2025 là khá xa...”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Nhìn vào xu thế tăng trưởng 5 năm vừa qua, số lượng DN tư nhân tăng nhưng tốc độ tăng trưởng chậm lại, cho thấy động lực tăng trưởng chậm lại. “Chúng tôi cho rằng cần chú trọng, xử lý tăng tốc độ tăng trưởng cho DN đang hoạt động chứ không phải con số tăng trưởng DN đăng ký. Chúng ta đã đạt tới giới hạn DN tư nhân hoạt động hiệu quả, do đó, cần quan tâm đối tượng “dự bị” là hộ kinh doanh với các giải pháp khuyến khích cụ thể để họ phát triển thành DN”, lời TS Bình.
Trong 5 năm qua, lao động trong khu vực DN tư nhân, từ mức trung bình 18 lao động/DN đã gỉảm chỉ còn 13 lao động/DN, cho thấy quy mô DN tư nhân chỉ nhỏ bé tương tự hộ gia đình. Mặc dù mặt tích cực là tỷ trọng tích tụ vốn khu vực kinh tế tư nhân tăng lên trong 5 năm qua - từ 53% năm 2016 lên 59% năm 2020, nhưng quy mô bình quân của DN tư nhân vẫn nhỏ hơn các thành phần kinh tế còn lại như DN nhà nước hay DN FDI. Và khi quy mô nhỏ dẫn tới DN không tận dụng được lợi thế về quy mô, không tập trung vào đầu tư công nghệ…
TS Lê Duy Bình cho biết, trong vòng 5 năm, tốc độ đóng góp của khu vực này cho GDP vẫn ở mức khiêm tốn chỉ 7,8% năm 2016 lên 9,6% năm 2020, còn xa so với mục tiêu tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP, để đến năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 - 65% - như mục tiêu của Nghị quyết số 10-NQ/TW.
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 235 ra ngày 23/8/2022)