1. Trang chủ /
  2. Cần gắn nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong bảo hộ nhãn hiệu

Cần gắn nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong bảo hộ nhãn hiệu

chủ nhật, 21/8/2022 09:24 GMT+07
(PLM) - Những năm gần đây, nhiều sản phẩm nông nghiệp Việt Nam được xuất khẩu ra thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường các nước trước nay vốn được coi là khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Pháp… Tuy nhiên, số lượng sản phẩm nông sản đã xây dựng được thương hiệu và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đến nay còn rất hạn chế.

Tại hội thảo "Kết nối kinh doanh: Xây dựng và Bảo hộ nhãn hiệu nhằm phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam”, bà Lê Thị Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Thẩm định chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, tính đến 1/8/2022, cả nước đã có 141 đơn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các mặt hàng nông lâm thủy sản, trong đó đã cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho 116 sản phẩm. Cả nước cũng đã có 1.682 chứng nhận tập thể đã được cấp. Các địa phương có nhiều nhãn hiệu tập thể được bảo hộ là Quảng Nam 91, Hải Phòng 75, Bắc Giang 67, An Giang 50.

Một số sản phẩm có chứng nhận chỉ dẫn địa lý hoặc nhãn hiệu tập thể đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, đang xuất khẩu nhiều vào các thị trường cao cấp trên thế giới như: Nước mắm Phú Quốc, chè hữu cơ Shan tuyết Phìn Hồ, chè Thái Nguyên, hồ tiêu Gia Lai, cà phê Buôn Mê Thuột, vải thiều Lục Ngạn, Thanh Long, Tôm...

Bà Lê Thị Thu cũng cho biết: “Một số chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể chưa phát huy được vai trò là chủ sở hữu do không có chức năng kinh doanh, chủ yếu là cơ quan nhà nước như Sở Khoa học công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp huyện, chưa có sự tách biệt giữa quản lý nhà nước và mối quan hệ dân sự theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ”.

Các đơn vị HTX là cơ sở để chuẩn hóa sản phẩm và đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm nông nghiệp. Ảnh minh họa.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, thương hiệu sản phẩm nông sản là một phạm trù cần được định nghĩa rõ ràng và tiếp cận từ khía cạnh bảo hộ sở hữu trí tuệ của sản phẩm. Khi sản phẩm nông sản đưa được đến tay người tiêu dùng trong nước và quốc tế cần được chứng nhận, xác nhận và xây dựng cơ chế pháp lý theo từng nhóm loại hình sản phẩm, từng nhóm loại hình đăng ký.

Ông Nguyễn Quốc Toản cũng cho rằng, cần phải định nghĩa, định dạng lại những khái niệm chuẩn, từ đó tuyên truyền phổ biến tới các hợp tác xã, bà con nông dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương, các hiệp hội ngành hàng về vấn đề nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đối với sản phẩm nông sản. Đồng thời, các bước cần phải triển khai đối với việc đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cũng cần được chia sẻ rộng rãi.

Các chuyên gia kinh tế và phân tích thị trường cũng chỉ ra một số vấn đề tồn tại đối với hoạt động bảo hộ và sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể. Đó là, chưa có các quy định chi tiết về quản lý đối với đối tượng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể; sự phối hợp chưa chặt chẽ và liên tục giữa Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương.

Ở các địa phương, vẫn thiếu khảo sát xác định nhu cầu của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Do đó, lựa chọn sản phẩm đăng ký chưa phù hợp, chưa gắn với thực tiễn và nhu cầu thị trường. Nhiều nơi chỉ đăng ký bảo hộ sản phẩm tươi, nguyên liệu thô, những sản phẩm này ít được chế biến, thời gian bảo quản ngắn nên chỉ dẫn địa lý không phát huy được tác dụng.

Nhiều chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể đã không chủ động về nguồn lực để thực hiện việc quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, kỹ năng về xúc tiến thương mại rất kém. Một số chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể là hợp tác xã, được thành lập khi có sự hỗ trợ từ các dự án, nên các hợp tác xã này không tổ chức hoạt động gì khi kết thúc dự án, hoặc hoạt động rất cầm chừng, dẫn đến nhãn hiệu tập thể bị “chết yểu”.

Vải thiều Bắc Giang được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản

Từ thực tế trên, các doanh nghiệp, chuyên gia kiến nghị các cơ quan chức năng nhà nước cần hoàn thiện các quy định pháp luật cho việc bảo hộ, quản lý và phát triển thương hiệu dựa trên các quyền sở hữu trí tuệ đối với địa danh dùng cho các sản phẩm nông nghiệp đặc thù. Các cơ quan nhà nước cũng cần nâng cao vai trò của quản lý nhà nước về kiểm soát sử dụng nhãn hiệu trên thị trường.

Về phía các đơn vị sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã, nên xây dựng và phát triển thương hiệu phải dựa trên các giá trị cốt lõi của sản phẩm, dịch vụ. Đó là chất lượng đặc thù, giá trị khác biệt, uy tín, độ an toàn của sản phẩm. Cần thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý để đưa sản phẩm cuối cùng ra đến thị trường.

Các vùng sản xuất cần sớm loại bỏ hình thức trồng nhỏ lẻ, chưa tập trung để trở thành các doanh nghiệp, hợp tác xã chuyên nghiệp để hình thành các quy trình sản xuất chuẩn, hướng tới đăng ký bảo hộ thương hiệu.