Cần lực đẩy cho công nghiệp hỗ trợ
Tập đoàn đa quốc gia vắng bóng DN trong nước
Công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, thể hiện năng lực sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của sản xuất công nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng, tăng sức cạnh tranh của nền công nghiệp trong nước. Dù vậy, trong bức tranh ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, DN khu vực này vẫn đang rất thiếu và yếu những DN lớn, mạnh, đủ sức tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia.
Theo Vụ Công nghiệp (Bộ Công Thương), Việt Nam hiện có 2.000 DN sản xuất, gia công phụ tùng, linh kiện, tuy nhiên chỉ có hơn 300 DN vừa và nhỏ của Việt Nam có khả năng cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Con số này so với tiềm năng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là quá khiêm tốn.
Dù vậy, không thể phủ nhận, với những nỗ lực và cố gắng của nhà quản lý, cộng đồng DN, ngành công nghiệp hỗ trợ nước nhà đã có những bước tiến đáng kể. Có thể kể tới một thành công rõ nét của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nhìn từ hoạt động của Tập đoàn Samsung. Ngoài ra, việc các DN FDI đã có những thay đổi tích cực khi chú ý hơn tới nguồn cung cấp từ các DN Việt Nam cũng được thể hiện qua kết quả khảo sát của Qima - một nhà cung cấp các giải pháp chuỗi cung ứng. Qima đã thực hiện khảo sát với hơn 700 DN trên toàn cầu và đưa ra nhận định, Việt Nam tiếp tục được nhiều DN Mỹ và châu Âu lựa chọn vào chuỗi cung ứng. 25% DN có trụ sở tại châu Âu trong cuộc khảo sát này đã bình chọn Việt Nam là một trong 3 quốc gia cung ứng hàng đầu của họ trong quý I/2021, riêng với DN ở Mỹ, con số này ở mức 43%.
Dù vậy, những số liệu nói trên so với tiềm lực của chúng ta vẫn còn khá khiêm tốn.
Nhận định về bức tranh của ngành công nghiệp phụ trợ nước nhà, ông Bùi Trung Nghĩa - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thừa nhận: Năng lực ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn được đánh giá là hạn chế. Sản xuất công nghiệp của Việt Nam còn phụ thuộc lớn vào các nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu. Khả năng tự cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ từ các DN trong nước chiếm tỷ lệ thấp.
Điều này thể hiện ở những con số: Đối với ngành điện tử gia dụng, tỷ lệ nội địa hóa của các DN Việt Nam chiếm khoảng 30-35% nhu cầu linh kiện; điện tử phục vụ các ngành ô tô - xe máy đạt khoảng 40%. Ở những ngành công nghệ cao như ngành điện tử tin học, viễn thông; điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ cao, tỷ lệ nội địa hóa chỉ được ở mức khiêm tốn lần lượt là: 15% và 5% và phần lớn là các linh kiện nội địa hóa đều do các DN đầu tư nước ngoài trong nước cung cấp.
Gỡ rào cản
Theo giới chuyên gia kinh tế, hiện có rất nhiều DN sản xuất sản phẩm đầu cuối của nước ngoài có nhà máy tại Việt Nam đang tìm kiếm nhà cung cấp trong nước để tối ưu hoá sản xuất, nhằm giảm chi phí và đáp ứng các yêu cầu về linh kiện. Đây cũng là giải pháp nhằm hạn chế những tác động do dịch Covid-19 bùng phát, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Tuy nhiên, theo các DN đầu tư nước ngoài (FDI) việc tìm kiếm các nhà cung cấp linh kiện tại Việt Nam hiện nay rất khó khăn.
Đáng chú ý, theo bà Bùi Thu Thuỷ - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), DN đầu tư nước ngoài có nhu cầu mua hàng từ các DN trong nước để tiết giảm chi phí và giảm tác động của đứt gãy chuỗi cung ứng. Song quy chuẩn, yêu cầu của DN FDI rất cao, hầu như quá sức các DN trong nước.
Nguyên nhân khiến DN Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu chuỗi cung ứng là bởi, đa số các DN công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam là DN nhỏ và vừa, quy mô vốn mỏng và năng lực cạnh tranh thấp. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến các DN ngành công nghiệp phụ trợ không đáp ứng được các đơn hàng lớn của DN FDI và cũng không đủ nguồn lực để đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất các sản phẩm theo tiêu chuẩn của DN FDI.
Để có thể thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, những năm qua, Đảng, Chính phủ đã có sự quan tâm, chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, nhiều chính sách, chương trình được ban hành để khuyến khích tập trung nguồn lực phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, như: Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Mới đây, Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều chính sách mới, được kỳ vọng sẽ tạo ra sự kích thích mạnh mẽ cho công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo trong thời gian tới…
Giới chuyên gia trong ngành nêu quan điểm, ngoài các giải pháp mà Chính phủ đã và đang nỗ lực đưa ra để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, các DN công nghiệp hỗ trợ cũng cần chủ động tìm kiếm giải pháp, tăng cường kết nối, tập trung đầu tư để từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cấp máy móc thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các tập đoàn đa quốc gia.