Cần mạnh tay xử phạt hành động nhạo báng nơi thờ tự
Nhóm phụ nữ mang sản phẩm vệ sinh dâng lễ. (Ảnh cắt từ clip)
Mới đây, cộng đồng mạng đã “dậy sóng” trước mâm lễ vật lên chùa của một nhóm chị em bán hàng online. Cụ thể, nhóm người này mang cả sản phẩm nhạy cảm là dung dịch vệ sinh phụ nữ để dâng lễ và quay clip đăng tải lên mạng xã hội TikTok.
Đoạn clip cho thấy, 8 cô gái mặc áo dài đi lễ tại một ngôi chùa khá nổi tiếng ở Ninh Bình. Tay xách hai giỏ đồ lớn, một bên là hoa quả, một bên là nhiều loại sản phẩm từ nước tắm gội đến dung dịch vệ sinh phụ nữ.
Đoạn clip nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, đa số mọi người cho rằng đền chùa là chốn linh thiêng, trang phục đi chùa, đồ cúng lễ cũng cần phù hợp với thuần phong mỹ tục. Vì vậy, mang dung dịch vệ sinh phụ nữ làm lễ vật là hoàn toàn không hợp lý.
Cộng đồng mạng cũng từng “dậy sóng” khi thấy những bức ảnh của một số người ăn mặc hở hang tại Lễ hội Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương. Hiện nay, rất nhiều chùa, đền, miếu, di tích, lễ hội hầu hết các ban quản lý nơi đây đều chuẩn bị tủ áo choàng dài tay để cho các du khách trót mặc quần áo ngắn, hở hang mượn mặc cho kín đáo, trang trọng. Nhưng một số người “lờ” đi và những hình ảnh ăn mặc phản cảm ngày càng tiếp diễn.
Để tránh tình trạng du khách sờ mòn tượng Phật tại chùa Bái Đính (Ninh Bình), thời gian qua nhà chùa đã cho trưng biển “không sờ tay vào tượng và đồ thờ”. Tuy nhiên, nhiều khách thập phương cho rằng, sờ vào tượng Phật để lấy may và bất chấp quy định, bôi bẩn vào các tượng Phật. 500 bức tượng La Hán và những tượng linh vật bị nhuốm đen, nhem nhuốc, phản cảm…
Nói về hành động phản cảm, ăn mặc, hành xử vô ý thức tại nơi thờ tự, nhà xã hội học, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, có một bộ phận cư dân đạo đức đang xuống cấp, thiếu giáo dục, thiếu kỹ năng sống, thiếu sự học hỏi ở trong đời sống xã hội về cung cách ứng xử. Họ có kiến thức mỏng, thiếu thái độ sống tích cực trong xã hội, không tôn trọng các giá trị truyền thống xưa cũ từ xưa cho đến tận bây giờ.
Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo quy định, từ 1/6/2021, cá nhân ăn mặc hở hang khi đi lễ hội bị phạt tới 500.000 đồng. Cụ thể, Điều 14 Nghị định 38 quy định, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 - 500 nghìn đồng đối với một trong các hành vi: Thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng nơi quy định; Nói tục, chửi thề, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm của lễ hội; Mặc trang phục không lịch sự hoặc không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam.
Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài đưa ra hình phạt nghiêm khắc, việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho mọi người là biện pháp lâu dài, tránh vụ việc như vậy tái diễn.