Cần nghiên cứu, có chế tài xử lý tiền ảo trong phòng, chống rửa tiền
Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội (QH) đều bày tỏ tán thành cao với việc sửa đổi Luật PCRT năm 2012 nhằm bảo đảm yêu cầu thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng và Nhà nước; đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế, khắc phục những bất cập của luật hiện hành.
Bảo đảm an ninh, an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ; góp phần đẩy mạnh và tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cùng với đó, khắc phục thiếu hụt về cơ chế phòng, chống rửa tiền (PCRT) và tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo các khuyến nghị và báo cáo đánh giá của các tổ chức quốc tế, tránh việc Việt Nam bị đưa vào “Danh sách Xám” và thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong công tác PCRT, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt của khu vực cũng như trên toàn thế giới.
Tại phiên họp, quy định về đối tượng báo cáo PCRT là nội dung được nhiều đại biểu QH quan tâm, cho ý kiến.
Dự thảo Luật kế thừa quy định về PCRT tại Luật PCRT năm 2012, bao gồm tổ chức tài chính và tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính; đồng thời sửa đổi, bổ sung một số nội dung về đối tượng báo cáo.
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long (đoàn Kiên Giang) cho rằng, quy định về đối tượng báo cáo theo ngành nghề kinh doanh là hơi rộng, cần kèm theo một số điều kiện như quy mô, loại hình hoặc phân biệt các biện pháp PCRT.
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên) cũng nhấn mạnh, dự thảo Luật quy định nhiều biện pháp PCRT mà đối tượng báo cáo bao gồm các tổ chức tài chính và cả tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính phải thực hiện.
Tuy nhiên, vì đây là những biện pháp liên quan đến nghĩa vụ, quyền của các doanh nghiệp, của các tổ chức phi tài chính nên cần tiếp tục rà soát để đảm bảo quy định thật chặt chẽ; không gây khó dễ nhưng cũng tránh có kẽ hở trong quá trình áp dụng để trục lợi.
Liên quan đến trách nhiệm của các đối tượng báo cáo và vấn đề phát sinh chi phí tuân thủ, theo đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai, dự thảo luật quy định nhiều trách nhiệm, nghĩa vụ mà các đối tượng báo cáo phải thực hiện.
Đặc biệt, các yêu cầu này được áp dụng không chỉ cho mục đích PCRT mà có phạm vi rộng hơn, bao gồm cả phòng, chống tài trợ khủng bố; phòng, chống tài trợ, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Theo đại biểu, các quy định mới là cần thiết và bám sát những khuyến nghị của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về PCRT (APG), Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF). Tuy nhiên, khi nội luật hóa, cần cân nhắc, quy định đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
“Có những nhóm đối tượng chúng ta coi như là nguy cơ rửa tiền cao thì phải áp dụng nghĩa vụ báo cáo đầy đủ và chặt chẽ hơn. Còn những nhóm đối tượng khác thì quy định ở mức độ phù hợp để đáp ứng yêu cầu vẫn thực hiện đúng khuyến nghị của quốc tế nhưng cũng không làm tăng một cách quá đáng, không cần thiết gánh nặng về thủ tục cho các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân của Việt Nam”, đại biểu nêu ý kiến.
Còn đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ) nhấn mạnh, dự thảo quy định các nội dung liên quan đến kiểm soát khách hàng thông qua giao dịch tại các tổ chức tài chính.
Trong khi đó, các giao dịch không qua các tổ chức tài chính hiện tương đối phổ biến ở Việt Nam, do chúng ta có thói quen giao dịch bằng tiền mặt nhiều.
“Ví dụ như mua bán nhà, xe ô tô dùng nhiều tiền mặt để trao đổi, không qua ngân hàng để tránh truy thu thuế… Do đó, các giao dịch không qua các tổ chức tài chính rất khó kiểm soát”, đại biểu nêu vấn đề.
Về báo cáo giao dịch đáng ngờ, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, dấu hiệu cảnh báo về giao dịch đáng ngờ thay đổi theo quá trình phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu đặt ra của đất nước trong từng giai đoạn.
Do vậy, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị cân nhắc, nếu chưa chắc chắn và để bảo đảm sự linh hoạt nhất định, những vấn đề trên nên giao cho Chính phủ quy định cho thuận tiện, không luật hóa, quy định “cứng” vào trong Luật nội dung này.
Liên quan đến ý kiến của một số đại biểu về vấn đề tiền ảo, trong phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, có thực tế phải cân nhắc là dù chúng ta chưa công nhận tiền ảo nhưng trên thực tế người ta vẫn sử dụng tiền ảo. Do đó, cần có quy định cho phù hợp.
“Cần nghiên cứu có chế tài để xử lý. Khi pháp luật chưa công nhận thì phải có cách xử lý thế nào cho phù hợp”, Thủ tướng nói và đề nghị giao cho Chính phủ quy định về vấn đề này