Cần nghiên cứu phương án công bố thông tin giao thông dưới dạng dữ liệu mở
Tại Hội thảo công bố Báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2022” do VCCI tổ chức ngày 4/4, trong báo cáo nhấn mạnh, việc công khai thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu mở có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
Các thông tin được Nhà nước công khai không chỉ có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo đảm tính công khai, minh bạch hoạt động của chính quyền mà còn giúp doanh nghiệp có thêm thông tin để ra các quyết định kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI chia sẻ tại Hội thảo công bố Báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2022”. (Ảnh: Đinh Luyện).
Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận chính sách, không ít trường hợp cơ quan Nhà nước ngần ngại công bố các cơ sở dữ liệu. Việc công khai này không chỉ khiến các cơ quan thêm việc mà còn tạo tâm lý Nhà nước bỏ công sức thu thập dữ liệu mà doanh nghiệp hoặc các đơn vị tư vấn thị trường lại được sử dụng miễn phí để mang lại lợi nhuận.
Lấy ví dụ từ ngành Giao thông vận tải, theo VCCI, khi sửa đổi Nghị định về quản lý đường cao tốc, tại Tờ trình của Dự thảo, Bộ Giao thông vận tải cho rằng việc tập hợp, thống nhất thông tin về tình trạng giao thông trên các đường cao tốc về một đầu mối là rất cần thiết.
Dự thảo bổ sung quy định về việc thu thập và chia sẻ thông tin giao thông về một đầu mối là Trung tâm quản lý điều hành giao thông Quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay việc cung cấp thông tin mới chỉ gói gọn trong một số đối tượng nhất định như: Cảnh sát giao thông, VOV giao thông...
Nhằm tận dụng tốt hơn tài nguyên dữ liệu này, VCCI kiến nghị cần nghiên cứu phương án công bố thông tin giao thông dưới dạng dữ liệu mở, theo quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan Nhà nước.
Nói cách khác, từ dữ liệu này có thể giúp ích rất lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội, ví dụ như các doanh nghiệp có thể biết được lưu lượng xe để xác định nhu cầu thị trường lập kế hoạch sản xuất kinh doanh; hoặc lập kế hoạch vận tải tối ưu, tránh được các khung giờ thường ùn tắc giao thông.
Toàn cảnh Hội thảo công bố Báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2022”. (Ảnh: Đinh Luyện).
Trong khuôn khổ hội thảo, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI đã nêu ra một số “dòng chảy” trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật. Theo đó, các chính sách ứng phó với những tác động của kinh tế thế giới hợp lý và khá linh hoạt.
Qua đây, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao việc Nhà nước đã nhanh chóng ban hành các chính sách để ứng phó, chẳng hạn như cắt giảm các loại thuế về thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu ưu đãi để kiềm chế giá xăng dầu - nguyên liệu đầu vào quan trọng của nhiều ngành, lĩnh vực và kiềm chế lạm phát. Đồng thời, các chính sách liên quan đến hỗ trợ, phục hồi sau đại dịch tiếp tục được thúc đẩy, đã góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Tuy vậy, theo VCCI, vẫn còn một số vướng mắc trong quá trình thực thi khiến cho một số chính sách này chưa phát huy một cách hiệu quả, chẳng hạn như chương trình hỗ trợ lãi suất. Gói tín dụng này đang giải ngân được rất ít. Theo phản ánh từ nhiều doanh nghiệp và chuyên gia, các doanh nghiệp rất muốn vay được theo gói hỗ trợ này, nhưng bản thân các ngân hàng thương mại ngần ngại trong việc giải ngân.