Cân nhắc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Đấu thầu
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết việc ban hành và thực hiện Luật Đấu thầu cùng các luật khác có liên quan đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh hoạt động mua sắm, quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu, tạo niềm tin cho các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai hoạt động đấu thầu.
Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu cũng phát sinh một số vướng mắc, đặt ra yêu cầu phải sửa đổi toàn diện Luật này. Theo đó, quá trình triển khai thi hành Luật đã phát sinh một số hoạt động mua sắm, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư nhưng chưa được Luật này quy định hoặc quy định chưa đầy đủ. Một số luật liên quan đã sửa đổi hoặc có quy định khác so với Luật Đấu thầu.
Một số quy định của Luật Đấu thầu đã phát sinh vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện như: quy định về chỉ định thầu và giao cho người có thẩm quyền quyết định, quy định về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt khi gói thầu xuất hiện các yếu tố đặc thù, riêng biệt; chưa rõ các tiêu chí, nguyên tắc, thời điểm xác định tính độc lập về pháp lý, tài chính giữa các chủ thể tham gia đấu thầu nhằm đảm bảo công bằng trong đấu thầu... Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Luật Đấu thầu là yêu cầu cấp thiết.
Dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung theo các nhóm quy định về: phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc Luật Đấu thầu; nhóm quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch; nhóm quy định sửa đổi, bổ sung nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu; nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện quy định về đấu thầu mua sắm hàng hóa trong nước, mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh, mua sắm sản phẩm, dịch vụ được cung cấp bởi nhóm lao động yếu thế; nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đấu thầu, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu.
Liên quan đến phạm vi điều chỉnh, Dự thảo Luật bổ sung đối với dự án có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp có vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước. Theo đánh giá của đại diện Tập đoàn EVN, quy định như vậy sẽ đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần sự điều chỉnh hợp lý để đảm bảo các doanh nghiệp này được đối xử công bằng, không bị hạn chế quyền kinh doanh.
Khẳng định hợp đồng là thành phần không thể tách rời hồ sơ mời thầu, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng Chương về hợp đồng của Dự thảo Luật chỉ nên quy định khung, dẫn chiếu sang pháp luật chuyên ngành để tránh chồng chéo, thiếu đồng nhất giữa các hình thức hợp đồng.
Là Luật liên quan đến nhiều luật chuyên ngành khác, các đại biểu tham dự đều nhấn mạnh điều quan trọng nhất đó là cần đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đấu thầu với các luật khác như: Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công... Trong đó, đáng lưu ý là quy định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị phân định rõ theo hướng Luật Đất đai quy định trường hợp, điều kiện tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, thủ tục giao đất, cho thuê đất, quyền, nghĩa vụ của nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án có sử dụng đất. Luật Đấu thầu quy định hình thức, hồ sơ, trình
tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu lưu ý phải cân nhắc rất kỹ về vấn đề mở rộng phạm vi điều chỉnh so với luật hiện hành vì sẽ ảnh hưởng đến quyền tự chủ kinh doanh của các doanh nghiệp và các vấn đề về vốn nhà nước, đồng thời cũng cần nghiên cứu kỹ về đối tượng điều chỉnh của Dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng lưu ý một số điều của Dự thảo Luật sửa đổi để phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tránh vênh nhau giữa luật chung và luật chuyên ngành. Ngoài ra, Dự án Luật liên quan đến nhiều lĩnh vực nên cơ quan chủ trì cần tiếp tục rà soát kỹ để tránh chồng chéo đối với các luật hiện hành và cả các luật đang trong quá trình xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung trong giai đoạn này.
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 215, ra ngày 03/8/2022)