1. Trang chủ /
  2. Cân nhắc thực hiện mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng

Cân nhắc thực hiện mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng

thứ năm, 27/7/2023 22:39 GMT+07
Ngày 27/7, Ban Soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về một số nội dung của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Toàn cảnh buổi làm việc. Toàn cảnh buổi làm việc.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng – Phó Trưởng ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ Biên tập dự án Luật và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Trần Duy Đông chủ trì buổi làm việc.

Thông tin tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, chức năng quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được quy định tại Chương IV (Tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô) và Chương V (Liên kết, phát triển Vùng thủ đô), cụ thể tại các Điều từ Điều 38 đến Điều 52. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng Luật còn một số nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cần được tiếp tục nghiên cứu, trao đổi để thể chế hoá chủ trương tại Nghị quyết số 15-NQ/TW.

Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm tại cuộc họp là cho phép tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tổng thể đối với các dự án nhóm B, nhóm C. Tuy nhiên, trong quá trình soạn thảo, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc cho phép tách dự án nhóm C vì có thể thêm thủ tục quản lý dự án.

Đồng chí Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật thông tin tại buổi làm việc.
Đồng chí Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật thông tin tại buổi làm việc.

Về thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Điều 39 dự thảo Luật), dự thảo Luật cho phép mở rộng phạm vi áp dụng PPP trong lĩnh vực văn hoá và thể thao, trường hợp chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỉ trọng lớn hơn 50% trong tổng mức đầu tư của dự án và phương án tài chính sơ bộ của dự án PPP không đảm bảo khả năng hoàn vốn, HĐND Thành phố được xem xét, quyết định tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia nhưng không lớn hơn 70% tổng mức đầu tư của dự án và giao HĐND Thành phố quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao và văn hóa.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng nếu quy định chỉ được tăng tỷ lệ vốn góp của Nhà nước khi chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn hơn 50% sẽ bó cho địa phương, trường hợp chi phí 49% cũng không được tăng như vậy sẽ rất khó; trước đây khi làm cầu Yên Lệnh thực hiện theo hướng chi phí giải phóng nhà nước làm, cầu thì tư nhân làm.

Về thẩm quyền đầu tư (Điều 44 dự thảo Luật), dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định phân quyền mạnh mẽ thẩm quyền đầu tư từ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công cho HĐND, UBND thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, dự thảo Luật phân quyền một số thẩm quyền của HĐND, UBND thành phố Hà Nội cho HĐND, UBND thuộc thành phố Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư đối với một số dự án đầu tư, dự án đầu tư công.

Trong quá trình soạn thảo, các ý kiến đều nhất trí cần phân quyền mạnh mẽ cho Thành phố trong việc quyết định chủ trương đầu tư; tuy nhiên, đối với những dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội khi phân quyền cho Hà Nội, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định “trần”, không nên quy định quá rộng.

Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu tại buổi làm việc.
Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đánh giá cao quá trình thực hiện cũng như ủng hộ ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi). Để đạt được các mục tiêu đề ra trong dự thảo Luật, cần có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho Hà Nội, toàn diện trên các mảng kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh. Thứ trưởng đồng tình với các quan điểm trong dự thảo Tờ trình.

Đối với các vấn đề liên quan đến tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; đầu tư theo phương thức đối tác công tư, cho phép mở rộng phạm vi áp dụng PPP; thẩm quyền đầu tư, Thứ trưởng đề nghị cần rà soát chi tiết, kỹ lưỡng các điều luật, cân nhắc thêm tính ổn định, lâu dài; chi tiết hoá tối đa các trình tự, thủ tục. Các vấn đề về thực hiện mô hình phát triển đô thị, Thứ trưởng đề nghị cân nhắc, xem xét kỹ dự án, mô hình TOD…

Thay mặt Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến và đề nghị Lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư tiếp tục chỉ đạo các đơn vị phối hợp Bộ Tư pháp để chỉnh lý, hoàn thiện dự luật.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc.