1. Trang chủ /
  2. Cần phải sửa quy định về nhiệm vụ thu thập chứng cứ và thẩm quyền điều tra của Tòa án

Cần phải sửa quy định về nhiệm vụ thu thập chứng cứ và thẩm quyền điều tra của Tòa án

thứ năm, 9/11/2023 23:20 GMT+07
Dự thảo Luật Tổ chức TAND trình Quốc hội không còn quy định nhiệm vụ thu thập chứng cứ của Tòa án trong quá trình tố tụng xét xử như quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014, thể hiện tinh thần cải cách tư pháp mạnh mẽ theo Nghị quyết 27 về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Việc bỏ nhiệm vụ thu thập chứng cứ của Tòa án là cần thiết.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Chí - Trường Đại học Luật, ĐHQGHN.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Chí - Trường Đại học Luật, ĐHQGHN.

Dự thảo Luật Tổ chức TAND trình Quốc hội không còn quy định nhiệm vụ thu thập chứng cứ của Tòa án trong quá trình tố tụng xét xử như quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014, thể hiện tinh thần cải cách tư pháp mạnh mẽ theo Nghị quyết 27 về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Việc bỏ nhiệm vụ thu thập chứng cứ của Tòa án là cần thiết.

Điều 102 của Hiến pháp 2013 quy định: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Như vậy, ở tầm hiến định, cơ sở pháp lý cao nhất đã ghi nhận cụ thể và đầy đủ hơn trước đây về quyền tư pháp.

Theo đó, quyền tư pháp chính là quyền xét xử và một số quyền năng khác do Tòa án thực hiện; chủ thể của quyền tư pháp chính là các Tòa án chứ không phải bất kỳ một cơ quan nào khác và để Tòa án thực hiện chức năng xét xử, pháp luật quy định quyền hạn, trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ cho Tòa án án trong hoạt động tố tụng giải quyết vụ án, vụ việc.

Các quyền hạn, trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ đó phải hướng tới thực hiện chức năng xét xử của Tòa án, nói cách khác, chức năng xét xử là trục hướng tâm của các quy định về quyền hạn, trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ cho Tòa án.

Những nhiệm vụ không phục vụ cho việc thực hiện chức năng xét xử, thực hiện quyền tư pháp của Tòa được xem như trái quy luật, thể hiện tư duy không nhất quán, thiếu tính logic. Với cách tiếp cận này, việc loại bỏ nghĩa vụ thu thập chứng cứ của Tòa án trong quá trình tố tụng giải quyết vụ án mà dự thảo Luật nêu ra là hoàn toàn hợp lý, logic, phù hợp với thực tiễn hoạt động tố tụng.

Tòa án được xác định có vị trí trung tâm trong hoạt động tố tụng, do xuất phát từ chức năng xét xử là chức năng duy nhất, riêng có của Tòa án mà không có bất kỳ cơ quan, tổ chức nào có được. Để bảo đảm thực hiện đúng chức năng đó, Tòa án phải được thoát ra khỏi nhiệm vụ đi tìm sự thật khách quan của vụ án để rồi từ đó đóng luôn cả vai trò của phía buộc tội.

Cần bỏ một số thẩm quyền của Tòa án

Việc Tòa án có thẩm quyền trả hồ sơ để điều tra bổ sung, có trách nhiệm chứng minh tội phạm, có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự hoặc nghĩa vụ thu thập chứng cứ theo các quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014, của Bộ luật TTHS năm 2015 là chưa phù hợp với các nguyên tắc quan trọng của tố tụng tranh tụng.

Vì vậy, để nguyên tắc “Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” (Điều 26 BLTTHS năm 2015) được triển khai thực chất, có hiệu quả đòi hỏi thẩm quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ thuộc các chức năng tố tụng khác không phải là chức năng xét xử của Tòa án cần được loại bỏ. Thay vào đó, Tòa án phải thực sự bảo đảm được tự do tranh luận, tự do trình bày quan điểm, chứng cứ của các bên: bên buộc tội cũng như bên bào chữa.

Tòa án phải là chủ thể trung tâm của hoạt động xét xử theo nghĩa tạo mọi điều kiện cho những hoạt động tố tụng nói trên. Yếu tố “vô tư”, “khách quan” chính là chỗ này chứ không chỉ dừng lại ở đòi hỏi về sự “vô tư, khách quan” của cá nhân các Thẩm phán khi xem xét chứng cứ, lời khai, khi quyết định về định tội danh và hình phạt.

Hiến pháp năm 2013 và các Bộ luật tố tụng của nước ta đều quy định nguyên tắc “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm”. Tuy nhiên, bảo đảm sự độc lập của Thẩm phán, Hội thẩm trong xét xử, trên thực tế chưa đạt được như mong muốn, bên cạnh đó, cải cách tư pháp trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền còn đòi hỏi phải thể chế hóa các điều kiện để thực hiện hiệu quả nguyên tắc độc lập này.

Mục đích của độc lập tư pháp, độc lập Tòa án hướng tới bảo đảm cho Thẩm phán được độc lập trong xét xử để Tòa án thuận tiện hơn trong việc phục vụ công lý, bảo vệ quyền lợi của các bên. Tính độc lập đó thể hiện ở việc Thẩm phán phải có quyền quyết định các vụ việc một cách vô tư, không thiên vị, dựa trên bản chất của sự việc và theo luật pháp mà không chịu những hạn chế, tác động hay ảnh hưởng không phù hợp, hoặc sự dụ dỗ, sức ép, đe doạ hay can thiệp sai trái, một cách trực tiếp hay gián tiếp, từ bất cứ chủ thể nào, với bất cứ lý do nào.

Vì vậy, để Thẩm phán được độc lập cần có những quy định pháp lý như: Thẩm phán được bổ nhiệm suốt đời chứ không phải là bổ nhiệm theo nhiệm kỳ; Được miễn trừ trách nhiệm pháp lý do rủi ro nghề nghiệp trừ khi họ phạm vào những tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia; Có chế độ đãi ngộ cao phù hợp, đồng thời với việc tăng cường trách nhiệm của Thẩm phán; tạo được sự tôn vinh của xã hội đối với Thẩm phán... cần được nghiên cứu đưa vào Dự thảo Luật Tổ chức TAND lần này.

Bên cạnh đó, các thủ tục tố tụng cần phải quy định theo hướng bảo đảm sự độc lập của Tòa án, của Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ án. Những quy định về trách nhiệm ngoài chức năng xét xử của Tòa án như: Trách nhiệm chứng minh tội phạm, trách nhiệm khởi tố vụ án hình sự, nghĩa vụ thu thập chứng cứ... cần được loại bỏ.

Có như vậy, Thẩm phán mới không bị phân tâm vào những trách nhiệm ngoài xét xử đôi khi trái với nguyên tắc độc lập khi đưa ra những phán quyết đối với các tranh chấp, vi phạm mà mình đang giải quyết.

Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến chiều nay (9/11).
Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến chiều nay (9/11).

Tòa án không thể làm thay nhiệm vụ của Cơ quan điều tra

Điều tra thu thập chứng cứ là hoạt động tố tụng, đồng thời còn là nghề nghiệp cần phải được đào tạo, rèn luyện, thử thách đòi hỏi người làm công tác điều tra phải có kiến thức pháp luật sâu rộng, nghiệp vụ tinh thông, kỹ năng nghề nghiệp sắc sảo, bản lĩnh vững vàng, phẩm chất chính trị kiên định mới có thể hoàn thành nhiệm vụ điều tra thu thập chứng cứ.

Có thể lãng mạn một chút khi đưa ra nhận xét cho rằng, hoạt động điều tra thu thập chứng cứ không chỉ là nghề nghiệp đơn thuần mà nó đã trở thành nghệ thuật được nhào nặn, bồi đắp, dựng xây bởi bản tay của các Điều tra viên - chính họ mới là các nghệ sỹ tài ba trong việc tìm ra chân lý khách quan của vụ án.

Như vậy, điều tra thu thập chứng cứ vô cùng khó khăn, phức tạp nên không thể trao cho ai khác ngoài các điều tra viên. Việc loại bỏ quy định nghĩa vụ điều tra, thu thập chứng cứ của Tòa án trong Luật hiện hành hoàn toàn phù hợp.

Trong vụ án hình sự, hoạt động điều tra được giao cho CQĐT, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Điều tra viên và những người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra nên BLTTHS năm 2015 không quy định Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm có nghĩa vụ điều tra thu thập chứng cứ. Vì vậy, loại bỏ quy định nhiệm vụ thu thập chứng cứ trong Luật Tổ chức TAND trong trường hợp này thể hiện sự tương thích với quy định của BLTTHS, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đối với các vụ án phi hình sự (dân sự, hôn nhân gia đình, kinh tế, hành chính...) cần triệt để thực hiện nguyên tắc quyền tự định đoạt của các bên. Do vậy, việc thu thập chứng cứ là trách nhiệm, đồng thời là quyền của các bên. Tòa án không nên, không cần và không thể gánh vác trách nhiệm thu thập chứng cứ ngay cả trong trường hợp “Tòa án hỗ trợ đương sự là người yếu thế trong xã hội thu thập chứng cứ trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo quy định của pháp luật.” (Khoản 3, Điều 15 Dự thảo). Thay vào đó bằng quy định “Tòa án yêu cầu Trung tâm hỗ trợ pháp lý, các tổ chức Luật sư trợ giúp đương sự là người yếu thế trong xã hội thu thập chứng cứ trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo quy định của pháp luật.”